Mỹ: An toàn hạt nhân Trung Quốc xếp sau Nhật Bản

28/02/2014 10:53
Việt Dũng
(GDVN) - Bị tổ chức của Mỹ đánh giá thấp an toàn hạt nhân, các chuyên gia Trung Quốc không bằng lòng và quay sang chỉ trích Nhật Bản.
Sự cố hạt nhân Fukushima Nhật Bản (ảnh nguồn báo Phương Đông, TQ)
Sự cố hạt nhân Fukushima Nhật Bản (ảnh nguồn báo Phương Đông, TQ)

Ngày 25 tháng 2, Hệp hội kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị Trung Quốc (CACDA) tổ chức hội thảo vấn đề an toàn hạt nhân ở Bắc Kinh.

Phó chủ tịch thường trực Rosen Brahm và phó chủ tịch Stout Rander của Tổ chức Sáng kiến chống lại đe dọa hạt nhân (NTI) Mỹ giới thiệu báo cáo "chỉ số an toàn nguyên liệu hạt nhân" mới nhất và tiến hành thảo luận với học giả Trung Quốc về các vấn đề như làm thế nào để tăng cường an toàn nguyên liệu hạt nhân, tấn công buôn lậu nguyên liệu hạt nhân.

Căn cứ vào báo cáo do tổ chức này công bố ngày 8 tháng 1 năm 2014, chỉ tiêu đánh giá chỉ số an toàn nguyên liệu hạt nhân bao gồm số lượng và nơi cất giữ nguyên liệu hạt nhân, các biện pháp quản lý, kiểm soát an toàn của một nước, phù hợp với mức độ tiêu chuẩn quốc tế, cam kết trong nước và khả năng xử lý, môi trường rủi ro.

Trong 25 quốc gia sở hữu nguyên liệu hạt nhân cấp vũ khí, những nước đứng đầu (an toàn nhất về nguyên liệu hạt nhân) là: Australia, Canada, Thụy Sĩ, Đức. Mỹ xếp thứ 11, Nhật Bản đứng thứ 13, Nga đứng thứ 18.

Trung Quốc đứng thứ 20, tăng thêm một bậc so với năm 2012. Những nước đếm ngược từ thứ nhất đến thứ năm lần lượt là: CHDCND Triều Tiên, Iran, Ấn Độ, Pakistan và Israel.

Nhìn vào phân tích của báo cáo, Trung Quốc lần đầu tiên tiến hành quyên góp cho Quỹ an toàn hạt nhân của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, vì vậy đã nâng điểm về việc phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cho nên xếp hạng tăng lên.

Báo cáo đề cập đến yếu tố rủi ro của Trung Quốc ở chỗ: Tổng số lượng nguyên liệu hạt nhân tương đối lớn, địa điểm phân bố tương đối phân tán, các biện pháp đề phòng mối đe dọa không đủ và nhiều tham nhũng, đặc biệt là Trung Quốc giống như Ấn Độ, "cơ cấu quản lý không đáp ứng yêu cầu quan trọng của an toàn nguyên liệu hạt nhân", cho nên xếp hạng vẫn rất thấp.

Mô hình đầu đạn hạt nhân (trắng) và bom hạt nhân hàng không (xanh) Trung Quốc
Mô hình đầu đạn hạt nhân (trắng) và bom hạt nhân hàng không (xanh) Trung Quốc

Các chuyên gia đến từ Hiệp hội hòa bình và giải trừ quân bị nhân dân Trung Quốc, Viện chiến lược quốc tế Trung Quốc, Trung tâm thông tin khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc, Hiệp hội Liên hợp quốc Trung Quốc, Trung tâm công nghệ bảo đảm an ninh quốc gia cũng đã tham dự hội nghị.

