Mỹ sẽ bán tên lửa chống hạm phóng từ tàu ngầm Harpoon cho Ấn Độ

03/07/2014 13:22
Bình Nguyên
(GDVN) - Ngày 1/7/2014 chính quyền Mỹ cho biết nước này sẽ bán tên lửa chống hạm phiên bản phóng từ tàu ngầm Harpoon cho Ấn Độ.
Tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ chế tạo (phiên bản phóng từ tàu ngầm)
Tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ chế tạo (phiên bản phóng từ tàu ngầm)

Tuyên bố này được đưa ra trong một thông cáo báo chí được Cơ quan hợp tác An ninh phòng thủ Mỹ (DSCA) công bố hôm thứ Ba đầu tuần này.

Thông báo nêu rõ: “Cơ quan hợp tác An ninh phòng thủ đã quyết định chấp thuận đề xuất bán vũ khí quân sự cho Âns Độ, trong số này có các tên lửa chống hạm phiên bản phóng từ tàu ngầm UGM-84L Harpoon và các trang thiết bị đi kèm cùng gói hỗ trợ về hậu cần và huấn luyện. Trị giá của thỏa thuận khoảng 200 triệu USD”.

Tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ chế tạo bắn trúng mục tiêu trong thử nghiệm diệt khu trục hạm
Tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ chế tạo bắn trúng mục tiêu trong thử nghiệm diệt khu trục hạm

DSCA nói thêm rằng họ đã gửi một bản chứng nhận chuyển giao lên Quốc Hội Mỹ vào ngày 1/7/2014.

Tên lửa chống hạm Harpoon trang bị trên tàu ngầm của Canada
Tên lửa chống hạm Harpoon trang bị trên tàu ngầm của Canada


DSCA cho biết chính quyền Ấn Độ đã yêu cầu chính phủ Mỹ bán cho nước này 12 tên lửa chống hạm 12 UGM-84L Harpoon Block II, 10 quả UTM-84L Harpoon (tên lửa huấn luyện), 2 phương tiện huấn luyện phóng tên lửa Harpoon, 1 số container, thiết bị sửa chữa, thay thế, tài liệu hướng dẫn và thông tin dữ liệu…

Tên lửa Harpoon phiên bản lắp trên máy bay tuần thám biển
Tên lửa Harpoon phiên bản lắp trên máy bay tuần thám biển

Thông cáo báo chí của DSCA nói rõ rằng Hải quân Ấn Độ sẽ sử dụng các tên lửa Harpoon mua của Mỹ để trang bị cho các tàu ngầm lớp Shishumar (Type-209). Trước đó Hải quân nước này cũng đã trang bị các tên lửa chống hạm Harpoon phiên bản trên không dành cho các máy bay tuần tra biển P-8i cũng như chiến đấu cơ Jaguar.

DCSA cho biết việc bán tên lửa Harpoon cho Ấn Độ sẽ giúp nước này tăng cường sức mạnh phòng thủ nhưng sẽ không làm mất cân bằng sức mạnh quân sự trong khu vực.

Trong những năm gần đây Mỹ đã xúc tiến các kế hoạch và hợp đồng bán vũ khí cho quân đội Ấn Độ.

Andrew Shapiro – cựu thứ trưởng quốc phòng phụ trách vấn đề chính trị - quân sự của Mỹ
Andrew Shapiro – cựu thứ trưởng quốc phòng phụ trách vấn đề chính trị - quân sự của Mỹ
Đầu năm 2013, Andrew Shapiro – cựu thứ trưởng quốc phòng phụ trách vấn đề chính trị - quân sự của Mỹ cho biết giao dịch mua bán vũ khí của Mỹ đối với Ấn Độ tăng từ số không vào năm 2008 lên con số không ngờ là 8 tỷ USD.

Theo một báo cáo khác của tạp chí quốc phòng, tình báo Anh IHS Jane’s, năm 2013,

Ấn Độ trở thành khách hàng mua sắm nhiều vũ khí với giá trị lớn nhất của Mỹ với tổng giá trị 1,9 tỷ USD trong đó sắm từ Mỹ máy bay vận tải chiến lược C-17A, máy bay tuần thám biển P-8I.

Năm 2013 cũng là năm cột mốc chứng kiến Mỹ đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho quân đội Ấn Độ.
Trong quá khứ, hợp tác mua bán sản phẩm quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề bởi Washington miễn cưỡng chưa muốn chuyển giao các loại công nghệ nhạy cảm cho Ấn Độ.
Chính New Delhi trước đây cũng chưa tin cậy lắm vào khả năng sẵn sàng hay nói khác là mong muốn cung cấp các trang bị thay thế và chế độ bảo dưỡng cho các loại vũ khí, khí tài Ấn Độ mua của Mỹ.
Chắc chắn kế hoạch bán tên lửa Harpoon phiên bản phóng từ tàu ngầm của Mỹ cho Ấn Độ sẽ làm cho giới học giả, phân tích quân sự diều hâu của Trung Quốc đứng ngồi không yên, chúng ta có lẽ sẽ tiếp tục chứng kiến những ý kiến bàn luận của họ bởi đối với Trung Quốc, không bao giờ Bắc Kinh muốn để Ấn Độ vượt qua mình.
Bình Nguyên