Mỹ đang xây dựng cơ sở sửa chữa tàu chiến cỡ lớn ở Biển Đông

04/05/2012 12:23
Việt Dũng (Theo báo Phương Đông)
(GDVN) - Philippines - trung tâm triển khai chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ đã trở thành nơi cung cấp dịch vụ hậu cần lý tưởng cho Hải quân Mỹ.
Vịnh Subic của Philippines.
Vịnh Subic của Philippines.

Tờ “Jane’s Defense Weekly” cho rằng, hãng đóng tàu lớn nhất của Mỹ là AMSEC, công ty con của Công ty Công nghiệp Huntington Ingalls Industries (HII) đang xây dựng cơ sở hỗ trợ hậu cần kiên cố ở vịnh Subic của Philippines, chuẩn bị cho Hải quân Mỹ quay trở lại Subic.

Đối với vấn đề này, chuyên gia Hải quân Trung Quốc Lưu Giang Bình ngày 1/5 trả lời phỏng vấn tờ “Thời báo Hoàn Cầu” cho rằng, đây là sự bố trí chiến lược sẵn ở biển Đông của ông trùm đóng tàu Mỹ, có thể họ đã “ngửi” thấy một số xu hướng triển khai ở khu vực này của Hải quân Mỹ, nhưng xây dựng cơ sở hậu cần và xây dựng căn cứ hải quân là hai chuyện khác nhau.

Trùm đóng tàu Mỹ ngắm trúng vịnh Subic

Tờ “Jane’s Defense Weekly” cho biết, cách đây không lâu, công ty AMSEC và Tập đoàn Công nghiệp nặng Hanjin (Hanjin Heavy Industries) của Hàn Quốc đã ký một hợp đồng, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hậu cần, bảo vệ và sửa chữa cho tàu chiến Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Tờ “Nhật báo Thế giới” (World News) Hàn Quốc cho biết, Tập đoàn Công nghiệp nặng Hanjin tuyên bố, công ty con của họ ở Philippines - nhà máy đóng tàu Subic và công ty AMSEC - nhà đóng tàu chiến lớn nhất của Mỹ ký kết một thỏa thuận hợp tác cơ bản, kim ngạch dịch vụ mỗi năm lên tới 100 triệu USD.

Cụm tàu sân bay CVN72 của Hạm đội 7 Mỹ hoạt động trên biển Đông ngày 5/1/2012
Cụm tàu sân bay CVN72 của Hạm đội 7 Mỹ hoạt động trên biển Đông ngày 5/1/2012

Tờ “Chosun Ilbo” Hàn Quốc cho rằng, do ký kết thỏa thuận sửa chữa, bảo dưỡng này, công tác sửa chữa mà Hải quân Mỹ ủy thác cho các nhà máy đóng tàu địa phương ở Guam, Singapore và Nhật Bản trước đây có khả năng chuyển lượng lớn cho nhà máy đóng tàu Subic.

Tờ “Jane’s Defense Weekly” cho rằng, quyết định của Công ty AMSEC được đưa ra dựa trên cơ sở “dấu hiệu Hải quân Mỹ ngày càng hoạt động nhiều ở khu vực này”.

Có khả năng sửa chữa tàu chiến cỡ lớn

Theo tư liệu từ trang mạng chính thức của Công ty Công nghiệp Huntington Ingalls, trụ sở của công ty này ở Newport News, hiện có 380.000 nhân viên, chủ yếu thiết kế, chế tạo và bảo trì tàu chiến động cơ hạt nhân và thông thường cho Hải quân và Lực lượng Cảnh sát bờ biển Mỹ, đồng thời cung cấp dịch vụ hậu mãi cho tàu chiến của quân đội trên toàn cầu.

Công ty này đã trở thành nhà chế tạo duy nhất tàu sân bay động cơ hạt nhân của Hải quân Mỹ, đồng thời cùng với công ty General Dynamics đảm nhận nhiệm vụ chế tạo tàu ngầm hạt nhân tấn công.

AMSEC là công ty con của Huntington Ingalls, cung cấp các dịch vụ bảo trì, sửa chữa tàu chiến, hỗ trợ hậu cần cho hải quân. AMSEC đã xây dựng cơ sở hỗ trợ hậu cần Trân Châu Cảng – Hawaii, Sasebo – Nhật Bản và quân cảng Yokosuka, nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Hạm đội 7 của Quân đội Mỹ.

Mỹ có kế hoạch triển khai tàu chiến đấu duyên hải ở Singapore.
Mỹ có kế hoạch triển khai tàu chiến đấu duyên hải ở Singapore.

Việc trùm đóng tàu Mỹ hợp tác với công ty Hàn Quốc chính là do nhìn thấy sức mạnh “phần cứng” hiện có của công ty này ở vịnh Subic.

Được biết, nhà máy đóng tàu Subic được xây dựng xong vào năm 2009, có diện tích 2,6 triệu m2, có 2 xưởng đóng tàu lớn nhất thế giới dài 550 m, rộng 135 m, bến cảng dài đến 4 km. Có 4 cần trục khổng lồ và xưởng lắp ráp tự động hóa dài hơn 1.000 m.

Chuyên gia hải quân Trung Quốc Lưu Giang Bình cho rằng, các tàu chiến cỡ lớn như tàu sân bay, tàu tấn công đổ bộ, tàu ngầm hạt nhân của Mỹ có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên, chỉ có thể sửa chữa được ở những cảng nước sâu, bến nước sâu và nhà máy có xưởng đóng tàu cỡ lớn.

Hải quân Mỹ quay trở lại Subic để làm gì?

Lưu Giang Bình cho rằng, việc bảo dưỡng sửa chữa tàu chiến của Mỹ phân thành các cấp độ khác nhau, cơ bản là do Hải quân Mỹ tự làm, chỉ có trường hợp bảo dưỡng sửa chữa rất phức tạp thì mới quay trở về nhà máy đóng tàu tiến hành.

Hành động lần này là sự bố trí chiến lược sẵn ở khu vực biển Đông, và cơ sở nhà máy đóng tàu hiện có ở Subic được trùm đóng tàu Mỹ tận dụng.

Tờ “Nhật báo Thế giới” phân tích cho rằng, quân Mỹ đã quyết định trong mấy chục năm tới sẽ tăng cường đóng quân và hoạt động ở khu vực Tây Thái Bình Dương, Mỹ đã tuyên bố muốn đưa tàu chiến đến thường trú ở Singapore, còn khu vực tiếp theo để tàu chiến thường trú và hỗ trợ hậu cần sẽ là Philippines.

Tàu chiến Mỹ trên biển Đông.
Tàu chiến Mỹ trên biển Đông.

Tờ báo cho biết, nhà máy đóng tàu Subic nằm ở vị trí trung tâm của Tây Thái Bình Dương, nó không chỉ nằm ở nơi xung yếu chiến lược, mà còn có khả năng sửa chữa và công nghệ đóng tàu đẳng cấp thế giới, đã được quân Mỹ cho là địa điểm tốt nhất của khu vực này đáp ứng đầy đủ nhu cầu hỗ trợ hậu cần cho Hải quân Mỹ.

Tờ “Jane’s Defense Weekly” cho rằng, nhà máy đóng tàu Subic là một cảng nước sâu có ý nghĩa chiến lược quan trọng trên biển Đông, mà biển Đông là một trong những tuyến đường hàng hải bận rộn nhất thế giới, đang xảy ra một loạt tranh chấp trên biển.

Việt Dũng (Theo báo Phương Đông)