Mỹ có thể phân tán lực lượng ở Nhật Bản để tránh bị “diệt sạch”

11/04/2013 15:42
Đông Bình
(GDVN) - Mỹ di dời một phần lính thủy đánh bộ ở Okinawa vừa nhằm trấn an người dân và chính quyền Okinawa, vừa tránh bị tấn công mang tính báo thù.
Máy bay vận tải Osprey quân Mỹ ở Okinawa bay huấn luyện
Máy bay vận tải Osprey quân Mỹ ở Okinawa bay huấn luyện

Tờ “Giải phóng quân” Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, hiện nay, hai nước Mỹ-Nhật tuyên bố, một phần lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đồn trú ở Okinawa sẽ chuyển đến các khu vực như Guam và Hawaii, khi đó một số công trình và khu vực của quân Mỹ ở Okinawa cũng sẽ trả lại cho “nhân dân Okinawa và Nhật Bản”. Trong đó gồm có trạm hậu cần/khu dịch vụ Makiminato, quân cảng Naha, một kho dầu và 2 doanh trại.

Đối với hành động này, rất nhiều người nhất thời không rõ trong “hồ lô” của Mỹ rốt cuộc là có “thuốc” gì. Thực ra, phân tích những thông tin có nguồn gốc từ các quan chức cấp cao và truyền thông của hai nước Mỹ, Nhật sẽ không khó để nhận ra, hành động này của Mỹ có thể nói là “một mũi tên trúng hai đích”.

Một là trấn an người dân và chính quyền Okinawa, làm giảm sức ép đóng quân. Quân Mỹ đóng tại Nhật Bản gần 50.000 quân, trong đó khoảng một nửa đóng ở đảo Okinawa, tạo ra gánh nặng rất lớn cho tỉnh Okinawa. Người dân xung quanh căn cứ quân Mỹ càng không hài lòng với các vấn đề như tiếng ồn của căn cứ, các sự cố và binh sĩ Mỹ phạm tội, nhiều lần đã tiến hành phản đối.

Do sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền và người dân Okinawa, ngay từ năm 2006 hai nước Mỹ-Nhật đã quyết định di dời căn cứ Futenma quân Mỹ ở thành phố Ginowan, tỉnh Okinawa tới khu Henoko, thành phố Nago, tỉnh Okinawa. Nhưng do phía Okinawa kiên trì chuyển căn cứ ra khỏi tỉnh Okinawa, công trình san lấp mặt bằng của khu Henoko đến nay vẫn chưa được phê chuẩn.

Căn cứ quân Mỹ ở Okinawa
Căn cứ quân Mỹ ở Okinawa

Lần này, Mỹ-Nhật mạnh mẽ tuyên bố một bộ phận lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ rời khỏi Okinawa, đồng thời trao trả một phần công trình và khu vực của quân Mỹ trong 10 năm tới, ở mức độ rất lớn là để làm giảm sức ép yêu cầu quân Mỹ di dời căn cứ của người dân Nhật Bản, đồng thời giành thời gian cho việc di dời căn cứ Futenma của quân Mỹ ở trong tỉnh Okinawa.

Hai là triển khai phân tán binh lực quân Mỹ, tránh bị tấn công mang tính báo thù khi quân Mỹ tiến hành can thiệp quân sự và tấn công nước khác. Lực lượng Mỹ đóng ở Okinawa là lực lượng chủ yếu của quân Mỹ tiến hành hiện diện tuyến đầu ở khu vực Tây Thái Bình Dương trong mấy chục năm qua, nhiệm vụ chính của lực lượng này là theo dõi các nước Đông Á như CHDCND Triều Tiên, tiến hành răn đe chiến lược, khi cần thiết tiến hành tấn công quân sự đối với những nước Đông Á này.

Nhưng, cùng với sức mạnh quân sự phát triển mạnh mẽ và năng lực tấn công tầm xa được tăng cường của các nước Đông Á, Okinawa đã nằm trong phạm vi tấn công của quân đội một số nước Đông Á, quân Mỹ đóng ở Okinawa rất dễ bị tấn công quân sự mang tính báo thù khi chiến tranh xảy ra. “Hoàn cảnh khó khăn” này buộc quân Mỹ xem xét giảm binh lực hiện diện ở tuyến đầu, tiến hành triển khai phân tán ở chuỗi đảo thứ hai và thứ ba gồm Guam, Hawaii, Australia.

