Máy bay Trung Quốc ăn tiền thuận lợi ở châu Phi và Trung Đông

25/10/2015 14:50
Việt Dũng
(GDVN) - Trung Quốc đã khởi động một kế hoạch đầy tham vọng để mở rộng thị phần ở châu Phi, máy bay Trung Quốc thích ứng tốt hơn với môi trường và thao tác đơn giản...

Tờ "Đa chiều" tiếng Trung ngày 24 tháng 10 đưa tin, tháng 3 năm nay, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm công bố, Trung Quốc đã vượt Đức và Pháp trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới. Trung Quốc đồng thời cũng là nước tăng trưởng xuất khẩu vũ khí nhanh nhất trong những năm gần đây.

Máy bay chiến đấu J-10 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-10 Trung Quốc

Theo bài báo, vũ khí Trung Quốc “bán chạy” ở hai khu vực là châu Phi và Trung Đông. Bài báo đã phân tích về nguyên nhân của nó như sau:

Công ty vũ khí quốc doanh Trung Quốc công bố kế hoạch đầy tham vọng, muốn bán nhiều vũ khí trang bị hơn ở các nước châu Phi và Trung Đông. Vũ khí Trung Quốc ở hai khu vực này được đánh giá cao tốt, rất dễ bán.

Trang mạng "Học giả Ngoại giao" Nhật Bản ngày 21 tháng 10 dẫn tờ "Tin tức Quốc phòng" Mỹ cho biết, Công ty TNHH phát triển hàng không quốc tế - Công nghiệp hàng không Trung Quốc gần đây đã khởi động một kế hoạch phát triển ở châu Phi đầy tham vọng.

Bao gồm xây dựng một trung tâm huấn luyện hàng không, 2 trung tâm marketing khu vực, 2 trung tâm sửa chữa và 3 trung tâm linh kiện để nâng cao lượng tiêu thụ và dịch vụ sau bán hàng của máy bay do Trung Quốc tự chế tạo.

Nam Phi, Tanzania, Congo là các quốc gia chủ yếu trong thực hiện kế hoạch phát triển này của họ. Kho linh kiện ở Zimbabwe và Kenya cũng đang được lên kế hoạch.

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FC-1 Kiêu Long/JF-17 Thunder do Trung Quốc và Pakistan hợp tác sản xuất.
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FC-1 Kiêu Long/JF-17 Thunder do Trung Quốc và Pakistan hợp tác sản xuất.

Tại triển lãm hàng không quốc tế Bắc Kinh 2015 tổ chức vào tháng trước, Tổng giám đốc Công ty động cơ hàng không, Trương Quang Kiếm cho biết, việc làm này là một phần tiếp tục mở rộng kế hoạch to lớn hơn ở toàn bộ châu Phi.

Theo bài báo, Công ty động cơ hàng không là công ty con của Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc. Trong khi đó, Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc là doanh nghiệp quốc doanh phát triển công nghệ hàng không quân dụng và dân dụng lớn nhất Trung Quốc.

Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc luôn tham gia nghiên cứu chế tạo và xuất khẩu nhiều loại trang bị của Không quân Trung Quốc, bao gồm phiên bản xuất khẩu FC-20 của máy bay chiến đấu J-10 Thành Đô, cùng với phiên bản xuất khẩu FC-1 Kiêu Long của máy bay chiến đấu JF-17 Thunder.

Công ty động cơ hàng không là doanh nghiệp được thành lập để mở rộng xuất khẩu máy bay dân dụng của Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc.

Máy bay huấn luyện L-15 do Trung Quốc chế tạo
Máy bay huấn luyện L-15 do Trung Quốc chế tạo

Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc đã chiếm thị phần tương đối lớn ở thị trường máy bay châu Phi. Nhiều nước như Zimbabwe, Zambia, Ethiopia, Namibia, Tanzania, Ghana, Nigeria, Mauritius, Djibouti đều đang sử dụng máy bay do Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc chế tạo.

Trong đó bao gồm máy bay huấn luyện lưỡng dụng, chẳng hạn máy bay huấn luyện L-15 Hồng Đô và máy bay huấn luyện K-8 Karakorum do Trung Quốc và Pakistan hợp tác sản xuất.

Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc cho biết, máy bay huấn luyện được không quân các nước châu Phi sử dụng ít nhất có 80% do Trung Quốc chế tạo. Cơ sở mới có kế hoạch xây dựng của Công ty động cơ hàng không sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm thị phần lớn hơn ở thị trường máy bay châu Phi.

Trương Quang Kiếm cho biết: "Chúng tôi có kế hoạch sử dụng những cơ sở này để giúp cho công nghiệp hàng không dân dụng của chúng tôi mở rộng vai trò ảnh hưởng ở khu vực miền trung và tây bắc châu Phi.

Trung Quốc xuất khẩu máy bay huấn luyện K-8 cho Venezuela
Trung Quốc xuất khẩu máy bay huấn luyện K-8 cho Venezuela

So với đối thủ cạnh tranh phương Tây, máy bay chúng tôi đã được chứng minh là phù hợp hơn khi sử dụng ở châu Phi, bởi vì chúng dễ thích ứng hơn với môi trường khắc nghiệt và thao tác đơn giản".

