Mỹ cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ tránh xa tên lửa HQ-9 Trung Quốc

25/06/2013 16:00
Việt Dũng
(GDVN) - Nguyên nhân là Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ hài lòng với đề nghị chia sẻ công nghệ của TQ, còn Mỹ phản đối với lý do không thể tích hợp với hệ thống của NATO.
Tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 do Trung Quốc chế tạo.
Tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 do Trung Quốc chế tạo.

Ngày 23 tháng 6, trang mạng "Tin tức Quốc phòng" Mỹ có bài viết dẫn lời quan chức cấp cao của cơ quan mua sắm Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ, về mặt công nghệ, Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy "hài lòng" với đề nghị sẵn sàng chia sẻ công nghệ của Trung Quốc, đồng thời giá cả của Trung Quốc rẻ hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Được biết, quyết định lựa chọn nhà thầu còn đợi sự phê chuẩn cuối cùng của Bộ trưởng Quốc phòng Ismet Yilmaz và Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại hội nghị của Ủy ban điều hành công nghiệp quốc phòng khóa tới do Thủ tướng Erdogan chủ trì, Thổ Nhĩ kỳ sẽ xác định người trúng thầu cuối cùng và sẽ công bố thông tin cho người dân.

Hội nghị này chủ yếu đánh giá các chương trình mua sắm quan trọng, nhưng thời gian triệu tập hội nghị lần sau vẫn chưa xác định.

Theo bài báo, hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ tạm thời không có hệ thống phòng không tầm xa. Chương trình "T-Loramids" gồm có nội dung trên 3 phương diện là mua radar, máy phóng và tên lửa đánh chặn, thiết kế hệ thống này dùng để phòng thủ các cuộc tấn công bằng máy bay chiến đấu và tên lửa của kẻ thù.

Trung Quốc đã đưa tên lửa HQ-9 tới tranh thầu. Đồng thời, các nhân sĩ ngoại giao và chuyên gia của phương Tây cũng đưa ra lời cảnh báo cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể "sẽ không được phép" tích hợp hệ thống phòng không Trung Quốc-Thổ Nhĩ Kỳ với hệ thống phòng không của NATO trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc

Một nhân sĩ ngoại giao Mỹ cho rằng: "Đối với việc Chính phủ Mỹ có phản ứng thế nào về vấn đề này, tôi không thể đưa ra bình luận. Nhưng, tôi có thể nói với các anh rằng, tích hợp hệ thống phòng không Trung Quốc-Thổ Nhĩ Kỳ với trang bị của NATO thành một chỉnh thể có thể hoàn toàn không phải là chủ ý hay".

Cũng có nguồn tin từ công nghiệp quốc phòng phương Tây tiết lộ, quan chức Mỹ đã nhiều lần cảnh cáo quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết nếu như Thổ Nhĩ Kỳ quyết định chọn dùng trang bị phòng không của Trung Quốc hoặc Nga, thì những trang bị này có thể tồn tại vấn đề về mặt tích hợp với hệ thống của NATO.

Một chuyên gia vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ ở London nói: "Tôi cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ khư khư cố chấp. Nhưng tôi tin rằng tích hợp phòng không Trung Quốc-Thổ Nhĩ Kỳ hoặc bộ kiện hệ thống phòng thủ tên lửa với radar của NATO không khả thi lắm".

"Nếu Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn hệ thống phòng không của Nga, cũng sẽ đối mặt với vấn đề tương tự. Nhưng, tôi cho rằng, đối với người Mỹ, Trung Quốc đại diện cho mối đe dọa trực tiếp hơn".

Một quan chức Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rõ chương trình hệ thống phòng không NATO cho biết, gần một nửa radar phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ đều do NATO "chi trả". Nhưng, ông hoàn toàn không tiến hành bình luận về công việc tích hợp nói trên.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của NATO
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của NATO
Việt Dũng