Miệng lưỡi báo TQ: Việt Nam muốn dựa vào lớp Kilo để "một tấc lên giời"

28/01/2015 10:02
Đông Bình
(GDVN) - Tàu ngầm của Nhật, Việt, Ấn được cho là "thách thức" của TQ, nhưng chính TQ đang phát triển, chế tạo mọi loại vũ khí với tốc độ chóng mặt và có mưu đồ xấu.
Trung Quốc triển khai tàu ngầm hạt nhân ở Biển Đông (nguồn Tân Hoa xã)
Trung Quốc triển khai tàu ngầm hạt nhân ở Biển Đông (nguồn Tân Hoa xã)

Tờ "Tuyền Châu vãn báo" Trung Quốc ngày 27 tháng 1 có bài viết về thực lực tàu ngầm của Ấn Độ, Việt Nam và Nhật Bản, tự lu loa cho rằng, Hải quân Trung Quốc đối mặt với các thách thức ở dưới biển bất chấp thực tế chính TQ mới là thế lực quân sự gây quan ngại nhất khu vực thông qua các chủ trương và hành động thực tiễn của nước này. Sau đây là nội dung bài báo:

Theo bài báo, gần đây, truyền thông nước ngoài tích cực đề cập tới các trang bị mới của Trung Quốc, đã đẩy tàu ngầm Trung Quốc ra "đầu sóng ngọn gió". Họ phỏng đoán, Trung Quốc có 60 chiếc tàu ngầm các loại, trong đó tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 096 mới nhất có thể mang theo 24 quả tên lửa đạn đạo có tầm bắn không dưới 11.000 km.

Những năm gần đây, cùng với tranh giành “quyền lợi biển” ngày càng kịch liệt, các nước xung quanh Trung Quốc đều tới tấp tìm cách tăng cường thực lực quân sự của mình, nhất là thực lực hải quân, trong khi đó, với tính chất là “vũ khí mang tính tấn công mạnh có thể xuất quỷ nhập thần ở sâu trong đại dương”, tàu ngầm càng là mối quan tâm của các nước.

Chuyên gia quân sự Nhật Bản từng tuyên bố, “tàu ngầm kiểu mới và năng lực tác chiến săn ngầm là lực lượng tác chiến phi đối xứng then chốt để tăng cường ưu thế trong chiến tranh trên biển.

Đối mặt với năng lực săn ngầm mạnh của Nhật Bản, tàu ngầm Hải quân Trung Quốc sẽ khó hành động”. Hải quân Nhật Bản sử dụng tàu ngầm để đối phó tàu ngầm Trung Quốc chẳng những giúp cho hành động bí mật hơn, mà còn do ưu thế công nghệ mạnh của tàu ngầm Nhật Bản, sẽ làm cho tàu ngầm Trung Quốc đối mặt thách thức rất lớn.

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Nhật Bản luôn duy trì loại mới nhất

Nhật Bản là một trong số ít quốc gia châu Á có thể tự nghiên cứu phát triển, chế tạo tàu ngầm, lực lượng tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cũng là một trong những lực lượng tàu ngầm tiên tiến nhất thế giới. Hiện nay, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sở hữu 16 chiếc tàu ngầm lớp Soryu kiểu mới nhất, loại tàu ngầm này trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập tiên tiến (AIP), thời gian lặn vượt tàu ngầm thông thường bình thường.

Theo bài báo, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cơ bản tiến hành đổi tàu ngầm mới-cũ theo cách “mỗi năm cho nghỉ hưu 1 chiếc và biên chế 1 chiếc”. Vì vậy, nước này không chỉ sở hữu lực lượng tàu ngầm đang biên chế với thời hạn phục vụ ngắn và cỡ loại mới, mà còn dự trữ một "lực lượng tàu ngầm được niêm phong" với số lượng khổng lồ, một khi nổ ra chiến tranh, có thể dễ dàng mở rộng gấp đôi lực lượng tàu ngầm.

