"Mùi thuốc súng" đang lan ra rộng trên bầu trời Tây Thái Bình Dương?

08/08/2013 08:06
Đông Bình
(GDVN) - Nhật Bản tìm cách sửa đổi Hiến pháp chỉ là "mâu thuẫn thứ yếu", còn tranh quyền kiểm soát Tây Thái Bình Dương với TQ mới là "mâu thuẫn chủ yếu"...
Biên đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc đến vùng biển đảo Senkaku
Biên đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc đến vùng biển đảo Senkaku

Ngày 7 tháng 8, tờ "Liên hợp buổi sáng" Singapore có bài viết cho rằng, nhìn vào xu thế mới phát triển tranh chấp đảo Senkaku giữa Trung-Nhật, đối với Mỹ, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhanh chóng tiếp cận với vị thế của Mỹ.

Đặc biệt, kế hoạch đóng tàu đầy tham vọng của Hải quân Trung Quốc rất gây chú ý, tương lai chắc chắn sẽ cùng với Hải quân Mỹ tranh đoạt quyền kiểm soát Tây Thái Bình Dương, từ đó trở thành "mâu thuẫn chủ yếu" Mỹ phải đối mặt trong tương lai gần. Còn việc thế lực cánh hữu Nhật Bản có ý định thoát khỏi sự trói buộc của Điều 9 Hiến pháp hòa bình thì đây chỉ là "mâu thuẫn thứ yếu".

Ngày 29 tháng 7, hội nghị toàn thể Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua nghị quyết lên án Trung Quốc "đe dọa và sử dụng vũ lực" ở xung quanh đảo Senkaku và Biển Đông.

Nghị quyết đã dẫn các sự kiện như vào tháng 1 năm 2013, tàu chiến Trung Quốc đã sử dụng radar điều khiển hỏa lực tiến hành ngắm bắn đối với tàu hộ vệ của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, cho rằng, tình hình căng thẳng ở các vùng biển xung quanh Trung Quốc leo thang, đồng thời nhấn mạnh tự do đi lại ở các vùng biển Tây Thái Bình Dương "có liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ".

Không những vậy, ngày 29 tháng 7, trang mạng tạp chí "Chính sách ngoại giao" Mỹ còn dẫn lời Tư lệnh Không quân Mỹ, Thượng tướng Carlisle tuyên bố, Không quân Mỹ sẽ triển khai luân phiên các đơn vị tác chiến tinh nhuệ ở xung quanh Trung Quốc như Mỹ đối phó với Liên Xô cũ trước đây.

Ngày 26 tháng 7 năm 2013, Hạm đội Nam Hải tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông.
Ngày 26 tháng 7 năm 2013, Hạm đội Nam Hải tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông.

Phát biểu của tướng Carlisle hầu như đã mở màn cho một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Cùng với việc Trung Quốc tổ chức tiệc tùng để kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nước này (ngày 1 tháng 8), mùi thuốc súng ngày càng đậm đang lan ra trên bầu trời Tây Thái Bình Dương.

Khi lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Mỹ tổ chức hội đàm ở bang California vào tháng 6 năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải giữ kiềm chế trong xử lý tranh chấp với các nước láng giềng. Nhưng sau đó, Trung Quốc vẫn liên tục điều tàu công vụ tuần tra thị uy ở vùng biển đảo Senkaku, thanh thế tăng lên chứ không giảm đi.

Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết trên là một trường hợp ít gặp. Mặc dù nghị quyết này hoàn toàn không mang tính trói buộc đối với Chính phủ Mỹ, nhưng đã phản ánh sự vận động của chính quyền Shinzo Abe tại Mỹ ít nhất đã đạt được thành công ở Quốc hội Mỹ, ngoài ra cũng đã thể hiện ý đồ "cảnh cáo" của Mỹ đối với Trung Quốc.

Lời phát biểu của Thượng tướng không quân Mỹ Carlisle cũng cho thấy, tuyên bố chính sách "quay trở lại châu Á" của Mỹ được đưa ra trước dây không phải là những "lời nói suông", mà có bối cảnh quân sự rõ ràng.

Ngày 6 tháng 8 năm 2013, Nhật Bản hạ thủy tàu sân bay trực thăng Izumo Type 22DDH gây lo ngại đặc biệt cho Trung Quốc
Ngày 6 tháng 8 năm 2013, Nhật Bản hạ thủy tàu sân bay trực thăng Izumo Type 22DDH gây lo ngại đặc biệt cho Trung Quốc

Đồng thời, cách đây không lâu, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đưa ra báo cáo giữa kỳ phục vụ cho xây dựng "Đại cương kế hoạch phòng vệ" mới đã gây chú ý đặc biệt. Theo đề cương của báo cáo này, để tăng cường theo dõi, cảnh giới đối với vùng biển đảo Senkaku và chương trình tên lửa, hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản cho rằng "cần phải tăng cường trang bị", vì vậy cân nhắc sở hữu năng lực tấn công đánh đòn phủ đầu, bao gồm các biện pháp như mua sắm máy bay do thám không người lái tầm cao (Global Hawk) và xây dựng một lực lượng tương tự như Thủy quân lục chiến Mỹ.

