Mỹ muốn tăng cường theo dõi lực lượng hạt nhân Trung Quốc

19/09/2014 13:36
Việt Dũng
(GDVN) - Một phần quan trọng của chiến lược quay trở lại châu Á của Mỹ là theo dõi tình hình lực lượng thông thường và lực lượng hạt nhân quy mô lớn của Trung Quốc.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8 Poseidon, Hải quân Mỹ (ảnh minh họa)
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8 Poseidon, Hải quân Mỹ (ảnh minh họa)

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 17 tháng 9 đưa tin, ngày 15 tháng 9, quan chức Nhà Trắng Mỹ cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành bay theo dõi khu vực lân cận không phận Trung Quốc.

Trang mạng "Washington Free Beacon" Mỹ cho rằng, tăng cường theo dõi Trung Quốc là bộ phận quan trọng của chiến lược "quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương" của chính quyền Obama, mục đích là theo dõi tình hình xây dựng lực lượng thông thường và lực lượng hạt nhân quy mô lớn của Trung Quốc.

Một quan chức chính phủ Mỹ ngày 15 tháng 9 cho biết rõ, Mỹ đã tuyên bố hoạt động bay của họ hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, "không có kế hoạch thay đổi hoạt động bay vì sức ép của Trung Quốc".

Bài báo cho rằng, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSC) Patrick Ventrell cũng xác nhận, trong thời gian thăm Trung Quốc của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice, vấn đề liên quan đến máy bay trinh sát Mỹ đến gần do thám Trung Quốc đã được nói đến, nhưng ông từ chối tiết lộ bà Susan Rice khi đó đáp trả thế nào trước yêu cầu của Trung Quốc.

Patrick Ventrell trả lời trong email rằng: "Kế hoạch bay quân sự thường lệ do Mỹ tiến hành ở vùng trời quốc tế đã đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực, đồng thời phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan".

Có nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ, Lầu Năm Góc từng lo ngại, trong cuộc nói chuyện của bà Rice, Nhà Trắng đã "khuất phục" trước yêu cầu của Trung Quốc trong vấn đề do thám theo dõi.

Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert
Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert

Tuần trước, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert cũng từng bày tỏ thái độ tương tự. Ông nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành hoạt động tương tự ở vùng trời quốc tế".

Trang mạng "Washington Free Beacon" cho rằng, ngoài theo dõi Trung Quốc, nội dung chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Obama còn bao gồm tăng thêm tàu chiến và tàu ngầm ở khu vực Biển Đông, tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh khu vực như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

Tháng trước, sau khi xảy ra sự kiện "máy bay quân sự Mỹ đến gần trinh sát", Trung Quốc trước tiên phản bác chỉ trích của phía Mỹ đối với máy bay quân sự Trung Quốc "áp sát nguy hiểm máy bay trinh sát P-8 Quân đội Mỹ", cho rằng phi công Trung Quốc đã thể hiện chuyên nghiệp.

Sau đó, trong cuộc gặp với bà Susan Rice, Trung Quốc nhấn mạnh, nếu Mỹ thực sự muốn khôi phục quan hệ song phương bị tổn thương, thì cần giảm dần cho đến khi chấm dứt hoạt động đến gần do thám đối với Trung Quốc.

Theo tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 18 tháng 9 cho biết, trong thời gian tham gia hội thảo lực lượng trên biển quốc tế lần thứ 21 do Học viện chiến tranh hải quân Mỹ tổ chức từ ngày 16 – 19 tháng 9 năm 2014, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi đã tiến hành hội đàm với Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ.

Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi
Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi

Ông Ngô Thắng Lợi tiếp tục cho rằng, cách nói của Mỹ - chỉ trích phi công Trung Quốc đánh chặn máy bay trinh sát Mỹ không chuyên nghiệp – là hoàn toàn không có căn cứ, chỉ cần Mỹ không dừng trinh sát, Trung Quốc sẽ không dừng đánh chặn, nhưng tuyệt đối không muốn tái diễn va chạm máy bay Trung-Mỹ, tuyệt đối không muốn hy sinh “Vương Vĩ” thứ hai.

Việt Dũng