Mỹ - Philippines tiến hành diễn tập “Balikatan” để ngăn chặn TQ

08/04/2013 14:19
Đông Bình
(GDVN) - Cuộc diễn tập Balikatan sẽ tăng cường về quy mô, là một phần trong chiến lược của Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương, gồm ngăn chặn Trung Quốc.
Ngày 5/4/2013, Mỹ-Philippines mở màn cuộc diễn tập quân sự liên hợp cỡ lớn thường niên Balikatan
Ngày 5/4/2013, Mỹ-Philippines mở màn cuộc diễn tập quân sự liên hợp cỡ lớn thường niên Balikatan

Tờ “China News” vừa có bài viết cho biết, ngày 5/4/2013, cuộc diễn tập quân sự thường lệ hàng năm “Balikatan” giữa Mỹ và Philippines đã mở màn tại doanh trại Aguinaldo, trụ sở của Lực lượng vũ trang Philippines tại Manila.

Tham gia lễ khai mạc phía Philippines có Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin, Bộ trưởng Ngoại giao Albert F. del Rosario, Tổng tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Emmanuel Bautista, phía Mỹ có phó tổng chỉ huy cuộc diễn tập Richard Simcock, Đại sứ Mỹ tại Philippines Harry Thomas.

Cuộc diễn tập Balikatan năm 2013 có quy mô tăng cường so với năm 2012, đồng thời sẽ có phái viên của các nước Australia, Brunei, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Liên tham gia thảo luận bàn tròn về an ninh trên biển.

Cuộc diễn tập được triển khai không chỉ ở vịnh Subic – căn cứ hải quân Mỹ cũ, mà còn chủ yếu tập trung ở khu vực miền bắc đảo Luzon, Philippines, trong đó có doanh trại O'Donnell, tỉnh Tarlac, căn cứ không quân miền trung đảo Luzon “hang quạ đen”.

Cùng với việc Mỹ thực hiện chuyển trọng tâm chiến lược sang hướng Đông, trong tương lai sẽ có nhiều cuộc diễn tập quân sự do Mỹ chủ đạo hơn được tiến hành ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các lực lượng quân sự của Mỹ cũng sẽ tới thăm liên tiếp và gia tăng triển khai ở khu vực này.

Quy mô diễn tập tiếp tục mở rộng

Cuộc diễn tập quân sự liên hợp “Balikatan” lần thứ 29 giữa Mỹ-Philippines được tổ chức tại các khu vực như vịnh Subic của Philippines từ ngày 5-17/4/2013, trong thời gian này có ít nhất 8.000 binh sĩ Philippines-Mỹ tham gia diễn tập, nhìn vào số quân tham gia, cuộc diễn tập lần này tăng quy mô so với năm 2012. Phía Mỹ cử 20 máy bay trong đó có 12 máy bay chiến đấu Hornet cùng với 1 tàu chiến tham gia diễn tập.

12 máy bay chiến đấu Hornet Mỹ sẽ tham gia diễn tập
12 máy bay chiến đấu Hornet Mỹ sẽ tham gia diễn tập

Tháng 3/2013, quân Mỹ đã lần lượt điều 6 tàu chiến tới Philippines. Ngày 2/4, tàu đổ bộ USS Tortuga, loại tàu chủ yếu sử dụng cho vận chuyển lực lượng tác chiến đổ bộ - thuộc Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đã đến Philippines.

Đến đây, tổng cộng 7 tàu chiến của quân Mỹ đã đến Philippines, trong đó có các loại tàu chiến như 2 tàu chỉ huy đổ bộ, tàu vận tải đổ bộ, tàu hộ vệ tên lửa.

Có chuyên gia cho rằng, cơ cấu tàu chiến Mỹ thăm Philippines cho thấy sự coi trọng của hai nước đối với tác chiến đổ bộ, có mục đích tiếp tục tăng cường năng lực tác chiến của binh sĩ trên lĩnh vực này.

Theo người phát ngôn Quân đội Philippines Burgos, trọng điểm của cuộc diễn tập năm nay là hỗ trợ cho hoạt động cứu trợ nhân đạo, cứu nạn.

Ngoài ra, lực lượng tham diễn sẽ còn tổ chức diễn tập các khoa mục như bắn đạn thật, sinh tồn dã ngoại. Quân đội Philippines hy vọng, thông qua các hoạt động này, nâng cao năng lực tổng hợp triển khai huấn luyện quân sự truyền thống và các chương trình quân sự dân dụng giữa họ với quân Mỹ.

