Mỹ sử dụng cụm từ địa chiến lược mới "Ấn-Thái-Á châu”

24/03/2013 07:53
Đông Bình
(GDVN) - Báo Trung Quốc tỏ ra lo ngại Mỹ tiếp tục tăng cường can dự cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đồng thời đề xuất thái độ tiếp cận mới.
Hải quân Mỹ-Hàn tiến hành diễn tập quân sự liên hợp ở biển Hoàng Hải.
Hải quân Mỹ-Hàn tiến hành diễn tập quân sự liên hợp ở biển Hoàng Hải.

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, gần đây, trong một cuộc điều trần tại Quốc hội, Tư lệnh Chiến khu Thái Bình Dương Mỹ, Samuel J. Locklear bắt đầu sử dụng một “từ mới” về địa-chính trị để định nghĩa khu vực châu Á-Thái Bình Dương truyền thống: Ấn-Thái-Á châu (Indo Asia Pacific), tức là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – châu Á, so với trước, đã tăng cường tầm quan trọng của Ấn Độ Dương trong toàn bộ khu vực.

Theo bài báo, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương là một trong những lực lượng chức năng quan trọng nhất để Mỹ và Quân đội Mỹ xây dựng chính sách đối với Trung Quốc và đối với châu Á. Trong mấy chục năm qua, khu vực ảnh hưởng luôn được gọi là “khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Bài báo đặt vấn đề: Tại sao Quân đội Mỹ lại coi trọng thay đổi cách sử dụng từ ngữ mà thế giới đã quen dùng trong nhiều năm như vậy?

Bài báo dẫn một bản báo cáo được công bố năm 2012 của Trung tâm nghiên cứu quản lý khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đại học Adelaide, Australia cho biết, điều này chủ yếu là nhằm tập trung các nguồn lực an ninh và sức mạnh cứng truyền thống để công khai hoặc bí mật ứng phó với các nước đối tượng, đặc biệt là nhằm vào Trung Quốc.

Nhưng, Donnelly, quan chức phụ trách báo chí của Bộ Tư lệnh Chiến khu Thái Bình Dương Mỹ lại kiên quyết phủ nhận quân Mỹ áp dụng quan điểm mới để gạt bỏ Trung Quốc. Bà cho rằng, đây là vì thấy rõ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương không chỉ gồm có Thái Bình Dương, mà còn có Ấn Độ Dương.

Theo bài báo, cho dù thế nào thì quân Mỹ cũng đã quyết tâm tiến quân vào Ấn Độ Dương, đây là động thái quan trọng dịch chuyển chiến lược tới châu Á của Mỹ. “Đổi tên” cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương chỉ là một động thái tiếp theo nhấn mạnh đến vai trò, tầm quan trọng của Ấn Độ Dương, sau khi họ đã áp dụng một loạt hành động ở Ấn Độ Dương như nâng cấp Ấn Độ thành “đối tác hợp tác mới”, cải thiện quan hệ với Myanmar và bắt đầu đóng quân ở Australia. Châu Á có thể đã bước vào “thời đại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” như một số nhà quan sát dự đoán.

Đối với Trung Quốc, những bước tiến của Mỹ ở châu Á rất dễ được kết luận là Mỹ tiếp tục dồn ép không gian chiến lược của Trung Quốc và kiềm chế sự phát triển của họ, từ đó gây ra nhiều bất mãn và ngờ vực hơn cho Mỹ. Nhưng, nếu như Mỹ đã dốc nhiều nguồn lực như vậy ở châu Á, một số nước châu Á còn không ngừng thuyết phục Mỹ thường trú ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho thấy Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục hiện diện ở châu Á và Ấn Độ Dương.

