Vấn đề đảo Đài Loan trong quan hệ quân sự Mỹ - Trung:

Mỹ muốn Trung Quốc phải kiêng dè và từ bỏ ý nghĩ sử dụng vũ lực

13/03/2013 07:48
Đông Bình
(GDVN) - Hiện nay Mỹ “dựa vào khả năng đáp trả quy mô lớn” mới có thể đe dọa và ngăn chặn được Quân đội Trung Quốc vượt qua eo biển.
Máy bay chiến đấu F-16 của Quân đội Đài Loan, do Mỹ chế tạo
Máy bay chiến đấu F-16 của Quân đội Đài Loan, do Mỹ chế tạo

Tờ “Quang Minh” Trung Quốc dẫn báo chí Mỹ vừa tiết lộ, tuyên truyền cho rằng, xét thấy Trung Quốc phát triển quân sự với tốc độ nhanh chóng, Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận, nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực đối với Đài Loan, quân Mỹ đã không thể ngăn chặn.

Tờ “Want Daily” Đài Loan cho biết, quan điểm trên của Chính phủ Mỹ được phóng viên Jim Hoagland của tờ “Bưu điện Washington” tiết lộ. Bài viết này mang tên “Chính sách coi châu Á-Thái Bình Dương là trọng tâm của Obama rất hợp thời” cho rằng, Quân đội Trung Quốc triển khai dày đặc tên lửa ở duyên hải, đã làm thay đổi sự cân bằng sức mạnh quân sự ở eo biển Đài Loan, “Lầu Năm Góc hiện đã thừa nhận, nếu Bắc Kinh sử dụng vũ lực tấn công Đài Loan, máy bay và tàu chiến Mỹ không thể ngăn chặn thành công”.

Điều này có nghĩa là, hiện nay Mỹ “dựa vào khả năng đáp trả quy mô lớn” mới có thể đe dọa và ngăn chặn được Quân đội Trung Quốc vượt qua eo biển. Hoagland cho rằng, theo quan điểm của nhà chiến lược quân sự lâu năm Mỹ, trong các hành động quân sự ở eo biển Đài Loan có thể diễn ra, “chúng ta đã không còn là lá chắn, chúng ta phải chuyển đổi thành ngọn giáo có hiệu quả”, tức là Mỹ đã không thể bảo vệ Đài Loan, đành phải dựa vào sức mạnh tấn công có khả năng phá hoại đầy đủ, làm cho Quân đội Trung Quốc phải kiêng dè và từ bỏ ý nghĩ sử dụng vũ lực.

5 tàu sân bay động cơ hạt nhân Mỹ từng tập trung tại quân cảng Norfolk vào năm 2012
5 tàu sân bay động cơ hạt nhân Mỹ từng tập trung tại quân cảng Norfolk vào năm 2012

Theo bài viết, Obama đưa ra sách lược “tái cân bằng châu Á” nhằm tăng cường quan hệ với các nước như Nhật Bản, để cùng đối phó với Trung Quốc đang nổi lên, đồng thời mở rộng phạm vi phòng thủ tên lửa, tăng điều tàu chiến và lực lượng đánh bộ tới châu Á-Thái Bình Dương, những điều này đã gây sức ép tâm lý đối với Bắc Kinh.

Tờ “Want Daily” cho biết, cách đây không lâu, giáo sư Holmes của Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ từng tiết lộ, trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996, Mỹ đã điều 2 cụm chiến đấu tàu sân bay đến gần eo biển Đài Loan, “khi đó Mỹ không hề do dự, hiện nay Đài Loan không nên cho rằng Mỹ cũng chắc chắn sẽ làm như vậy”.

Tờ “Want Daily” bình luận, bài viết của Hoagland là lần đầu tiên Mỹ bi quan như vậy khi nhìn nhận khả năng hợp tác phòng thủ Đài Loan của họ. Sau khi chính quyền Tưởng Giới Thạch chạy sang Đài Loan, Mỹ từng thành lập “Bộ Tư lệnh hợp tác phòng thủ Đài Loan quân Mỹ” vào năm 1955, đây là một bộ tư lệnh liên hợp của Quân đội Mỹ, trực tiếp báo cáo với Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, thành lập bởi nhân viên của các đơn vị quân Mỹ, đồng thời thiết lập trụ sở ở Đài Bắc.