Burgos cho biết, một điểm sáng lớn của cuộc diễn tập lần này là diễn tập mô phỏng bàn tròn, khi đó sẽ có phái viên của nước khác tham gia.

Trọng điểm của cuộc diễn tập vẫn là công tác cứu nạn, nhằm xác định thực hiện nhiệm vụ cứu nạn như thế nào ở vùng biển quốc tế giao thông đi lại nhộn nhịp. Burgos cho hay, mục tiêu cuối cùng của cuộc diễn tập là tiếp tục thúc đẩy và củng cố tình hữu nghị Philippines-Mỹ, bảo vệ an ninh và ổn định của khu vực này.

Diễn tập quân sự “Balikatan” là cuộc diễn tập quân sự liên hợp lớn thường lệ hàng năm giữa Philippines-Mỹ, hai nước lần đầu tiên tổ chức diễn tập quân sự “Balikatan” vào năm 1991, từng bị gián đoạn vào năm 1995, khôi phục lại vào năm 1999
Diễn tập quân sự “Balikatan” là cuộc diễn tập quân sự liên hợp lớn thường lệ hàng năm giữa Philippines-Mỹ, hai nước lần đầu tiên tổ chức diễn tập quân sự “Balikatan” vào năm 1991, từng bị gián đoạn vào năm 1995, khôi phục lại vào năm 1999

“Balikatan” là cuộc diễn tập quân sự liên hợp thông thường hàng năm giữa Philippines-Mỹ, được tổ chức bắt đầu từ năm 1991, nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước trên các phương diện như cứu trợ nhân đạo, chống cướp biển, chống buôn lậu và chống thiên tai.

“Balikatan 2012” từng lần đầu tiên mời quân đội các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia cử quan sát viên tham gia diễn tập cứu nạn mô phỏng ở Sở chỉ huy, đồng thời cuộc diễn tập này đã thu hút sự chú ý rất cao của các nước bởi vì khi đó giữa Philippines và Trung Quốc xảy ra đối đầu ở bãi cạn Scarborough.

Mỹ-Philippines tăng cường hợp tác an ninh

Ngày 2/4, tại Washington, Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Rosario đã gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, hai bên đồng ý tiếp tục tăng cường và đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, tiếp tục thực hiện các kế hoạch như tăng triển khai luân phiên của quân Mỹ ở Philippines và diễn tập song phương, nhằm giúp Philippines xây dựng khả năng phòng thủ, tăng cường theo dõi các vùng biển.

Tại cuộc gặp, ông John Kerry tiếp tục bày tỏ lấy làm tiếc về việc tàu quét mìn USS Guardian của quân Mỹ bị mắc cạn ở Công viên biển quốc gia, thuộc rạn san hô Tubbataha, Philippines, cam kết Mỹ sẽ hợp tác với Philippines, giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại đối với rạn san hô Tubbataha.

Ông Rosario cũng cho biết, không nên để sự cố này làm chậm hoặc gây thiệt hại cho các nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh giữa hai nước.

Mỹ-Philippines tăng cường quan hệ đồng minh
Mỹ-Philippines tăng cường quan hệ đồng minh

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, hai bên Philippines-Mỹ xác nhận, hiện nay, hòa bình và ổn định của khu vực Đông Á đang đứng trước thách thức, cùng nỗ lực tránh để xảy ra xung đột, căn cứ vào luật pháp quốc tế giải quyết những vấn đề có liên quan “phù hợp với lợi ích chung của hai nước”. Trong cuộc gặp, Ngoại trưởng hai nước còn bàn về vấn đề biển Đông.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tháng trước từng thăm Philippines và gặp gỡ các quan chức cấp cao nước này. Ông cho biết, cơ sở an ninh của Mỹ ở Philippines đã “ăn sâu bén rẽ”. Mỹ-Philippines “cùng gánh vác trách nhiệm toàn cầu và trách nhiệm khu vực quan trọng”.

Vòng đối thoại chiến lược song phương thứ ba giữa Mỹ-Philippines đã được tổ chức tại Manila vào tháng 12/2012, chủ trương hai nước tiến hành thảo luận và hợp tác trong các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu. Mỹ coi Philippines là đồng minh ngoài NATO chủ yếu, quan hệ an ninh hai nước mật thiết.