Bài báo cho rằng, Nhật Bản hoàn toàn không thỏa mãn với số lượng tàu ngầm hiện nay, chuẩn bị mở rộng quy mô lực lượng tàu ngầm trong biên chế. Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch đến năm 2021 sẽ tăng số lượng tàu ngầm hiện có lên 22 chiếc để tăng cường ưu thế trên lĩnh vực tàu ngầm thông thường, dùng mô hình "kết hợp số lượng và chất lượng", nâng cao năng lực kiểm soát dưới nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tham vọng của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản không chỉ hạn chế ở đột phá về số lượng tàu ngầm thông thường, chế tạo và sở hữu tàu ngầm hạt nhân cũng là một trong mục tiêu mơ ước của họ. Những năm gần đây, Nhật Bản từng nhiều lần thảo luận khả năng độc lập chế tạo tàu ngầm hạt nhân để chống lại Hải quân Trung Quốc "có năng lực tác chiến tàu ngầm mạnh". Có truyền thông Nhật Bản cho rằng, so với tàu ngầm hạt nhân chiến lược nhạy cảm, Nhật Bản có thể cân nhắc trước hết trang bị tàu ngầm hạt nhân tấn công và xem xét mua sắm của Mỹ.

Tàu ngầm thông thường Hà Nội HQ 182 lớp Kilo của Hải quân Việt Nam, mua của Nga (ảnh minh họa)
Tàu ngầm thông thường Hà Nội HQ 182 lớp Kilo của Hải quân Việt Nam, mua của Nga (ảnh minh họa)

Việt Nam muốn dựa vào lớp Kilo để "một tấc lên giời"

Với cách nói như vậy, báo Trung Quốc cho rằng, từ lâu, Việt Nam hoàn toàn không coi trọng lực lượng tàu ngầm, lực lượng dưới nước từng chỉ có 2 tàu ngầm cỡ nhỏ lớp Yugo. Nhưng, những năm gần đây, cấp cao Quân đội Việt Nam đã thay đổi tư duy, đưa lực lượng tàu ngầm lên vị trí phát triển ưu tiên.

Trong "Quy hoạch phát triển ba bước hải quân đầu thế kỷ 21" của Hải quân Việt Nam chỉ ra, cần phát triển lực lượng không quân và tàu ngầm hải quân. Dựa vào quan điểm phát triển trên, Hải quân Việt Nam đã đặt mua 6 tàu ngầm động cơ diesel-điện Type 636M lớp Kilo (lỗ đen đại dương) của Nga, đồng thời thỉnh thoảng thực hiện nhiệm vụ chống hạm, săn ngầm ở Biển Đông.

Tính đến nay, nhà máy đóng tàu Nga đã bàn giao 4 tàu ngầm lớp Kilo cho Việt Nam. Căn cứ vào hợp đồng, lô tàu ngầm này sẽ bàn giao toàn bộ trước năm 2016. Chuyên gia cho rằng, sau khi sở hữu 6 tàu ngầm chạy êm, năng lực của Hải quân Việt Nam sẽ không thể xem thường. Tàu ngầm lớp Kilo có thể bắn tên lửa chống hạm Club tầm bắn gần 300 km, tiến hành tấn công ngoài tầm nhìn đối với tàu chiến đối phương.

Nhưng cũng có phân tích cho rằng, Việt Nam hy vọng dựa vào tàu ngầm lớp Kilo với số lượng có hạn để thực lực hải quân của mình thay đổi triệt để là không thực tế lắm. Nguyên nhân rất đơn giản: Tàu ngầm lớp Kilo tất nhiên tiên tiến, nhưng các trang bị chiến đấu chủ yếu khác của Hải quân Việt Nam phần lớn không thể hình thành năng lực tác chiến đồng bộ và có hệ thống với tàu ngầm tiên tiến.