Chuyên gia Trung Quốc đã khẳng định vai trò tích cực của báo cáo này đối với thúc đẩy an ninh hạt nhân toàn cầu. Nhưng, có rất nhiều chuyên gia cho rằng, tuy Trung Quốc được nâng điểm, nhưng vẫn bày tỏ thất vọng về xếp hạng của Trung Quốc, đồng thời cho rằng chỉ tiêu căn cứ xếp hạng hoàn toàn không toàn diện, trong đó phương pháp phân loại và nghiên cứu cũng không hợp lý lắm, nhất là đánh giá đối với cơ cấu quản lý của Trung Quốc, có thể tồn tại màu sắc chính trị nhất định.

Chẳng hạn, khi xem xét vấn đề phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, tuyên bố và cam kết chính sách của một nước đối với cộng đồng quốc tế hoàn toàn không được đưa vào, điểm này thực ra rất quan trọng đối với an toàn nguyên liệu hạt nhân.

Ngoài ra, một chuyên gia của Hiệp hội Liên hợp quốc Trung Quốc cho rằng, căn cứ vào nội dung báo cáo, quy tắc quản lý như “thông tin nguyên liệu hạt nhân quân dụng không minh bạch” đã làm giảm vị trí xếp hạng của Trung Quốc, nhưng trên thực tế, (Trung Quốc) giữ bí mật cao về nguyên liệu hạt nhân có thể ngăn chặn hiệu quả các phần tử khủng bố ăn cắp, sẽ nâng cao an toàn nguyên liệu hạt nhân.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-31A, Lượng lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-31A, Lượng lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc

Bài báo biện hộ cho Trung Quốc như vậy, rồi lại chuyển sang "chỉ trỏ" vào "anh bạn hàng xóm" Nhật Bản cho rằng, Nhật Bản dự trữ rất nhiều nguyên liệu hạt nhân plutonium cấp vũ khí, hơn nữa từng nhiều lần từ chối yêu cầu trả lại của Mỹ.

Gần đây, xu hướng hữu khuynh của chính trường Nhật Bản tiếp tục gia tăng, Chính phủ Nhật Bản nới lỏng hạn chế xuất khẩu vũ khí, ý đồ và ảnh hưởng của họ gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế.

Trên thực tế, Trung Quốc thường xuyên để cho truyền thông tuyên truyền nhấn mạnh khả năng đe dọa hạt nhân của họ, đồng thời Trung Quốc cũng đã, đang và sẽ ra sức thúc đẩy bán vũ khí để kiếm tiền. Khi họ làm như vậy thì sao có thể đòi Nhật Bản làm ngược lại!?

Theo bài báo, trong khi đó, sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima, người dân Nhật Bản rất không an tâm với nguyên liệu hạt nhân trong nước. Trong những bối cảnh này, an toàn nguyên liệu hạt nhân của Nhật Bản vẫn xếp vị trí tương đối cao là điều khó lý giải.

Đối với vấn đề này, người phụ trách Tổ chức sáng kiến chống lại đe dọa hạt nhân Stout Rander cho biết, phương pháp đánh giá và kết quả xếp hạng của báo cáo đương nhiên tồn tại điểm không hoàn thiện, kiến nghị của các chuyên gia đã đem lại một số quan điểm cải tiến.

Nhưng phương pháp nghiên cứu khoa học yêu cầu đo lường thống nhất và chuẩn hóa, tình hình ngoại lệ của mỗi quốc gia cũng rất khó được xem xét đặc biệt.

Hình ảnh này được cho là tên lửa đạn đạo Cự Lang-2 trang bị cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc
Hình ảnh này được cho là tên lửa đạn đạo Cự Lang-2 trang bị cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc

Ngoài ra, Stout Rander cũng nhấn mạnh, các học giả tương đối quan tâm đến xếp hạng của quốc gia mình, nhưng trên thực tế ai cao ai thấp hoàn toàn không phải là quan trọng nhất.

Mục đích công bố chỉ số này là nhắc nhở các nước sớm quan tâm đến nguy cơ an toàn nguyên liệu hạt nhân, để cộng đồng quốc tế đều nhận thức được bảo vệ an toàn hạt nhân là trách nhiệm chung của toàn thế giới.

Việt Dũng