Theo bài báo, mặc dù các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm vị thế chủ đạo ở thị trường máy bay huấn luyện châu Phi, nhưng công nghiệp hàng không Trung Quốc còn có kế hoạch mở rộng xuất khẩu máy bay tác chiến.

Tại Triển lãm hàng không Bắc Kinh 2015 và Triển lãm hàng không Paris lần thứ 51, Công nghiệp hàng không Trung Quốc đã trưng bày phiên bản nâng cấp của FC-1 và JF-17.

Một sản phẩm có ý nghĩa khác của Công nghiệp hàng không Trung Quốc trưng bày ở Triển lãm hàng không Bắc Kinh là máy bay không người lái Dực Long-2 hoàn toàn mới.

Loại máy bay không người lái này là một loại máy bay không người lái đa năng có thời gian hoạt động dài, có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát và giám sát trên không và nhiệm vụ tấn công đối đất. Nó do Viện nghiên cứu thiết kế máy bay Thành Đô thuộc Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc nghiên cứu chế tạo.

Máy bay không người lái Dực Long, Trung Quốc
Máy bay không người lái Dực Long, Trung Quốc

Theo tờ "Jane's Defense Weekly" Anh, máy bay không người lái Dực Long-2 có thể “sánh ngang” với máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ trên một số phương diện.

Hai loại máy bay không người lái này đều sử dụng một động cơ phản lực cánh quạt để cung cấp động lực, hệ thống thông tin vệ tinh và hệ thống quang học chính của nó đều đặt ở phần đầu máy bay,

hơn nữa đều áp dụng phương thức thiết kế cánh ổn định hình chữ V cỡ lớn kết hợp với một cánh ổn định thẳng đứng cỡ nhỏ dưới đuôi máy bay.

Tuy nhiên, khả năng tải trọng, độ cao và tốc độ tối đa khi bay của máy bay không người lái Dực Long-2 còn có khoảng cách rõ rệt so với máy bay không người lái Reaper.

Ngoài ra, hình ảnh máy bay không người lái Dực Long-2 trên tài liệu tuyên truyền chính thức của Viện nghiên cứu thiết kế máy bay Thành Đô cho thấy, nó mang theo 12 quả tên lửa không đối đất, rất có thể là tên lửa LJ-7 mới nặng 26,5 kg.

Máy bay không người lái Dực Long, Trung Quốc
Máy bay không người lái Dực Long, Trung Quốc

Điều cũng cần phải chỉ ra là, Dực Long-1, tiền thân của loại máy bay không người lái này rất giống máy bay không người lái MQ-1 Predator của Mỹ.

Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc hy vọng máy bay không người lái Dực Long-2 có thể giúp cho doanh nghiệp Trung Quốc chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường máy bay không người lái quốc tế.

Khi trả lời phỏng vấn tờ tuần san "Tin tức Quốc phòng", nhà phân tích Trung Quốc Vương Á Nam cho rằng: "Loại máy bay không người lái tiên tiến này sẽ giúp Trung Quốc chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường quốc tế, bởi vì nó sẽ là một trong những máy bay không người lái quân sự có tính năng mạnh nhất trên thị trường.

Máy bay không người lái Dực Long-2 đã trang bị hệ thống liên kết dữ liệu vệ tinh, cho nên nó có thể hoạt động trong môi trường có tín hiệu mặt đất tương đối kém, điều này có nghĩa là nó rất có lợi cho những nước có rất nhiều đồi núi hoặc cao nguyên.

Máy bay không người lái Dực Long, Trung Quốc
Máy bay không người lái Dực Long, Trung Quốc

Ngoài ra, loại máy bay không người lái này cũng sẽ có sức hấp dẫn rất lớn đối với những nước sử dụng máy bay không người lái Dực Long-1, bởi vì họ đã nhận thức được tính năng cao và độ tin cậy của máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất".

Theo bài báo, Trung Quốc đã xuất khẩu nhiều loại máy bay không người lái ở các nước châu Phi và Trung Đông. Từ năm 2011 đến nay, Trung Quốc cũng đã bán máy bay không người lái Dực Long-1 cho nhiều nước châu Phi và Trung Đông, bao gồm Nigeria, Ai Cập và UAE.

Ngoài ra, báo chí gần đây cho biết, một chiếc máy bay không người lái CH-4B do Trung Quốc chế tạo của Không quân Iraq vừa xuất hiện ở căn cứ không quân Kut, ngoại ô Baghdad. Điều thú vị là, Saudi Arabia cũng đã mua máy bay không người lái Dực Long-1, nhưng chưa rõ số lượng.

Máy bay không người lái Dực Long, Trung Quốc
Máy bay không người lái Dực Long, Trung Quốc
Máy bay không người lái CH-4 do Trung Quốc chế tạo
Máy bay không người lái CH-4 do Trung Quốc chế tạo
Việt Dũng