Truyền thông Mỹ, Nhật phân tích cho rằng, điều chỉnh lực lượng lính thủy đánh bộ đóng ở Okinawa là một phần của chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Do trang bị vận chuyển chiến lược tầm xa trên biển, trên không của quân Mỹ đầy đủ, năng lực cơ động biển xa mạnh, Okinawa vẫn đang đóng liên đội không quân át chủ bài, lực lượng trinh sát và hơn 10.000 binh sĩ lính thủy đánh bộ quân Mỹ, vì vậy, điều chỉnh quân đồn trú Mỹ hoàn toàn không ảnh hưởng tới khả năng tác chiến của quân Mỹ ở khu vực Đông Á.

Máy bay chiến đấu quân Mỹ cất cánh ở một căn cứ tại Okinawa, Nhật Bản.
Máy bay chiến đấu quân Mỹ cất cánh ở một căn cứ tại Okinawa, Nhật Bản.

Thực ra, tháng 2/2012, chính phủ hai nước Mỹ-Nhật từng tuyên bố thỏa thuận tương tự về việc lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ rút khỏi Okinawa và bàn giao một phần cơ sở hạ tầng cho Nhật Bản, nhưng đến nay vẫn chưa thay đổi lập trường người dân và chính quyền Okinawa phản đối các sân bay như Futenma giữ lại ở Okinawa.

Lần này, Mỹ tiếp tục mạnh mẽ tuyên bố hành động tương tự, có lẽ vẫn rất khó thuyết phục chính quyền và người dân Okinawa thay đổi chủ ý. Đây là do kế hoạch rút quân và trao trả của Mỹ cần tới vài năm, thậm chí mười mấy năm mới có thể thực hiện, cam kết kiểu “đói ăn bánh vẽ” này tồn tại rất nhiều biến số, rất khó làm cho người dân Okinawa uống được “thuốc an thần” (được an ủi).

Căn cứ vào nội dung thỏa thuận mới do Nhật Bản công bố, khu đất khoảng 1.000 ha ở phía nam căn cứ Kadena của quân Mỹ ở Okinawa, gồm cảng Naha, có thể đến năm tài khóa 2028 mới trả lại cho Nhật Bản, nhưng điều kiện là Mỹ cung cấp cơ sở hạ tầng cho căn cứ quân Mỹ đóng ở Okinawa hoặc lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đóng ở Okinawa tái triển khai ở khu vực ngoài Nhật Bản.

Điều kiện tiền đề như vậy thực ra ẩn chứa rất nhiều nhân tố không xác định. Sự lo ngại này hoàn toàn không phải là bịa ra. Căn cứ vào thỏa thuận năm 2006 giữa Nhật-Mỹ, khoảng 8.000 binh sĩ lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ cần chuyển tới đóng ở Guam trước năm 2014, nhưng do kinh tế Mỹ suy thoái, tài chính căng thẳng, kinh phí quân sự dùng để cải tạo các công trình hạ tầng ở Guam không thể được cấp theo định mức ban đầu, kế hoạch chuyển sang đóng ở Guam sẽ lùi lại đến năm 2020.

Máy bay chiến đấu quân Mỹ ở Okinawa
Máy bay chiến đấu quân Mỹ ở Okinawa

Trên thực tế, trong vấn đề sân bay quân Mỹ rút khỏi Okinawa được người dân nơi đây quan tâm nhất, chính phủ hai nước Mỹ-Nhật không đưa ra bất cứ câu trả lời nào rõ ràng và thuyết phục. Căn cứ Kadena và căn cứ Futenma là hai sân bay lớn của quân Mỹ trên đảo Okinawa.

Do máy bay quân sự Mỹ bay huấn luyện gây ra nhiều vấn đề như tiếng ồn, ô nhiễm không khí và đe dọa an toàn công cộng cho khu vực dân cư, những lời kêu gọi yêu cầu Mỹ trả lại căn cứ ở Nhật Bản nhất là người dân Okinawa luôn rất cao. Thỏa thuận lần này của Mỹ-Nhật tuy viết rõ “có khả năng trả lại vào năm 2022 hoặc sau đó” sân bay Futenma, nhưng đồng thời lại chỉ ra đây hoàn toàn không phải là “thời hạn xác định cuối cùng”.

Còn vấn đề trao trả căn cứ Kadena, thỏa thuận cơ bản không nhắc tới. Trong ngày công bố thỏa thuận mới, tỉnh trưởng tỉnh Okinawa là ông Hirokazu Nakaima tiếp tục kêu gọi, chính phủ hai nước Nhật, Mỹ cần xem xét lời kêu gọi của người dân địa phương.

Căn cứ Futenma quân Mỹ tại Nhật Bản.
Căn cứ Futenma quân Mỹ tại Nhật Bản.
Đông Bình