Mỹ: Guam sẽ là trung tâm tác chiến khi có xung đột biển Đông

29/10/2011 15:59
Đông Bình (Theo Mil)
(GDVN) - Nếu Trung-Mỹ đoán nhầm các vấn đề Đài Loan, Triều Tiên hoặc biển Đông, từ đó gây ra chiến tranh, thì Guam sẽ trở thành trung tâm tác chiến của Mỹ.
Ngày 21/10, mạng Guampdn.com của Mỹ đưa tin, đầu tháng này, báo chí Trung Quốc đã bàn về việc Mỹ tăng cường xây dựng hệ thống phòng thủ và căn cứ không quân Anderson ở Guam, cho rằng hành động của Mỹ là để phòng thủ sự tấn công của Trung Quốc.

Trong đó, Mỹ đang tăng cường hạ tầng bảo vệ cho máy bay, nhiên liệu và thiết bị quan trọng, giúp nó có thể vượt qua mối đe dọa bom. Hình ảnh máy bay ném bom B-52 trên đường băng cũng xuất hiện trên báo chí Trung Quốc.
Máy bay ném bom chiến lược của quân đội Mỹ đóng ở căn cứ không quân Anderson-Guam
Máy bay ném bom chiến lược của quân đội Mỹ đóng ở căn cứ không quân Anderson-Guam

Rất nhiều chuyên gia quốc phòng và ngoại giao cho rằng, nếu Trung-Mỹ phán đoán nhầm trong vấn đề Đài Loan, phát triển tình hình bán đảo Triều Tiên hoặc vấn đề can dự biển Đông, từ đó gây ra chiến tranh, thì Guam sẽ trở thành trung tâm tác chiến của Mỹ.

Một bản báo cáo năm 2009 của Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng, “nếu hai nước xảy ra xung đột, Mỹ sẽ trông cậy rất nhiều vào lực lượng quân sự đóng ở Guam”.

Chuyên gia quốc phòng John Parker của mạng “An ninh Toàn cầu” cho rằng, vấn đề biển Đông là tiêu điểm mới xuất hiện trong quan hệ Trung-Mỹ, nếu không ứng phó thận trọng, có thể gây ra chiến tranh. Đối với hai nền kinh tế lớn nhất và đối tác thương mại quan trọng này của thế giới, các yếu tố có thể tránh được chiến tranh vẫn rất nhiều.

Nhưng, chắc chắn rằng, Trung Quốc đang thể hiện thái độ "tự tin" mới.

Máy bay ném bom chiến lược B-52H hiện nay của quân đội Mỹ
Máy bay ném bom chiến lược B-52H hiện nay của quân đội Mỹ

Joshua Kurlantzick, nhà nghiên cứu Đông Nam Á của Hiệp hội Quan hệ Ngoại giao Mỹ (CFR) cho biết, nếu các công ty Mỹ tuyên bố phát hiện tài nguyên dầu mỏ mới ở khu vực này, Trung Quốc sẽ cảm thấy không vui. Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” nói rằng, chiến tranh sẽ biến những mỏ dầu đang khai thác trở thành một “biển lửa”, và “các công ty dầu mỏ phương Tây cũng vội vàng tháo chạy khỏi khu vực này”.

Ted Carpenters, chuyên gia quốc phòng của Viện nghiên cứu Cato cho biết: “Trung Quốc luôn tự cho mình tài giỏi, luôn gây ra sự cố”. Chủ trương lãnh thổ của họ ở biển Đông rất không hợp lý, Trung Quốc đã ngắm đúng vào tài nguyên ở biển Đông; ngoài ra, biển Đông còn được gọi là đường cao tốc của thế giới, bởi vì rất nhiều tàu thuyền của các nước phải đi qua đây.

Hạm đội Hải quân Trung Quốc tập trận trên biển
Hạm đội Hải quân Trung Quốc tập trận trên biển

Parker nói, chủ trương của Trung Quốc là “hoang đường”; điều này chẳng khác nào tuyên bố họ sử dụng một bộ quy tắc khác với quy tắc quốc tế để xử lý vấn đề. Mỹ cho rằng, tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế là quyền lợi không thể cướp đoạt, còn Trung Quốc thì cho rằng chủ trương này sẽ gây ảnh hưởng bất lợi cho họ.

Parker cho biết: “Nếu chúng ta làm như vậy, chúng ta có thể bị phong tỏa trong vịnh Mexico”. Theo Parker, nếu Mỹ đứng trước tình hình này, Guam sẽ trở thành tiền duyên, rất then chốt.

Tương tự, học giả Thomas Menken của Học viện Chiến tranh Hải quân cho rằng: “Đối với Mỹ, Guam đang đóng vai trò ngày càng quan trọng”. Carpenters thì coi Guam là “pháo đài” của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Tên lửa chiến lược xuyên lục địa DF-31 A của quân đội Trung Quốc
Tên lửa chiến lược xuyên lục địa DF-31 A của quân đội Trung Quốc

Phần lớn các nhà nghiên cứu và bài viết cho rằng, những năm gần đây dư luận quan tâm đến Guam là do Mỹ sẽ chuyển 8.000 quân đang đóng ở Okinawa đến Guam vào năm 2014. Lầu Năm Góc cho rằng, Mỹ cần ứng phó với mối đe dọa của TQ đối với bá quyền của Mỹ, trong khi đó lực lượng quân sự của Guam sẽ đóng vai trò quan trọng trên phương diện này.

