Mỹ khó giải quyết sớm vấn đề Iraq, phải triển khai lực lượng mặt đất?

25/08/2014 10:05
Việt Dũng
(GDVN) - Mỹ thừa nhận không thể giải quyết vấn đề Iraq trong vài tuần, nếu không triển khai lực lượng mặt đất thì khó hoàn thành sứ mệnh hiện nay.

Mỹ sẽ bị ép phải triển khai lực lượng mặt đất ở Iraq?

Tờ "Thời báo Hải quân" Mỹ gần đây đưa tin cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama luôn nói rằng, Mỹ sẽ không đưa lực lượng chiến đấu quay trở lại Iraq.

Tổng thống Mỹ Barack Obama
Tổng thống Mỹ Barack Obama

Nhưng, rất nhiều chuyên gia tin rằng, nếu không có nhiều lực lượng quân Mỹ triển khai ở Iraq, việc hoàn thành sứ mệnh quân sự vừa được ông Obama triển khai sẽ rất khó khăn.

Hiện nay, sứ mệnh mới phụ thuộc vào máy bay chiến đấu triển khai ở căn cứ ngoài lãnh thổ Iraq.

Ông Obama nói, Mỹ tiến hành "không kích định điểm" để giúp thành phố Erbil chống lại sự tấn công của các phần tử vũ trang "Nhà nước Hồi giáo". Sứ mệnh thứ hai là bảo vệ khoảng 40.000 người Yazidi bị các phần tử vũ trang bao vây trên núi.

Chuyên gia quân sự cho rằng, nhân viên chỉ huy chiến thuật sẽ cần nhiều lực lượng mặt đất hơn. Nhân viên chỉ huy trên không tiền tuyến có thể cung cấp thông tin mục tiêu chính xác hơn.

Trong khi đó, chỉ huy Mỹ có thể cần mở rộng hoạt động tình báo mặt đất. Tương ứng, Quân đội Mỹ có lẽ muốn có căn cứ tác chiến tuyến trước an toàn, bảo vệ nhiều hơn bằng vũ lực và một tuyến tiếp tế hậu cần.

Vận chuyển binh sĩ bị thương có thể cần một phân đội máy bay trực thăng và một trạm sửa chữa hàng không nhỏ.

Tư lệnh Quân đội Mỹ đóng tại Iraq David Petraeus từng làm tham mưu trong thời gian quân Mỹ tăng quân ở Iraq năm 2007, cho rằng: "Điều chúng tôi bàn tới là một hành động cần 10.000 - 15.000 binh sĩ", trong đó có các nhân viên tiến hành sửa chữa, vận chuyển binh sĩ bị thương và cảnh giới. Ông nói: "Ở đó là khu vực kiểm soát của lực lượng 'Nhà nước Hồi giáo'. Trên đường tiến vào, lực lượng mặt đất có thể phải tiến hành cuộc chiến đấu lớn. Điều này có thể sẽ rất khó khăn".

Máy bay chiến đấu Super Honert cất cánh từ tàu sân bay Mỹ tiến hành không kích các mục tiêu của ISIS Iraq
Máy bay chiến đấu Super Honert cất cánh từ tàu sân bay Mỹ tiến hành không kích các mục tiêu của ISIS Iraq

Trang mạng "Thời báo New York" Mỹ ngày 9 tháng 8 cho rằng, khi tiến hành không kích hạn chế đối với Iraq, chính quyền Obama đi theo một chiến lược đó là: muốn ngăn chặn mối đe dọa của các phần tử hiếu chiến Hồi giáo, nhưng hoàn toàn không tìm kiếm quyền kiểm soát đối với miền bắc và miền tây Iraq trong tay họ.

Nhưng, quyền kiểm soát của “Nhà nước Hồi giáo” đối với phần lớn khu vực lấy phái Sunni làm chính ở Iraq và miền đông Syria vẫn là một vấn đề làm cho quan chức chống khủng bố Mỹ rất lo ngại.

Những quan chức này cảnh báo, khu vực này đã trở thành nơi ẩn náu của thế lực thánh chiến, trong khi đó thế lực thánh chiến có thể có kế hoạch phát động tập kích đối với phương Tây.

Tối ngày 7 tháng 8, khi tuyên bố phê chuẩn tấn công quân sự, Tổng thống Mỹ Obama nhấn mạnh, hiện nay Mỹ không có phương án quân sự giải quyết vấn đề Iraq. Ngoài ra, quan chức Mỹ đã chỉ ra, thành lập một chính phủ mới Iraq gồm nhiều giáo phái sẽ làm giảm rất lớn mối lo ngại của rất nhiều người phái Sunni, làm cho họ không còn ủng hộ “Nhà nước Hồi giáo”.

Nhưng, hiện nay còn chưa nhìn thấy triển vọng thế lực “Nhà nước Hồi giáo” tham gia tiến trình chính trị ở Iraq, hơn nữa giành lại các đô thị bị các phần tử hiếu chiến chiếm đóng thì đòi hỏi chính quyền Iraq phát động cuộc phản công hiệu quả hơn trước đây.

