Máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ tự do xâm phạm không phận Hy Lạp

02/12/2015 11:38
Việt Dũng
(GDVN) - Mặc dù xâm phạm không phận Hy Lạp nhiều lần, nhưng máy bay Thổ Nhĩ Kỳ chưa hề bị bắn hạ. Song, gần đây đã ít xâm phạm hơn vì Thổ bắn hạ máy bay chống khủng bố.

Trang mạng Sputnik Nga đưa tin, nguồn tin từ Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Hy Lạp cho biết, 6 máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 1 tháng 12 đã xâm phạm không phận Hy Lạp.

Máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ
Máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ

Theo Bộ Tổng tham mưu Hy Lạp: “Một cụm 6 máy bay chiến đấu F-16 Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua khu vực giữa đảo Lesbos và đảo Chios - thuộc không phận Hy Lạp, không cung cấp kế hoạch bay. Sau đó, cụm máy bay này chia làm 2 tốp, một tốp 2 chiếc, tốp còn lại 4 chiếc”.

Quân đội Hy Lạp cho biết, máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ đã ở lại không phận của Hy Lạp khoảng 30 phút.

Trước khi máy bay chiến đấu ném bom Su-24 Nga (đang tấn công khủng bố) bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cách đây không lâu, hầu như hàng ngày máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đều bay qua không phận biển Aegean của Hy Lạp, số lần xâm phạm bình quân hàng năm lên tới 1.500 lần.

Trước đó, theo các nguồn tin, ngày 29 tháng 11, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã đăng một bài viết trên tài khoản Twitter với nội dung là: “Gửi Thủ tướng Davutoglu: May mắn là các phi công của chúng tôi không lanh lợi như các phi công của các anh chống lại phía Nga”.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu

Như vậy, Thủ tướng Alexis Tsipras đã nhắc nhở máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm phạm không phận của họ mà không bị bắn rơi. Ông cho rằng, hoạt động xâm phạm này là quá tồi tệ và không thể tin được. Nếu cố ý xâm phạm, Hy Lạp sẽ không để yên.

Theo báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Hy Lạp, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc Su-24 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã giảm số lần xâm phạm không phận Hy Lạp mà không rõ lý do…

Bình luận trên của ông Alexis Tsipras được đưa ra trong bối cảnh máy bay chiến đấu ném bom Su-24 Nga bị máy bay chiến đấu F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ vì Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chiếc Su-24 này xâm phạm không phận của họ. Sự kiện này đã gây ra cuộc khủng hoảng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bình luận trên được đăng lên sau khi ông Alexis Tsipras có cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ở Thủ đô Brussels, Bỉ khi cả hai ông đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ về người tị nạn ngày 29 tháng 11.

Về vấn đề này, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã đăng lên Twitter một câu đáp lại rằng: “Bình luận của ông Alexis Tsipras về các phi công hầu như không phù hợp với tinh thần của ngày hôm nay. Alexis! Hãy tập trung vào chương trình nghị sự của chúng ta!”.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu

Để giảm căng thẳng, ngày 30 tháng 11, bên lề Hội nghị về biến đổi khí hậu ở Paris, Pháp, Thủ tướng Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp gỡ và nhất trí cho rằng, kết quả của Hội nghị thượng đỉnh giữa EU-Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29 tháng 11 là thành quả tích cực, cho biết hai nước sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ.

Như vậy, hai trường hợp “xâm phạm không phận” khác nhau, nhưng có cách ứng xử khác nhau. Đáng chú ý là, nếu máy bay chiến đấu Nga có xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ đi chăng nữa thì họ cũng đang tiến hành chiến dịch chống khủng bố, tiêu diệt IS – kẻ thù chung của cộng đồng quốc tế. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn điều đó, khiến Nga phải thốt lên rằng, hành động này “đồng lõa” với khủng bố.

Được biết, ngày 1 tháng 12, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ký một chỉ thị chính phủ phê chuẩn một loạt biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm một danh sách các sản phẩm nông nghiệp.

Theo đó, kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2016, Nga sẽ không nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ các loại rau quả như cà chua, hành tây, nho, táo và các sản phẩm từ gà.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev

Mặc dù vậy, trong danh sách không có chanh và các loại quả hạch – những mặt hàng được Nga nhập khẩu với số lượng lớn từ Thổ Nhĩ Kỳ. Lệnh cấm của Nga cũng chưa nhằm vào các dự án năng lượng giữa hai bên.

Gần đây, giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục lời qua tiếng lại khá căng thẳng. Nga đã đưa “bằng chứng” cho NATO về việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga mà chưa xâm phạm không phận, đồng thời cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ tạo điều kiện cho IS bán dầu bẩn.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thách thức Nga rằng, nếu cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ cho phép IS bán dầu… thì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ từ chức. Cuộc tranh cãi này chưa biết sẽ tiếp diễn thế nào, nhưng có lẽ chưa kết thúc.

Thi thể phi công của máy bay chiến đấu ném bom Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ được đưa về Nga
Thi thể phi công của máy bay chiến đấu ném bom Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ được đưa về Nga
Việt Dũng