Mỹ lo ngại Trung Quốc xây dựng kênh đào Nicaragua để triển khai tàu ngầm

15/09/2015 03:14
Việt Dũng (nguồn báo Hoàn Cầu)
(GDVN) - Trung Quốc có 2 chương trình đặc biệt quan trọng ở châu Mỹ, gồm đầu tư xây dựng kênh đào Nicaragua và xây dựng đường sắt kết nối 2 đại dương.

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 14 tháng 9 dẫn báo Mỹ đưa tin, ngày 10 tháng 9, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã tổ chức phiên điều trần, thảo luận sự phát triển có liên quan đến sự phát triển của Trung Quốc ở khu vực Mỹ Latinh và Caribbean.

Biên đội tàu ngầm Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Biên đội tàu ngầm Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Chủ tịch Tiểu ban các vấn đề tây bán cầu của ủy ban này, Jeff Duncan cho rằng: "Hiện nay, Trung Quốc đang thông qua xây dựng các loại quan hệ bao gồm ngoại giao, kinh tế và quân sự với rất nhiều quốc gia ở tây bán cầu, xây dựng một mạng lưới vô cùng phức tạp ở khu vực này".

Theo bài báo, số liệu của Tổ chức đối thoại các nước châu Mỹ (Inter-American Dialogue) cho biết, Trung Quốc đã cung cấp 16 khoản vay cho Venezuela, tổng trị giá trên 5,6 tỷ USD; cung cấp 10 khoản vay cho Brazil, khoảng 22 tỷ USD; Argentina cũng vay 10 khoản, tổng cộng 19 tỷ USD; trong khi đó, Ecuador vay 12 khoản, khoảng 11 tỷ USD.

Theo bài báo, trong tất cả đầu tư của Trung Quốc đối với hạ tầng cơ sở của những nước này, Jeff Duncan cho rằng có 2 chương trình đặc biệt quan trọng.

Một là kênh đào Nicaragua định xây dựng, sẽ do Trung Quốc bỏ vốn và quản lý kiểm soát, dự tính chi phí lên tới vài chục tỷ USD. Nếu hoàn thành xây dựng, kênh đào này sẽ cạnh tranh với kênh đào Panama, giúp cho tàu thuyền Trung Quốc, trong đó có thể có tàu ngầm, dễ dàng tiếp cận hơn với bờ biển Mỹ.

Lực lượng tàu ngầm Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina)
Lực lượng tàu ngầm Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina)

Hai là Trung Quốc bỏ vốn xây dựng đường sắt kết nối Peru và Brazil, kết nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Điều này cũng sẽ mở rộng vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Mỹ Latinh.

Bài viết dẫn tờ "Nhật báo Phố Wall" Mỹ cho biết, đầu tháng 9, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thị sát Alaska, 5 tàu chiến Hải quân Trung Quốc xuất hiện ở biển Bering – một vùng biển quốc tế ở lân cận Alaska.

Vì vậy, Duncan cho rằng Mỹ không thể tiếp tục xem nhẹ sự hiện diện của Trung Quốc ở tây bán cầu, mà cần cùng các nước khu vực này xây dựng quan hệ chặt chẽ, sâu sắc theo cách thức bền vững hơn.

Theo bài viết, Matt Salmon - chủ tịch Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ cho rằng, mặc dù trong giai đoạn hiện nay Trung Quốc chủ yếu tham gia thương mại và đầu tư ở khu vực Mỹ Latinh và Caribbean, nhưng có xu thế phát triển hướng tới nhiều quan hệ quân sự hơn.

Lực lượng tàu ngầm Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina)
Lực lượng tàu ngầm Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina)

Theo Matt Salmon, những quan hệ này trong đó có hợp tác hạt nhân đem lại cho Trung Quốc không chỉ vai trò ảnh hưởng kinh tế và quân sự ở khu vực này, đồng thời cung cấp cho Trung Quốc năng lực làm giảm một ưu thế chủ yếu của Mỹ, khiến cho Mỹ tương đối cô lập về địa lý.

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc cho biết, họ "không có căn cứ quân sự ở nước ngoài", nhưng Matt Salmon cho rằng, không có căn cứ quân sự ở nước ngoài không có nghĩa là không hiện diện ở nước ngoài. Ông cho rằng, Mỹ cần đề phòng Trung Quốc hiện diện quân sự ở các nước láng giềng. 

Việt Dũng (nguồn báo Hoàn Cầu)