Mỹ nghiên cứu chế tạo tên lửa chống hạm tàng hình tầm xa chống Trung Quốc

16/02/2015 07:04
Đông Bình
(GDVN) - Loại tên lửa này tầm bắn 500 hải lý, lắp đầu đạn sát thương phá hủy xuyên thép 1.000 pound, dùng để chống lại năng lực chống can dự của Trung Quốc và Iran.
Máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet Hải quân Mỹ (nguồn Tin tức tham khảo, TQ)
Máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet Hải quân Mỹ (nguồn Tin tức tham khảo, TQ)

Mạng nguyệt san "Lợi ích quốc gia" Mỹ ngày 11 tháng 2 đăng bài viết "Mỹ kiểm tra tên lửa chống hạm tàng hình tầm xa" cho rằng, Mỹ gần đây đã kiểm tra một loại tên lửa chống hạm tầm xa kiểu mới, mục đích nghiên cứu chế tạo loại tên lửa này là để chống lại năng lực chống can dự/ngăn chặn khu vực không ngừng tăng cường của các nước như Trung Quốc và Iran.

Loại tên lửa chống hạm tầm xa này do Công ty Lockheed Martin chế tạo, nghe nói có tầm bắn 500 hải lý, có thể lắp đầu đạn sát thương phá hủy xuyên thép 1.000 pound (1 pound khoảng 0,454 kg). Mục đích chủ yếu thiết kế loại tên lửa này là làm cho Hải quân và Không quân Mỹ có được năng lực chặn đánh tầm xa dẫn đường chính xác ngoài khu vực phòng thủ, có thể đứng chân trong môi trường tác chiến điện tử quyết liệt.

Để thực hiện mục tiêu này, tên lửa đã sử dụng hệ thống dẫn đường bán tự động và bộ cảm biến trên tàu nhằm giảm sự lệ thuộc vào trang bị tình báo, theo dõi và do thám, hệ thống kết nối mạng và hệ thống dẫn đường GPS. Nó cũng đã sử dụng "phương pháp sinh tồn đoạn cuối kiểu sáng tạo và công nghệ sát thương chính xác" để vừa đạt được mục tiêu dự định vừa tránh được các biện pháp đáp trả tiên tiến của kẻ thù.

Nghiên cứu chế tạo loại tên lửa này đã thể hiện rõ quy hoạch “tác chiến trong môi trường chiến tranh điện tử gay gắt tương lai” của Quân đội Mỹ và mức độ suy yếu về năng lực chống hạm hiện nay của Mỹ.

Máy bay ném bom chiến lược B-1 của Quân đội Mỹ
Máy bay ném bom chiến lược B-1 của Quân đội Mỹ

Kế hoạch này được Cơ quan chương trình nghiên cứu cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ khởi động từ năm 2009, đồng thời đã sử dụng công nghệ đã có trong chương trình "tên lửa không đối đất tăng tầm ngoài khu vực phòng thủ liên hợp". Bộ Quốc phòng kỳ vọng loại tên lửa này sẽ là biện pháp giải quyết tạm thời để bổ sung cho sự hạn chế của tên lửa chống hạm Harpoon ngày càng lão hóa của Hải quân Mỹ.

Hải quân Mỹ gần đây cũng đã tiến hành kiểm tra đối với một loại tên lửa Tomahawk, tên lửa này đã bắn trúng một mục tiêu di động trên biển. Tuy nhiên, tên lửa Tomahawk cần nhận chỉ lệnh trong quá trình bay để điều chỉnh quỹ đạo bay.

Dự kiến, loại tên lửa chống hạm tầm xa này sẽ đưa vào sử dụng từ năm 2018, đến lúc đó nó sẽ lắp đặt trên máy bay ném bom B-1 của Không quân Mỹ. Đồng thời, nó cũng sẽ được trang bị cho máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ.

Năm 2014, Cơ quan nghiên cứu cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã khởi động hoạt động tranh thầu phiên bản tiếp theo của tên lửa chống hạm tầm xa, dự kiến tên lửa này sẽ có năng lực tác chiến ban đầu vào khoảng năm 2024.

Tên lửa chống hạm tầm xa cận âm LRASM-A Mỹ (nguồn Chinanews)
Tên lửa chống hạm tầm xa cận âm LRASM-A Mỹ (nguồn Chinanews)
Đông Bình