Những người ủng hộ Mỹ thực hiện nhiều hành động hơn, nhất là một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ, yêu cầu chia sẻ nhiều tin tức tình báo hơn, điều đoàn cố vấn và ra lệnh mở rộng phạm vi không kích.

Máy bay F/A-18 Super Honert Mỹ không kích ở Iraq
Máy bay F/A-18 Super Honert Mỹ không kích ở Iraq

Mặc dù gần đây Tổng thống Obama tuyên bố, Mỹ sẽ không cho phép thế lực “Nhà nước Hồi giáo” xây dựng một quốc gia Hồi giáo ở Syria và Iraq, nhưng ông vẫn không nói rõ chiến lược chi tiết đoạt lại lãnh thổ đã mất từ tay “Nhà nước Hồi giáo”.

Ngày 8 tháng 8, trong một cuộc họp báo ở Kabul, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết: “Tổng thống chưa đưa ra bất cứ sự lựa chọn nào”.

Liên quan đến vấn đề này, hãng Reuters đưa tin, ngày 10 tháng 8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, đã rút một bộ phận nhân viên của lãnh sự quán Mỹ tại Erbil, đồng thời chuyển họ tới tổng lãnh sự quán ở Basra và đơn vị hỗ trợ Iraq ở Amman.

Hiện nay, Erbil đang bị đe dọa bởi lực lượng vũ trang ISIS. Mỹ từng chuyển một số nhân viên từ Đại sứ quán tại Baghdad đến Erbil, khi đó, Mỹ cho rằng ở đây an toàn hơn.

Mỹ sẽ không thể nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng Iraq

Tờ “Guardian” Anh ngày 9 tháng 8 đưa tin, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, Mỹ sẽ tham gia lâu dài vào công việc của Iraq, cảnh cáo cuộc khủng hoảng phát triển nhanh chóng ở miền bắc Iraq sẽ không được nhanh chóng hóa giải.

Theo bài báo, thế lực “Nhà nước Hồi giáo” tiến bước với tốc độ nhanh hơn dự kiến, Mỹ đã phải chấp nhận sự thực không thể nhanh chóng giải quyết.

Máy bay trực thăng vũ trang Apache của Quân đội Mỹ tập trận ở vùng Vịnh
Máy bay trực thăng vũ trang Apache của Quân đội Mỹ tập trận ở vùng Vịnh

Ông Obama thừa nhận, xây dựng lại Quân đội Iraq, thúc đẩy lòng tin giữa các tín đồ Hồi giáo dòng Sunni và xóa bỏ mối đe dọa của các phần tử vũ trang sẽ là một công việc lâu dài. Ông nói: “Tôi cho rằng, chúng tôi không thể giải quyết vấn đề này trong vài tuần. Điều này sẽ phải có một khoảng thời gian”.

Ông Obama nói: “Đến nay, hoạt động không kích đã phá hủy thành công vũ khí trang bị của các phần tử khủng bố”. Mỹ cũng đã tiến hành thành công 2 lần tiếp tế đường không cho người dân thiểu số bị lực lượng vũ trang ISIS bao vây trên miền núi.

Hãng AFP cho biết, Anh đã bắt đầu tiếp tế thức ăn và nước uống bằng đường không cho vài nghìn dân thường ở một quả núi ở miền bắc Iraq.

Được biết, hàng tiếp tế gồm lều vải, máy lọc nước, đèn năng lượng mặt trời và nguồn điện của điện thoại di động. Cơ quan phát triển quốc tế Anh ngày 8 tháng 8 đã cấp 8 triệu bảng Anh (khoảng 13 triệu USD) cho Iraq dùng cho viện trợ nhân đạo.

Tờ “The Australian” dẫn lời Thủ tướng Australia Abbott cho biết, Australia luôn thảo luận với Mỹ về khả năng tham gia tiếp tế vật tư nhân đạo bằng đường không cho miền bắc Iraq.

Australia có thể sử dụng 2 máy bay vận tải C-130 Hercules triển khai ở UAE để tiếp tế thức ăn và nước uống cùng các vật tư nhân đạo khác. Nếu được yêu cầu hành động, Australia sẽ làm tốt chuẩn bị cung cấp hỗ trợ trong vài ngày.

Máy bay vận tải C-130J Hercules của Không quân Australia (ảnh minh họa)
Máy bay vận tải C-130J Hercules của Không quân Australia (ảnh minh họa)

Hãng AP Mỹ ngày 9 tháng 8 dẫn lời 2 quan chức người Kurd và 1 nhà hoạt động nhân quyền cho biết, đã có vài nghìn người Yazidi vượt qua biên giới Iraq chạy sang đông bắc Syria và tìm sự giúp đỡ của người Kurd tại đó.

Người phát ngôn chính quyền thành phố Qamishli, Syria cho biết, tình hình của những người Yazidi này rất thảm thương.

Hãng Reuters dẫn lời một nghị sĩ Yazidi cho biết, các phần tử hiếu chiến ISIS đe dọa sẽ giết hại hơn 300 hộ gia đình người dân tộc thiểu số Yazidi, trừ phi họ đổi sang theo đạo Hồi. Các phần tử hiếu chiến dòng Sunni đã bao vây họ.

Việt Dũng