GÓC NHÌN BÁO CHÍ:

Mỹ phong tỏa Trung Quốc và các quốc gia "bị bắt cóc"

09/11/2011 11:16
Việt Dũng (Theo báo Phương Đông)
(GDVN) - Theo Phương Đông báo, dù Mỹ phong tỏa toàn diện, cũng không thể ngăn chặn quân đội Trung Quốc hoạt động bình thường.

Thời gian gần đây, cuộc chiến tranh ở nước ngoài được Mỹ tiến hành trước đây đang nhanh chóng bước vào giai đoạn “thu binh”: Chiến sự ở Libya đã kết thúc, Obama tuyên bố sẽ rút quân toàn diện khỏi Iraq, còn quân Mỹ ở Afghanistan sớm muộn cũng sẽ rút về. Trong bối cảnh này, Mỹ bắt đầu đem mối quan tâm quân sự nhiều hơn tới châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mới có chuyến thăm châu Á, ông khẳng định Mỹ sẽ không giảm sự hiện diện quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm đối phó với các mối đe dọa mới
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mới có chuyến thăm châu Á, ông khẳng định Mỹ sẽ không giảm sự hiện diện quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm đối phó với các mối đe dọa mới

Gần đây, khi đến thăm khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nhấn mạnh, mặc dù hiện nay tình hình kinh tế Mỹ khó khăn, chi phí quân sự phải đối mặt với cắt giảm, nhưng việc triển khai quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ không suy giảm.

Đồng thời, Mỹ cũng đã tham gia một loạt “hội nghị quốc tế”, tìm cách thiết lập điểm đứng chân về quân sự mới ở châu Á-Thái Bình Dương. “Quân đội Mỹ tăng cường triển khai quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương” trở thành một đề tài nóng hổi của dư luận quốc tế.

“Phong toả toàn diện” Trung Quốc không thực tế

Đối với Mỹ, mục đích tăng cường triển khai quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương là gì? Phải chăng họ muốn tiến hành “phong toả toàn diện” đối với Trung Quốc? Nhìn vào tình hình triển khai quân sự của quân đội Mỹ hiện nay cho thấy, thực sự tiến hành “phong toả toàn diện” đối với Trung Quốc hoàn toàn không thực tế.

Trong thời kỳ hoà bình, một quốc gia sử dụng đường thuỷ quốc tế và vùng biển quốc tế để tiến hành đi lại, giao lưu, bao gồm việc hoạt động bình thường của lực lượng quân sự là rất bình thường. Quân đội Mỹ triển khai nhiều căn cứ hơn ở những khu vực này cũng không thể ngăn chặn lực lượng trên biển của Trung Quốc hoạt động bình thường ở đường thủy quốc tế và vùng biển quốc tế.

Trên thực tế, Mỹ tăng cường triển khai quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương phần nhiều là tiến hành chuẩn bị cho chiến sự. Mỹ cách xa khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một khi “có sự”, họ buộc phải dựa vào các căn cứ của khu vực này, nếu không sẽ không thể hoàn thành triển khai binh lực, không thể hoàn thành hành động tác chiến. Vì vậy, động thái này của Mỹ phần nhiều là tập trung cho chiến sự.

Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vừa có cuộc tập trận chung ở biển Hoa Đông
Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vừa có cuộc tập trận chung ở biển Hoa Đông

Như vậy, tiến hành triển khai bố trí tiền duyên như thế sẽ “phong toả toàn diện” Trung Quốc hay không? Nếu Trung-Mỹ xảy ra đối đầu toàn diện, thậm chí là chiến tranh, đối với đa số người, đây là điều không thể tưởng tượng.

Dù sao, hai cường quốc này cũng có quan hệ chặt chẽ về kinh tế thương mại, dùng thủ đoạn chiến tranh giải quyết vấn đề sẽ tạo ra cục diện đôi bên đều thiệt hại. Cho dù có xảy ra tình huống cực đoan này (đối đầu toàn diện, chiến tranh), việc triển khai tiền duyên và căn cứ của Mỹ sẽ đặt trong mối đe doạ tấn công hoả lực chính xác tầm xa của đối phương.

Nếu đối phương có đủ vũ khí tấn công hoả lực chính xác tầm xa mạnh, những căn cứ này liệu có còn tồn tại? Nếu không thể tồn tại, liệu có thể “phong toả”?

Đồng minh châu Á-Thái Bình Dương lo ngại trở thành “con tin”

Thực ra, Mỹ triển khai quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hoàn toàn không giống như người ta lầm tưởng đơn thuần là “phong toả” Trung Quốc.