Mỹ tăng cường triển khai lực lượng quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương

Mỹ tuyên bố “dịch chuyển trọng tâm chiến lược sang hướng Đông”, dịch chuyển lực lượng quân sự sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành một mắt khâu quan trọng. Chỉ riêng Philippines, số lượng tàu chiến Mỹ cập cảng Philippines năm 2013 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2012.

Tàu khu trục USS Stockdale của Hải quân Mỹ
Tàu khu trục USS Stockdale của Hải quân Mỹ

Ngoài tàu quét mìn USS Guardian cập cảng tháng 1, tàu ngầm hạt nhân USS Cheyenne và tàu khu trục USS Stockdale của quân Mỹ đã lần lượt đến cảng Subic tiến hành thăm viếng vào tháng 2. Ngày 7/3, tàu chỉ huy đổ bộ USS Blue Ridge (LCC-19) của Hạm đội 7 Mỹ cũng đến cảng phía nam (South) của Manila tiến hành “cập bến thường lệ”.

Đồng thời, trong tháng 3, tàu tuần duyên đầu tiên USS Freedom của quân Mỹ cũng khởi hành đến Singapore, khởi đầu cho việc quân Mỹ triển khai tàu chiến kiểu mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện nay, dựa theo quan điểm của Lầu Năm Góc, đến năm 2020, Hải quân Mỹ có kế hoạch trang bị hơn 50 tàu tuần duyên và phần lớn số tàu này sẽ triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoài ra, quân Mỹ còn có kế hoạch triển khai 6 tàu sân bay và phần lớn tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu ngầm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, triển khai quân thường trú theo phương thức luân phiên tại các nước như Australia, Philippines.

Về tổng thể, đến năm 2020, Hải quân Mỹ sẽ chuyển 60% lực lượng quân sự tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ đó bố trí lực lượng quân sự ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương từ 5/5 hiện nay thành 6/4.

Tàu chỉ huy đổ bộ USS Blue Ridge (giữa) của Hải quân Mỹ
Tàu chỉ huy đổ bộ USS Blue Ridge (giữa) của Hải quân Mỹ

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra “dịch chuyển trọng tâm chiến lược sang hướng Đông”, nhưng trong tình hình kinh tế tổng thể của Mỹ liên tục ốm yếu, tiến hành điều chỉnh bố trí lực lượng quân sự ở nước ngoài đã trở thành sự lựa chọn tất yếu của Obama.

Theo phân tích, mục đích chiến lược của Mỹ là duy trì vị thế lãnh đạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhằm giúp họ tiếp tục thúc đẩy chiến lược “xưng bá” toàn cầu. Ngăn chặn xu thế trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc là một nhân tố thúc đẩy Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang hướng Đông. Mỹ triển khai lực lượng quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hàm ý xu hướng chống lại Trung Quốc.

Năm 2012, quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã bị tác động bởi sự kiện Scarborough. Một mặt Philippines muốn dựa vào Mỹ, tranh thủ quyền phát ngôn nhiều hơn; mặt khác, Mỹ vui lòng thực hiện và tận dụng cơ hội tiếp tục tiến hành triển khai lực lượng ở Đông Nam Á.

Bài báo cho rằng, nhìn vào địa-chiến lược, biển Đông là “yết hầu” (cổ họng) kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, chỗ đứng của Mỹ vẫn là tư tưởng “tổng bằng không” trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, họ hấn mạnh có “quyền tự do đi lại không thể tước bỏ” ở biển Đông,  và sẽ tiếp tục can dự vào các vấn đề ở khu vực.

Để thực hiện chủ trương của mình, Mỹ không chỉ điều tàu tuần duyên đến Singapore, mà còn tích cực tiến hành diễn tập quân sự ở vùng biển này, đồng thời tìm kiếm nhiều “điểm tựa” hỗ trợ nhiều hơn cho chiến lược của họ ở xung quanh biển Đông, thể hiện rõ trong việc Mỹ ký kết “Thỏa thuận lực lượng thăm viếng” với Philippines trước đây.

Mỹ đẩy mạnh "quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương"
Mỹ đẩy mạnh "quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương"
Đông Bình