Mỹ: Hàng ngàn vũ khí lắp phải chip giả từ Trung Quốc

09/11/2011 07:23
Nguyễn Hường (Theo Telegraph)
(GDVN) - Hàng ngàn chiến đấu cơ, tàu chiến và tên lửa của Mỹ đã bị lắp ghép nhiều chi tiết giả xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo điều tra của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, có tới 1.800 trường hợp đã bị phát hiện mang tổng cộng hơn 1 triệu thiết bị điện tử quân sự giả được sản xuất ở Trung Quốc.

Thậm chí cả máy bay phản lực vận tải Boeing C-17, chiến đấu cơ Lockheed Martin C-130J Super Hercules, máy bay trực thăng Boeing's CH-46 Sea Knight và cả hệ thống phòng thủ tên lửa Theatre High-Altitude Area Defence (THAAD) cũng đã được tìm thấy có các bộ phận bị làm giả.

Trong đó, 7/10 trường hợp các bộ phận bị làm giả được phát hiện có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, 20% có nguồn gốc ở Anh và Canada nhưng lại được mua bán ở Trung Quốc.
Vận tải cơ C-130J Super Hercules của Lockheed Martin (minh hoạ)
Vận tải cơ C-130J Super Hercules của Lockheed Martin (minh hoạ)
Bản báo cáo của của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cũng đã chỉ ra rằng, các chip điện tử quân sự bị làm giả là các chip thương mại được trưng thu từ những bãi rác điện tử ở miền nam Trung Quốc rồi được đánh bóng và sơn lại y như mới.

Thậm chí, tại Trung Quốc còn có chợ hàng "quân sự cấp cao" công khai quảng cáo bán các vi mạch quân sự mặc dù thực tế chúng chỉ là những con chip thương mại bình thường đã được sửa đổi.

Trong khi đó, các con chip quân sự được thiết kế có khả năng chịu được nhiệt độ và độ ẩm lớn hơn nhiều và các nhà chức trách Mỹ lo ngại rằng chip giả có xuất xứ Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới hoạt động của các thiết bị quân sự.

Theo các chuyên gia, hiện tượng này xuất phát từ thực tế có liên quan tới một quyết định cắt giảm ngân sách quốc phòng trong những năm 1990 của chính quyền Clinton, mà theo đó, Lầu Năm Góc sẽ đi mua các thiết bị điện tử quân sự để lắp ráp thay vì tự sản xuất ra chúng.

Một số nhà sản xuất thiết bị quốc phòng Mỹ đã xây dựng nhà máy tại Trung Quốc và không thể kiểm soát được chất lượng của chúng. Và Lầu Năm Góc đã mua phải chip giả để thay thế cho những thiết bị cũ, lạc hậu.

Trong năm 2008, kết quả một cuộc điều tra của Sở Thương mại Mỹ cũng cho thấy gần 7.400 sự cố quân sự xảy ra là do các thiết bị điện tử giả. Trong năm 2005, một tài liệu lưu hành nội bộ của Lầu Năm Góc cũng đã nhắc tới các trục trặc do các bộ phận bị làm giả.

Song song với việc công bố bản cáo trên hôm 7/11, Thượng viện Mỹ đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc cần có "hành động kịp thời và kiểm soát thị trường chợ đen thiết bị quân sự điện tử của mình".

Đáp lại, Song Xiaojun - một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc hiện đang làm một bình luận viên của phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết, chính nước Mỹ đã đặt mình vào tình thế này bằng chính sách tháo dỡ các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử quân sự từ những năm 1960 và lơi là trong công tác quản lý.

Ông Song cho rằng, nước Mỹ không nên đổ lỗi cho Trung Quốc vì Mỹ liên tục cắt giảm ngân sách mua sắm vũ khí nên đã tạo ra một cuộc cạnh tranh giữa các nhà sản xuất để cho ra đời sản phẩm giá rẻ hơn.

Giải pháp duy nhất cho Mỹ hiện tại là nên mua các thiết bị điện tử quân sự của Hàn Quốc hoặc Nhật Bản với giá cao hơn gấp nhiều lần.
Nguyễn Hường (Theo Telegraph)