Trước hết, Mỹ thông qua động thái này để gây sức ép với Trung Quốc, tiến hành răn đe; mặt khác, bảo đảm cho họ có đủ vai trò ảnh hưởng và khả năng răn đe đối với tất cả các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhìn từ góc độ đó, tờ Phương Đông viết: ứng xử với việc triển khai quân sự của Mỹ cần phải có con mắt bình thản, bình tĩnh.

Nhìn từ góc độ của các nước khác ở châu Á, bề ngoài họ hoặc trong ngắn hạn có thể được lợi một chút, đó là lợi ích cục bộ. Nhưng về lâu dài, điều này cũng tạo ra sức ép và tác động to lớn đối với các nước này.

Trong thời gian gần đây, tàu sân bay USS George Washington tích cực hiện diện ở Tây Thái Bình Dương và tham gia tập trận chung
Trong thời gian gần đây, tàu sân bay USS George Washington tích cực hiện diện ở Tây Thái Bình Dương và tham gia tập trận chung

Cách đây không lâu, báo giới Australia đã đề xuất một quan điểm: Việc triển khai lực lượng quân sự của Mỹ một khi hình thành nên sự đối đầu Trung-Mỹ, Australia sẽ rơi vào trạng thái “bị bắt cóc”.

Thực ra, quan điểm này của báo giới Australia đã phản ánh vấn đề mà tất cả các nước châu Á-Thái Bình Dương và khu vực phải đối mặt.

Lực lượng quân sự của Mỹ một khi tiến vào lãnh thổ của các nước này, những nước này sẽ trở thành một phần triển khai quân sự tiền duyên của Mỹ. Một khi Mỹ và các nước khác, khu vực xảy ra đối đầu quân sự, họ thực sự phải trở thành một bên giao chiến, rơi vào trạng thái “bị bắt cóc”, đối với những nước này, rõ ràng không phải là một việc tốt.

Đồng thời, việc triển khai lực lượng quân sự của Mỹ vào các nước này tất sẽ tác động to lớn đối với cuộc sống bình thường, thậm chí chính trị, ngoại giao của các nước này.

Uy hiếp quốc phòng Trung Quốc ở trên biển

Từ góc độ của Trung Quốc, Trung Quốc phải dùng tâm thế bình thản hơn để ứng xử, phản ứng quá mức sẽ gây ra sóng gió. Có quan điểm cho rằng, kinh tế Trung Quốc hiện nay phụ thuộc rất lớn vào thương mại và giao thông trên biển, tuyến đường giao thông năng lượng hầu như toàn bộ đến từ trên biển, Mỹ triển khai quân sự phải chăng tạo ra mối đe doạ cho “tuyến đường huyết mạch” trên biển của Trung Quốc?

Đối với vấn đề này, mối đe doạ thực sự của tuyến đường giao thông trên biển và năng lượng trên biển hoàn toàn không phải là khu vực duyên hải ở trước mắt, bởi vì những tuyến đường giao thông trên biển này có một sự kéo dài rất lớn, lan khắp các nơi trên thế giới. Còn mối đe doạ quốc phòng thực sự nằm ở trên biển cách xa đất liền.

Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển vũ khí chống can dự. Trong hình là tàu hộ tống tên lửa 054A Hoàng Sơn phòng tên lửa phòng không Hồng Kỳ
Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển vũ khí chống can dự. Trong hình là tàu hộ tống tên lửa 054A Hoàng Sơn phòng tên lửa phòng không Hồng Kỳ

Nhìn từ góc độ khác, lực lượng quân sự chỉ là một phòng tuyến cuối cùng bảo vệ an ninh bản thân. Mỹ dùng phương thức triển khai quân sự tiền duyên gây sức ép với Trung Quốc cũng không “cao tay”, do họ phải chi phí nhiều hơn, đây cũng là một gánh nặng rất lớn.

Báo Đông Phương viết: đối mặt với sức ép, Trung Quốc cần luôn tăng cường xây dựng sức mạnh quốc phòng của mình, tăng cường nghiên cứu phát triển và trang bị các biện pháp đáp trả. Mà chiến trường thực sự là các lĩnh vực đằng sau lực lượng quân sự như kinh tế, công nghệ, ngoại giao, văn hoá. Những lĩnh vực này có thể có ý nghĩa quan trọng hơn đối với tương lai.


Việt Dũng (Theo báo Phương Đông)