Trong một tuyên bố, đại diện của Guam cho biết: “Guam đóng vai trò quan trọng trên phương diện bảo vệ sự ổn định của châu Á-Thái Bình Dương, tất cả đầu tư xây dựng quân sự sẽ giúp bảo đảm cho lực lượng không quân của chúng ta có thể đáp ứng phù hợp với rất nhiều đòi hỏi lợi ích của chúng ta ở khu vực này”.

Tháng 6/2011, chính phủ Mỹ cho hay, công việc xây dựng quân sự ở Guam đến năm 2016 cần đầu tư vào 7,5 tỷ USD. Là một phần của Thỏa thuận với Nhật Bản về việc di chuyển quân Mỹ đóng ở Okinawa, Nhật Bản sẽ còn cung cấp các khoản vay 6 tỷ USD và 3,2 tỷ USD.

Ngoài việc tăng cường phòng thủ cho căn cứ không quân Anderson, Mỹ cũng đã triển khai máy bay ném bom tàng bình B-2 và máy bay không người lái ở Guam, ngoài ra cũng đã neo đậu tàu ngầm động cơ hạt nhân và tàu sân bay.

Máy bay ném bom B2 của quân đội Mỹ
Máy bay ném bom B2 của quân đội Mỹ

Bộ Quốc phòng Mỹ hy vọng, đến sau năm 2020 triển khai máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới có thể xuyên thủng không phận Trung Quốc; đồng thời họ còn có thể sử dụng máy bay không người lái.

Đầu năm 2011, tạp chí “Lực lượng Không quân” Italia cho biết, ý đồ xây dựng quân sự Guam là triển khai quân đội đe dọa tuyến đường hàng hải của Trung Quốc ở biển Đông. Dầu mỏ và nguyên vật liệu được vận chuyển qua tuyến đường này có vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, trong khi đó kinh tế phát triển sẽ quay trở lại thúc đẩy sự phát triển sức mạnh quân sự.

Tạp chí này còn viết: “Điểm tựa của chiến lược mới này là Guam, xuất phát từ đây có thể tiến hành tấn công các mục tiêu ở biển Đông. Đảo này cách duyên hải Trung Quốc 1.800 dặm Anh, có thể chịu được sự tấn công của tên lửa đạn đạo tầm trung. Một quan chức cấp cao của quân đội Mỹ trả lời rằng, chúng ta truyền đi tín hiệu cho Trung Quốc là chúng ta sẽ tăng cường lực lượng ở Guam”.

Một bản báo cáo được Quốc hội Mỹ công bố vào tháng 9/2011 cho biết, các nhà bình luận quân sự của Trung Quốc thường nghi ngờ về việc Mỹ xây dựng quân sự ở Guam chủ yếu là nhằm vào Trung Quốc. Rất nhiều nghiên cứu ngoại giao và quốc phòng Mỹ cho rằng, những năm gần đây, Trung Quốc thường điều tàu ngầm tiến sát Guam, cảnh cáo Mỹ rằng Guam sẽ không phải là nới lánh nạn của quân Mỹ.

Tàu ngầm hạt nhân San Francisco ở cảng Apula-Guam
Tàu ngầm hạt nhân San Francisco ở cảng Apula-Guam

Một bản báo cáo của Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ công bố năm 2009 đã bàn về tính mỏng manh của Guam, cho rằng nếu hai nước Trung-Mỹ xảy ra xung đột, cảng Apra của căn cứ hải quân Mỹ sẽ rất quan trọng đối với tàu chiến Mỹ.

Cảng này đã cung cấp cơ hội cho tàu ngầm đối phương lợi dụng tính mỏng manh của đảo này, áp dụng chiến thuật phi thông thường để gián tiếp tấn công quân đội Mỹ. Báo cáo này còn nhắc đến, các cuộc chiến tranh trong lịch sử cho thấy, tàu ngầm thường có thể phong tỏa bất ngờ căn cứ Guam.

Một bản báo cáo do Bộ Quốc phòng công bố tháng 8/2011 cho biết, Guam rất yếu ớt khi đối mặt với mối đe dọa của tên lửa Trung Quốc. Trang 31 của bản báo cáo này là một bản đồ vẽ màu, đã thể hiện phạm vi có thể tấn công của các loại vũ khí Trung Quốc. Trong bản đồ này, Guam nằm trong phạm vi tấn công của tên lửa đạn đạo CSS-2 và máy bay ném bom H-6 (mang theo tên lửa hành trình đối đất) của Trung Quốc.

Máy bay ném bom H-6 của không quân Trung Quốc có thể tấn công Guam
Máy bay ném bom H-6 của không quân Trung Quốc có thể tấn công Guam

Rất nhiều báo cáo nghiên cứu chính sách quốc phòng và ngoại giao cho rằng, mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là có thể can dự sức mạnh ở chuối đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai, đồng thời có khả năng ngăn chặn quân đội Mỹ can dự khi cần thiết.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 mới xuất hiện được coi là một phần quan trọng của chiến lược này. Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ dự đoán máy bay chiến đấu này mãi đến năm 2018 mới có thể được triển khai. Menken cho rằng: “Tốc độ hướng ra ngoài của quân đội Trung Quốc nhanh hơn so với dự kiến của chúng ta”.

Đông Bình (Theo Mil)