Mỹ đang mất dần ưu thế về công nghệ máy bay tàng hình?

28/05/2011 23:44
(GDVN) – Mỹ đang mất dần ưu thế công nghệ tàng hình trước các đối thủ giàu tiềm năng như Nga, Trung Quốc?

(GDVN) – Mỹ đang mất dần ưu thế công nghệ tàng hình trước các đối thủ giàu tiềm năng  như Nga, Trung Quốc, quá trình này diễn ra nhanh hơn những gì họ tiên đoán trước đó.

Đây là tuyên bố của Phó Tham mưu trưởng Không quân Mỹ phụ trách công tác kế hoạch và các chiến dịch quân sự, trung tướng Herbert Carlisle phát biểu tại Ủy ban các vấn đề vũ trang Thượng viện Mỹ.
 

Máy bay ném bom tàng hình B2
Máy bay ném bom tàng hình B2

Theo ông Carlisle, việc Mỹ đang mất dần vị thế và ưu thế của mình trong lĩnh vực công nghệ tàng hình có liên quan trực tiếp đến máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 PAK FA T-50 của Nga và J-20 của Trung Quốc.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục duy trì được ưu thế và vị thế của mình trong lĩnh vực công nghệ tàng hình, nhưng tôi cho rằng, giai đoạn đó sẽ rất ngắn” – khẳng định của ông Carlisle.

Bên cạnh các tuyên bố và nhận định trên, vị tướng đã từng trực tiếp tham gia các chuyến bay trên các máy bay tiêm kích thuộc phi đội thử nghiệm 4477 của Liên Xô vào những năm 80 của thế kỷ trước cũng phải thừa nhận rằng, Nga và Trung Quốc hoàn toàn có đủ điều kiện và khả năng cần thiết để chế tạo thành công các loại máy bay tàng hình hiện đại, công nghệ cao, chất lượng tốt và không hề thua kém các sản phẩm của Mỹ.

Tuy nhiên, khi trao đổi với giới báo chí bên lề Hội nghị, ông Carlisle lại đưa ra nhận định rằng, cho tới lúc Nga và Trung Quốc có thể đưa máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 vào biên chế tác chiến thì những chiếc máy bay này cũng chưa thể bằng máy bay tiêm kích F-35 Lightning II của Mỹ hiện nay.
 

Phó Tham mưu trưởng Không quân Mỹ phụ trách công tác kế hoạch và các chiến dịch quân sự, trung tướng Herbert Carlisle
Phó Tham mưu trưởng Không quân Mỹ phụ trách công tác kế
hoạch và các chiến dịch quân sự, trung tướng Herbert Carlisle

Theo kiến giải của ông, để nghiên cứu và chế tạo thành công máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5, Nga và Trung Quốc sẽ phải mất rất nhiều thời gian do gặp phải nhiều khó khăn trong ứng dụng công nghệ tàng hình trên máy bay hiện đại.

Mỹ đã ứng dụng công nghệ tàng hình lần đầu tiên trên máy bay cường kích F-117A Night Hawk được đưa vào biên chế trang bị từ năm 1983 và thanh loại vào năm 2008.

Khi bắt đầu nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tàng hình cho máy bay chiến đấu, các kỹ sư hàng không của Mỹ đã sử dụng ý tưởng của nhà vật lý người Nga Petra Ufimtseva đưa ra vào năm 1962 trong cuốn sách tham khảo mang tiêu đề “phương pháp sóng biên trong nhiễu xạ vật lý”.

Trong ý tưởng này, nhà vật lý người Nga đã đưa ra lý thuyết phản xạ sóng vô tuyến ra khỏi bề mặt phẳng. Nhờ các ý tưởng này mà các chuyên gia hàng không của Mỹ đã chế tạo và ứng dụng thành công công nghệ tàng hình cho máy bay chiến đấu của mình.
 

T-50
T-50

Không chỉ đưa ra các ý tưởng cơ bản về phương pháp tàng hình cho máy bay mà từ năm 1990 nhà vật lý Ufimtseva đã tham gia làm việc tại trường Đại học California và tích cực hợp tác với Hãng Northrop Grumman trong dự án chế tạo máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit.

Do gặp phải một số khó khăn về mặt kỹ thuật và công nghệ nên máy bay cường kích F-117 khi ứng dụng công nghệ tàng hình lrất khó có thể điều khiển và bảo dưỡng kỹ thuật.

Trong khi đó, giá cuối cùng của chiếc máy bay ném bom chiến lược B-2 có ứng dụng công nghệ tàng hình lại tăng lên đáng kể, từ 740 triệu USD lên tới 2,1 tỷ USD cho một sản phẩm.

Nói về các đối thủ cạnh tranh tiềm năng với Mỹ về công nghệ tàng hình trong tương lai, Nga đã bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 PAK FA T-50 từ năm 2000.
 

J-20
F-117

Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của T-50 đã được thực hiện vào ngày 29/1/2010. Đồng thời, hiện nay Nga cũng đang tiến hành thử nghiệm cả hai biến thể khác của T-50.

Các thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác về tính năng kỹ-chiến thuật của T-50 đến nay vẫn chưa được tiết lộ, chỉ biết đến năm 2013, Bộ Quốc phòng Nga sẽ nhận được 10 chiếc T-50 để tiến hành thử nghiệm cấp quốc gia và đến năm 2015 sẽ cung cấp hàng loạt cho quân đội.

Về phần mình, lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành thử nghiệm trên không loại máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 đầu tiên J-20 là vào ngày 11/1/2011. Cũng như Nga, các thông tin chi tiết và chính xác về tính năng kỹ-chiến thuật về dòng máy bay này đến nay vẫn chưa được biết, mọi thông tin đưa ra chỉ mang tính suy luận.
 

J-20
J-20

Theo một số nguồn tin, hiện nay Trung Quốc đã chế tạo thành công 2 biến thể máy bay tiêm kích-ném bom và sẽ tiến hành 4 lần thử nghiệm bay đối với hai biến thể này.

Một số nguồn tin khác lại cho hay, máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 đầu tiên của Trung Quốc J-20 sẽ chính thức hiện diện và tham gia hoạt động tác chiến trong đội hình của Không quân Trung Quốc vào năm 2017-2019.

Liên quan đến máy bay J-20 của Trung Quốc, đến nay vẫn còn có một số chuyên gia phân tích tỏ ra nghi ngờ về khả năng có thể trở thành đối thủ cạnh tranh với T-50 của Nga và F-22 của Mỹ. Tuy nhiên, một số khác thì lại tin tưởng rằng, trong thời gian tới điều này sẽ xảy ra.

Nhìn chung, về tương lai gần thì Nga và Trung Quốc vẫn chưa phải là đối thủ cạnh tranh với Mỹ về lĩnh vực công nghệ tàng hình, song rất có thể trong tương lai không xa Mỹ sẽ không thể duy trì “thế thượng phong” trong lĩnh vực này trước hai “đấu thủ” giàu tiềm năng và đang phát triển mạnh mẽ như Nga và Trung Quốc.

{iarelatednews articleid='3167,3174,3129,3118,3032,2963'}

Hữu Kỷ - Nhật Minh (tổng hợp)