"Đại cương kế hoạch phòng vệ" là phương châm chỉ đạo chính sách quốc phòng của Nhật Bản, sử dụng cho 10 năm tới. Cuối năm 2010, chính quyền đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đã đưa ra "Đại cương kế hoạch phòng vệ" mới, chuyển phương hướng phòng vệ trọng điểm xuống hướng "nam", tức là từ phương hướng Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh chuyển hướng tới "các hòn đảo tây nam" (nhằm vào Trung Quốc).

Thế lực cánh hữu Nhật Bản mấy chục năm qua luôn tìm cách thoát khỏi sự hạn chế của Điều 9 Hiến pháp, chủ trương trong tình hình kẻ thù có ý đồ tấn công Nhật Bản rõ ràng, mối đe dọa vô cùng cấp bách và không có sự lựa chọn phòng vệ khác, Nhật Bản phải có quyền chủ động tấn công căn cứ của kẻ thù.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tăng cường năng lực đánh chiếm đảo đá nhằm bảo vệ các hòn đảo tây nam trước "mối đe dọa từ Trung Quốc"
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tăng cường năng lực đánh chiếm đảo đá nhằm bảo vệ các hòn đảo tây nam trước "mối đe dọa từ Trung Quốc"

Mặc dù báo cáo giữa kỳ do nội các Abe chủ trì biên soạn vẫn chưa chỉ rõ, Nhật Bản sẽ tìm kiếm năng lực tấn công "căn cứ kẻ thù" theo kiểu "đánh đòn phủ đầu", xu thế thay đổi mang tính căn bản về chính sách quốc phòng của Nhật Bản đã rất rõ ràng. Báo cáo này mở ra khả năng Nhật Bản sở hữu quyền "tấn công phủ đầu" trong thời chiến, đã thể hiện xu thế Nhật Bản vượt qua hạn chế của Điều 9 Hiến pháp.

Thế lực cánh hữu đương nhiên không muốn chịu sự trói buộc của Hiến pháp hòa bình Nhật Bản nữa, còn người dân Nhật Bản cũng theo xu thế này. Bản thân động thái này là một "lời cảnh báo" cho Trung Quốc.

Bởi vì, nhìn vào góc độ chiến lược vĩ mô, các nhà quân sự sẽ phát hiện, toàn bộ xã hội Nhật Bản đang tiếp nhận một xu thế về mặt tâm lý, tức là thoát khỏi sự trói buộc của Điều 9 Hiến pháp, sự thay đổi lặng lẽ hiện nay đang là một phần của xu thế này. Như vậy, xu thế này cũng sẽ có liên quan đến hòa bình và ổn định của Đông Bắc Á trong tương lai.

Đối với Mỹ, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, “phi nước đại” để tiến kịp vị thế siêu cường của Mỹ, đặc biệt kế hoạch đóng tàu đầy tham vọng của Hải quân Trung Quốc rất gây chú ý, sẽ cùng với Hải quân Mỹ tranh quyền kiểm soát Tây Thái Bình Dương trong tương lai, từ đó trở thành "mâu thuẫn chính" mà Mỹ phải đối mặt trong tương lai gần. Còn việc thế lực cánh hữu của Nhật Bản có ý đồ thoát khỏi sự trói buộc của Điều 9 Hiến pháp hòa bình chỉ là "mâu thuẫn thứ yếu".

Mỹ đẩy nhanh chuyển trọng tâm chiến lược tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong hình là máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ.
Mỹ đẩy nhanh chuyển trọng tâm chiến lược tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong hình là máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ.

Một nguồn tin từ Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản cho biết, trên thực tế, Mỹ hoàn toàn không lo ngại sự trỗi dậy của "chủ nghĩa quân phiệt" Nhật Bản sẽ đem lại mối đe dọa cho Mỹ. Nhật Bản tổng cộng có hơn 500 trạm biến thế chủ yếu và Mỹ hoàn toàn nắm chắc vai trò của mạng lưới điện này, cùng với tọa độ cụ thể của chúng.

Mỹ chỉ phát động tấn công thông thường đối với các trạm biến thế ở dải hẹp Osaka, Kyoto, Kobe, Tokyo thì có thể làm "trọng thương" công nghiệp khoa học kỹ thuật của Nhật Bản, thậm chí đưa Nhật Bản quay trở lại trước đây 100 năm. Vì vậy, Mỹ không cần răn đe hạt nhân, cũng không cần lo ngại Nhật Bản thách thức vị thế kiểm soát Tây Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ.

* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook
Đông Bình