Mỹ sẽ làm hết sức để làm yên lòng các đồng minh ở châu Á?

24/06/2013 07:29
Việt Dũng
(GDVN) - Bài báo cho rằng, mặc dù Mỹ đang thực hiện chiến lược mới đối với châu Á-Thái Bình Dương, nhưng còn nhiều khó khăn, được đồng minh "chia lửa".
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của quân Mỹ tại căn cứ quân sự ở Okinawa
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của quân Mỹ tại căn cứ quân sự ở Okinawa

Ngày 20 tháng 6, trang mạng "Nhật báo Phố Wall" Mỹ có bài viết cho rằng, mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhiều lần cam kết với các đồng minh châu Á rằng, sự cắt giảm ngân sách của Lầu Năm Góc sẽ không ảnh hưởng đến việc bảo vệ của Mỹ tại khu vực này, nhưng điều này cũng không thể loại bỏ được sự lo ngại của các nước đồng minh.

Bài báo còn chỉ ra, sự đầu tư cho sức mạnh hải quân của Trung Quốc ngày càng tăng lên, trong khi đó Mỹ lại tiếp tục giảm ngân sách, cục diện sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương rất có thể vì vậy mà thay đổi.

"Nhật báo Phố Wall" cho biết, khi đến thăm châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tìm cách loại bỏ mối lo ngại của các đồng minh, cho biết Mỹ cắt giảm 7% ngân sách quốc phòng, nhưng năng lực bảo vệ của Mỹ cho những nước này sẽ không vì vậy mà giảm xuống.

Khi đề cập đến việc Tổng thống Mỹ Barack Obama nghiêng về "điều chỉnh lại" "tái cân bằng" chiến lược châu Á, ông Hagel nói với các phóng viên rằng Mỹ đang toàn lực ứng phó, thực hiện "mỗi bước một biện pháp điều chỉnh lại tái cân bằng".

Nhưng, các đồng minh của Mỹ hoàn toàn không vì vậy mà yên tâm. Mặc dù Mỹ có thể triển khai lực lượng thủy quân lục chiến ở cảng Darwin miền bắc Australia đạt mục tiêu lâu dài là 2.500 quân, thì cũng chỉ có thể phát huy vai trò ở một tuyến đường hàng hải nhỏ hẹp (eo biển Malacca, eo biển Sund và eo biển Lombok) - tuyến đường này là con đường tất yếu phải đi qua giữa châu Á và châu Âu.

Báo Hoàn Cầu, Trung Quốc nói rằng nếu các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines hoặc Việt Nam nổ ra xung đột với Trung Quốc, vai trò của lực lượng này rất có hạn.

Biên đội máy bay ném bom B-52 và B-2 của Quân đội Mỹ
Biên đội máy bay ném bom B-52 và B-2 của Quân đội Mỹ

Tờ "Nhật báo Phố Wall" còn chỉ ra, số lượng hạm đội ở khu vực Thái Bình Dương của Mỹ hiện nay chỉ bằng một nửa khi kết thúc Chiến tranh Lạnh vào thập niên 1990. Hải quân Mỹ cho biết, hoàn thành tất cả các nhiệm vụ trên biển cần có hạm đội với 306 tàu chiến, trong khi đó Cơ quan ngân sách và Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ lại cho rằng chi phí đóng tàu theo nhu cầu "quá không thực tế".

Ngày 18 tháng 6, Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban sức mạnh trên biển của Ủy ban quân sự Hạ viện Mỹ đã nói với Viện nghiên cứu Hudson rằng: "Năm 2007, Hải quân Mỹ có thể đáp ứng 90% nhu cầu (tàu chiến) như yêu cầu của các chỉ huy quân Mỹ; nhưng năm nay, con số này giảm còn 51%".

Theo bài báo, so với Mỹ, tiến trình hiện đại quân sự của Trung Quốc ổn định. Căn cứ vào báo cáo trong tuần trước của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục chế tạo tên lửa tầm trung và tầm xa, tên lửa hành trình chống hạm và vũ khí không gian, năng lực quân sự mạng cũng đang tăng lên.

Đồng thời, máy bay chiến đấu của Trung Quốc đang được nâng cấp, 3 tàu ngầm kiểu tấn công đang chế tạo, tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh cũng bắt đầu biên chế. Nói ngắn gọn, các hệ thống vũ khí tiên tiến đang được Trung Quốc xây dựng đã có khả năng tấn công cự ly xa đối với các nước châu Á.

Tờ "Nhật báo Phố Wall" cho rằng, sự khác nhau trong đầu tư quân sự của Trung Quốc và Mỹ có thể cuối cùng làm thay đổi cân bằng sức mạnh ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Sự thay đổi này có thể gây xung đột quân sự, hoặc Mỹ ngầm thừa nhận sự lãnh đạo của Trung Quốc đối với khu vực này.

Đến năm 2020, Mỹ sẽ chuyển 60% tàu chiến tới khu vực Thái Bình Dương, 60% lực lượng không quân ở nước ngoài tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đến năm 2020, Mỹ sẽ chuyển 60% tàu chiến tới khu vực Thái Bình Dương, 60% lực lượng không quân ở nước ngoài tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bài báo cuối cùng chỉ ra, Mỹ cần tập trung đầu tư nhiều hơn cho tình hình an ninh châu Á. Nhưng, "điều chỉnh lại cục diện", "tái cân bằng" cần có sức mạnh, trong khi đó Mỹ đang gặp khó khăn. Các nhà lãnh đạo các nước châu Á cũng biết điều này, việc Nhật Bản tăng cường số lượng tàu ngầm (từ 16 chiếc lên 24 chiếc) đã phản ánh xu hướng.

Việt Dũng