Mỹ sẽ điều 60% lực lượng tinh nhuệ hải, không quân tới châu Á

26/06/2013 07:22
Đông Bình
(GDVN) - Chiến lược mới của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương là có "tiến" có "lui", bố trí rất nhiều vũ khí trang bị công nghệ cao và địa điểm triển khai đặc biệt.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của quân Mỹ tại sân bay Kadena, Okinawa.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của quân Mỹ tại sân bay Kadena, Okinawa.

Ngày 3 tháng 6/2013, Đối thoại Shangri-La bế mạc tại Singapore. Tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tái khẳng định trước năm 2020 Mỹ sẽ triển khai 60% tàu chiến Hải quân ở khu vực Thái Bình Dương, đồng thời còn tuyên bố sẽ triển khai 60% lực lượng không quân tại nước ngoài tới châu Á-Thái Bình Dương.

"Quay trở lại châu Á", "dịch chuyển chiến lược sang hướng Đông", "tái cân bằng chiến lược châu Á-Thái Bình Dương"... Từ sau khi rút khỏi Iraq và Afghanistan, những từ ngữ này đã được dư luận biết đến nhiều, xu thế lớn tập kết cỗ máy chiến tranh công nghệ cao khổng lồ của Mỹ ở khu vực xung quanh Trung Quốc rất rõ ràng. Trong một khoảng thời gian trước đây, những thông tin liên quan đến việc quân Mỹ điều chỉnh triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương liên tục thấy xuất hiện trên truyền thông.

Tuy nhiên, những người quan sát cẩn thận có thể phát hiện được, bố cục chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ hoàn toàn không phải một mực "đại binh áp sát", mà là có "tiến" có "lui".

Tiến: Raptor, Osprey, tàu ngầm hạt nhân, tàu tuần duyên từng bước tiến sát

Tháng 1 năm nay, 12 máy bay chiến đấu F-22 Raptor của căn cứ không quân Langley thuộc bang Virginia ở bờ biển phía đông nước Mỹ, bay hàng vạn km sang hướng tây, hạ cánh xuống sân bay Kadena, Okinawa, đã tiến hành triển khai 4 tháng ở đây. Đây cũng là việc triển khai tạm thời ở Kadena lần thứ 7 của máy bay F-22 kể từ năm 2007 đến nay.

Máy bay vận tải cánh xoay MV-22 Osprey của quân Mỹ triển khai ở sân bay Futenma, Nhật Bản.
Máy bay vận tải cánh xoay MV-22 Osprey của quân Mỹ triển khai ở sân bay Futenma, Nhật Bản.

Quân Mỹ còn có kế hoạch sau vài năm triển khai máy bay vận tải V-22 Osprey ở Kadena - căn cứ lớn nhất khu vực Viễn Đông này.

Tháng 4 năm nay, trong thời điểm tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng, tàu ngầm hạt nhân tấn công Charlotte của Hải quân Mỹ chạy tới chốt ở Guam. Trước đó, căn cứ hải quân Guam đã bố trí các tàu ngầm như Key West, Chicago và Oklahoma. Như vậy, đã có 4 chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles đợi lệnh ở Guam - trung tâm của chuỗi đảo thứ hai.

Ngày 18 tháng 4, tàu tuần duyên USS Freedom đến căn cứ hải quân Changi của Singapore, triển khai ở đó. Trước đó, quân Mỹ từng công bố sẽ sử dụng phương thức luân phiên triển khai nhiều nhất 4 tàu tuần duyên ở Singapore, chốt giữ ở eo biển Malacca - tuyến đường trọng yếu "cổ họng" vô vùng quan trọng này.

Trên thực tế, sau khi rút khỏi Afghanistan, quân Mỹ luôn chuyển lượng lớn tàu chiến và trang bị do thám tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có máy bay trinh sát điện tử EP-3, máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Hải quân.

Về Không quân, căn cứ Anderson ở Guam luôn được tăng cường triển khai máy bay ném bom chiến lược B-52, B-1B, B-2A, trong khi đó, máy bay do thám không người lái như Global Hawk, Fire Scout, thậm chí máy bay chiến đấu tàng hình F-35A vừa mới bàn giao cho Không quân Mỹ không lâu nữa cũng tới tấp "vỗ cánh" ở xung quanh Trung Quốc.

Máy bay trinh sát điện tử EP-3 của Hải quân Mỹ
Máy bay trinh sát điện tử EP-3 của Hải quân Mỹ

Về lực lượng mặt đất, Quân đoàn viễn chinh 1 của Lực lượng Thủy quân lục chiến và Sư đoàn bộ binh 25 của Lục quân rút từ Iraq và Afghanistan sẽ quay trở lại khu vực đóng quân tại khu vực chiến lược Thái Bình Dương cũ, Quân đoàn 1 Lục quân cũng muốn triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này sẽ tăng cường rất lớn sự hiện diện lực lượng tuyến đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Lui: Lực lượng đánh bộ ở Okinawa rút

Tháng 3 năm nay, theo tờ "Yomiuri Shimbun" Nhật Bản, Mỹ và Nhật Bản đã đạt được nhất trí cơ bản về sửa đổi kế hoạch sắp xếp lại quân Mỹ đóng tại Nhật Bản, Mỹ có kế hoạch bố trí phân tán một bộ phận lực lượng đặc nhiệm trên không-mặt đất (không-địa) của Thủy quân lục chiến (MAGTF) đồn trú ở Okinawa hiện nay, rút một phần binh lực tới Guam của chuỗi đảo thứ hai và cảng Darwin của Australia.

Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đồn trú ở Okinawa chủ yếu là lực lượng MAGTF có quy mô lớn nhất ngoài lãnh thổ Mỹ - Quân đoàn viễn chinh 3, khoảng 18.000-21.000 quân. Năm 2006, hai bên Mỹ-Nhật từng đạt được thỏa thuận, trong đó sẽ từng bước chuyển 8.000 quân gồm quân đoàn viễn chinh này và lực lượng chi viện tới Guam.

Căn cứ Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ tại Okinawa
Căn cứ Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ tại Okinawa

Kế hoạch tái điều chỉnh quân Mỹ đồn trú ở Nhật Bản sửa đổi sẽ thu nhỏ lực lượng đánh bộ chuyển tới Guam còn 4.700 quân. Đầu tháng 4, tốp 250 binh sĩ Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đến Darwin. Nhưng, Bộ Tư lệnh viễn chinh và lực lượng chủ lực của nó - Đơn vị viễn chinh 31 - lực lượng đặc biệt mặt đất-trên không (lục-không) với khoảng 10.000 quân tiếp tục ở lại Okinawa.

Đông Bình