Năm 1979, Đài Loan-Mỹ “cắt đứt quan hệ”, “Bộ Tư lệnh hợp tác phòng thủ Đài Loan quân Mỹ” đã tổ chức lễ hạ cờ lần cuối cùng vào ngày 26/4. Sau đó, Mỹ thông qua “Luật quan hệ với Đài Loan” để bán vũ khí cho Đài Loan, đồng thời tuyên bố một khi Trung Quốc tấn công vũ lực đối với Đài Loan, Mỹ sẽ không sợ trả giá, hỗ trợ phòng thủ Đài Loan, khi xảy ra khủng hoảng vào năm 1996 Mỹ thậm chí đã điều tàu sân bay đến eo biển Đài Loan.

Không quân Mỹ diễn tập ở Guam
Không quân Mỹ diễn tập ở Guam

Nhưng, những năm gần đây, cùng với sự thay đổi to lớn của tình hình toàn cầu, Mỹ liên tục giảm tuyên bố mạnh trong vấn đề hợp tác phòng thủ Đài Loan. Tháng 4/2009, Ivan Eland, người phụ trách nghiên cứu chính sách phòng thủ, Viện nghiên cứu Cato Washington có bài viết cho rằng, Mỹ không nên bất chấp nguy hiểm leo thang rủi ro với Trung Quốc, một nước lớn sở hữu vũ khí hạt nhân để bảo vệ Đài Loan, cần tuyên bố sẽ không tiếp tục bảo vệ Đài Loan và thu hẹp mối đe dọa của Hải quân Mỹ đối với Trung Quốc ở Đông Á.

Tháng 2/2011, Roger Cliff, nhà nghiên cứu lâu năm của Công ty Rander Mỹ cũng bày tỏ mối lo ngại về khả năng hỗ trợ phòng thủ cho Đài Loan của Mỹ trong thời điểm hiện nay. Tháng 3 cùng năm, học giả nổi tiếng Glaser của Đại học George Washington Mỹ cũng đề nghị Chính phủ Mỹ nên từ bỏ hợp tác phòng thủ Đài Loan.

Ông này nói “Trung Quốc phát triển rất nhiều vũ khí thông thường đều nhằm ngăn chặn Đài Loan và làm giảm khả năng Mỹ can thiệp vấn đề Đài Loan. Xét tới tình hình này, Mỹ cần xem xét rút lại cam kết đối với Đài Loan”.

Đầu tháng 3/2013, “Trung tâm Wilson” Mỹ đã tổ chức hội thảo. Các chuyên gia tham dự cho rằng, trong chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, Đài Loan có thể phát huy vai trò, nhưng nhà cầm quyền Đài Loan phải tăng ngân sách quốc phòng để tăng cường sức mạnh quân sự, không thể cho rằng Mỹ phải hỗ trợ phòng thủ như trước đây.

Tên lửa chống hạm siêu âm Hùng Phong-3 do Đài Loan sản xuất
Tên lửa chống hạm siêu âm Hùng Phong-3 do Đài Loan sản xuất

Tờ “Thời báo Tự do” Đài Loan tiết lộ, đứng trước chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc trên 700 tỷ nhân dân tệ, báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan cho rằng, Trung Quốc vẫn chủ trương “phản đối Đài Loan độc lập” và “không từ bỏ lập trường sử dụng vũ lực đối với Đài Loan”, các hoạt động hiện đại hóa quân sự vẫn lấy tác chiến với Đài Loan làm mục tiêu chính, có triển vọng đến năm 2020 có khả năng tác chiến quy mô lớn “chống Đài Loan độc lập, thống nhất với đại lục”.

Đài Loan sẽ tiếp tục mua vũ khí trang bị tiên tiến, xây dựng sức mạnh quân sự phòng thủ cần thiết. Nhưng, ngày 11/3, ông Lâm Úc Phương – quan chức Viện Lập pháp Đài Loan cho rằng, Đài Loan đã mua quá nhiều vũ khí cũ của Mỹ.

Chuyên gia truyền thông lâu năm Đài Loan Trần Tổ An được báo chí TQ dẫn lời tuyên truyền cho rằng, quyết tâm và khả năng hỗ trợ phòng thủ Đài Loan của Mỹ đã có vấn đề từ hơn 10 năm trước.

Khi xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan vào năm 1996, 2 cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ chỉ chạy trên Thái Bình Dương, bên ngoài Đài Loan, không tiếp cận ven bờ Đài Loan, đã làm giảm sự răn đe đối với Quân đội Trung Quốc. Những năm gần đây, cùng với sức mạnh quân sự của Trung Quốc liên tục tăng lên, mong muốn hỗ trợ Đài Loan phòng thủ của Mỹ yếu đi.

Máy bay trực thăng tấn công của Đài Loan, mua của Mỹ
Máy bay trực thăng tấn công của Đài Loan, mua của Mỹ
Đông Bình