Tàu ngầm hạt nhân INS Arihant Ấn Độ chạy thử trên biển
Tàu ngầm hạt nhân INS Arihant Ấn Độ chạy thử trên biển

Tàu ngầm hạt nhân Ấn Độ có thể đến Biển Đông răn đe Trung Quốc

Cách đây không lâu, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Arihant của Hải quân Ấn Độ vừa kết thúc kiểm tra trong cảng 18 tháng, đã tràn đầy tự tin chạy ra khỏi cảng Visakhapatnam, đã bắt đầu chạy thử trên biển đợt mới. Trong năm 2015, chiếc thứ hai lớp này cũng sẽ hạ thủy.

Đối với vấn đề này, truyền thông Ấn Độ tiếp tục bày tỏ hoan nghênh nhiệt liệt: Ấn Độ cuối cùng đã sở hữu danh hiệu “quốc gia thứ 6 thế giới có thể độc lập chế tạo tàu ngầm hạt nhân”, Ấn Độ hoàn toàn có năng lực chế tạo 5 chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược trong 7 năm tới.

Ấn Độ cao giọng tuyên truyền họ sở hữu tàu ngầm hạt nhân chiến lược như vậy vừa thể hiện họ gấp rút muốn tiết lộ nhiều thông tin hơn, cũng ẩn giấu rất nhiều ý đồ chiến lược không muốn nói ra.

Theo bài báo, ngay từ đầu thập niên 1960, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á sở hữu tàu sân bay, điều này thực sự giúp cho Hải quân Ấn Độ tự hào và phát huy trong chiến tranh trên biển giữa Ấn Độ-Pakistan. Nhưng, sau này vô số sự thực làm cho Ấn Độ hiểu rõ: Chỉ có tàu sân bay mà không có tàu ngầm hạt nhân thì hải quân chỉ có thể là “con vịt què”, khó mà đứng vào hàng ngũ hải quân nước lớn thế giới.

Chuyên gia quân sự hải quân Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, một khi đã có tàu ngầm hạt nhân mới và tên lửa đạn đạo tầm xa, Hải quân Ấn Độ tuyệt đối sẽ không “ngoan ngoãn, tự đắc” hành động ở Ấn Độ Dương.

Theo Lý Kiệt, Quân đội Ấn Độ đã dự định chính sách tương lai của họ: Một là tiến đến Thái Bình Dương để phô diễn hình tượng nước lớn hoặc tiến hành răn đe chiến lược. Hai là, không loại trừ tàu ngầm Arihant sẽ được điều tới Biển Đông để tiến hành răn đe chiến lược đối với Trung Quốc trên một phương hướng địa-chiến lược, đồng thời trong trường hợp cần thiết, tiến hành báo thù hạt nhân chiến lược hoặc tấn công hạt nhân lần thứ hai.

Tàu ngầm thông thường Type 039B, Hải quân Trung Quốc được cho là trang bị hệ thống AIP
Tàu ngầm thông thường Type 039B, Hải quân Trung Quốc được cho là trang bị hệ thống AIP

Trung Quốc: tàu ngầm là phương hướng phát triển quan trọng

Gần đây, truyền thông Singapore đưa tin, Trung Quốc đang phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 096 lớp Đường thế hệ mới, có thể mang theo 24 quả tên lửa đạn đạo tầm bắn không thấp hơn 11.000 km, bắn từ biển gần Trung Quốc có thể trực tiếp đánh tới lãnh thổ Mỹ.

Cuối năm 2014, báo Mỹ cho biết, tàu ngầm hạt nhân mới lắp đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc lần đầu tiên tiến hành tuần tra chiến lược, điều này làm cho Trung Quốc lần đầu tiên sở hữu năng lực tấn công hạt nhân trên biển đáng tin cậy, nếu tàu ngầm hạt nhân bắn tên lửa từ vùng biển phía đông Hawaii thì toàn bộ 50 bang của Mỹ đều nằm trong phạm vi tấn công.

Khi so sánh sức mạnh quân sự Mỹ-Trung, truyền thông Nhật Bản gần đây cũng cho rằng, Quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương nếu “một đấu một” thì sẽ ở vào “thế yếu về số lượng”, nếu liên kết với lực lượng quân sự của Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia thì mới có thể có “ưu thế về số lượng” một cách miễn cưỡng.

Sự phát triển của tàu chiến Hải quân Trung Quốc luôn được dư luận theo dõi chặt chẽ, mặc dù báo Trung Quốc cho rằng truyền thông nước ngoài đang tuyên truyền mối đe dọa Trung Quốc, nhưng mặt khác đã thể hiện những “tiến bộ rất lớn” của Hải quân Trung Quốc trong những năm gần đây.

Bình luận viên Doãn Trác trên đài CCTV Trung Quốc cho rằng, trang bị mới của Hải quân Trung Quốc thực sự đã bước vào giai đoạn “được mùa”, xu thế phát triển tốc độ cao này sẽ còn tiếp tục trong thời gian khá dài. Mặc dù vậy, Hải quân Trung Quốc cách cường quốc hải quân hiện đại vẫn còn có khoảng cách rất lớn, tốc độ xây dựng phát triển còn lâu mới đuổi kịp sự mở rộng nhanh chóng của “lợi ích kinh tế và lợi ích an ninh biển” (như mưu đồ bành trướng lãnh thổ “đường lười bò”).

Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Trung Quốc

Doãn Trác cho rằng, tăng cường phát triển tàu ngầm là một trong những phương diện quan trọng cần tập trung trong phát triển trang bị tương lai của Hải quân Trung Quốc. Tháng 9 năm 2014, Trung Quốc lần đầu tiên điều tàu ngầm đến vịnh Aden thực hiện nhiệm vụ hộ tống và tiến hành đỗ kỹ thuật tại Sri Lanka.

Theo bài báo, Hải quân Trung Quốc tất yếu vươn ra biển xa. Biển gần là khu vực cốt lõi về lợi ích chiến lược của Trung Quốc, nhưng Hải quân Trung Quốc nếu muốn phòng thủ biển gần thì phải vươn ra biển xa. Doãn Trác cho rằng, tàu chiến Trung Quốc cần phải vươn ra biển xa - đây là nhu cầu tất yếu để bảo vệ lợi ích phát triển và lợi ích an ninh quốc gia, là nhiệm vụ sứ mạng của hải quân.

Mặc dù báo Trung Quốc tuyên truyền tàu ngầm của các nước xung quanh là “thách thức” của họ, nhưng Trung Quốc hiện nay được cho là sở hữu lực lượng tàu ngầm đông đảo nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhiều nguồn tin cho rằng, Trung Quốc sở hữu từ 60 - 70 tàu ngầm, trong đó có cả tàu ngầm thông thường (Type 039 lớp Tống, Type 039A/B lớp Nguyên, lớp Kilo...) và tàu ngầm hạt nhân tấn công/chiến lược như Type 093, Type 094, đồng thời còn đang đẩy mạnh chế tạo thêm cũng như tìm cách phát triển các loại tàu ngầm mới như Type 095, Type 096.

Vậy Trung Quốc tăng cường phát triển, chế tạo nhiều tàu ngầm như vậy để làm gì? Đây có phải là thách thức to lớn của các nước khác, nhất là các nước láng giềng mà Trung Quốc đang thúc đẩy tranh chấp lãnh thổ như yêu sách bành trướng “đường lưỡi bò”?

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)

Hiện nay, trên Biển Đông, dư luận cho rằng, Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ tàu ngầm như ở cảng Du Lâm, vịnh Á Long, khu vực Hạ Xuyên. Đáng chú ý là, căn cứ tàu ngầm ở vịnh Á Long có đường hầm ăn sâu vào núi có thể chứa cả tàu ngầm thông thường và tàu ngầm hạt nhân, được cho là có thể giữ được bí mật và tránh các đợt tấn công của kẻ thù… Cùng với xây dựng các căn cứ dành cho tàu sân bay, tàu chiến mặt nước cỡ lớn, máy bay quân sự các loại khác…, đảo Hải Nam sẽ là tiền đồn quân sự mạnh hướng ra Biển Đông của Hải quân Trung Quốc trong tương lai.

Đông Bình