Mỹ đã đưa lính thủy đánh bộ đến đồn trú ở Australia. Trong hình là lính thủy đánh bộ Mỹ tác chiến ở Afghanistan
Mỹ đã đưa lính thủy đánh bộ đến đồn trú ở Australia. Trong hình là lính thủy đánh bộ Mỹ tác chiến ở Afghanistan

Theo bài báo, việc sử dụng tư duy xót xa của “người bị hại” để chống lại chính sách của Mỹ sẽ tiếp tục tăng thêm tranh chấp cho quan hệ quân sự Trung-Mỹ. Bài báo đề xuất cách tiếp cận mới là, Trung Quốc “có thể mượn lực, dùng lực như chơi thái cực quyền”, thoát ra khỏi vòng lợi ích trước mắt, đứng ở một tư thế cao và hoan nghênh Mỹ trở thành nhân tố ổn định của “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương-châu Á”, đồng thời coi Ấn Độ Dương là địa bàn mới cho sự hợp tác quân sự song phương và hợp tác khu vực giữa Trung-Mỹ.

Bài báo nhấn mạnh, cho dù là để bảo vệ năng lượng và tuyến đường vận chuyển năng lượng trên biển quan trọng, hay bảo vệ an toàn cho ngày càng nhiều công dân Trung Quốc sinh sống và làm việc ở các nước Ấn Độ Dương, thì Trung Quốc đều có lợi ích kinh tế và an ninh không thể tranh cãi ở Ấn Độ Dương và các khu vực  xung quanh.

Bài báo cho biết, Hải quân Trung Quốc tiến hành hộ tống ở vịnh Aden đã bước vào năm thứ 5, chứng tỏ Trung Quốc đã có kinh nghiệm và khả năng gánh nhiều trách nhiệm hơn. Bài báo bình luận, nếu quân Mỹ thực sự không có ý đồ gạt bỏ Trung Quốc và tìm cơ hội hợp tác quân sự song phương thì họ sẽ không có lý do gì coi nhẹ sự hiện diện và lợi ích của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Tàu tuần duyên USS Freedom Hải quân Mỹ đã đến Hawaii trong hành trình đến Singapore để "chốt chặn" ở eo biển Malacca - tuyến đường hàng hải nối liền giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Tàu tuần duyên USS Freedom Hải quân Mỹ đã đến Hawaii trong hành trình đến Singapore để "chốt chặn" ở eo biển Malacca - tuyến đường hàng hải nối liền giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

So với biển Hoa Đông, biển Đông có tình hình căng thẳng hiện nay, Trung Quốc và Mỹ có tương đối ít vấn đề nhạy cảm ở khu vực Ấn Độ Dương, những thách thức chung mang tính chất “phi quân sự” như tấn công cướp biển, cứu trợ nhân đạo tương đối nhiều, có thể mở ra không gian mới để quân đội hai nước Trung-Mỹ, Trung Quốc và các cường quốc khu vực như Ấn Độ, Australia triển khai hợp tác an ninh.

Theo bài báo, nếu hợp tác thành công, Trung Quốc không chỉ có thể đánh bại ý đồ gạt bỏ Trung Quốc của “phe bảo thủ” Mỹ, tham gia vào cấu trúc an ninh mới của châu Á, điều quan trọng hơn là có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn – quan hệ quân sự Trung-Mỹ bị bao phủ bởi sự ngờ vực và chỉ trích, tăng cường khả năng hợp tác tích cực cho hai bên.

Bài báo cho rằng, hiện nay, những người ủng hộ ở Ấn Độ và Australia tích cực chủ trương để cho quân Mỹ có tiếng nói chính ở Ấn Độ Dương, do hai nước này đều có tính toán riêng. Nhưng, bài báo đặt vấn đề đầy ẩn ý rằng, là hai nước chủ yếu ven bờ Ấn Độ Dương, trong đó Ấn Độ có tham vọng trở thành nước lớn, cùng với việc mời Mỹ can dự vào khu vực, thì liệu hai nước này có cam chịu phục tùng sự chỉ huy của Mỹ trong các vấn đề của Ấn Độ Dương hay không?

Mỹ-Ấn tiến hành diễn tập quân sự liên hợp ở Tây Thái Bình Dương ngày 10/4/2011.
Mỹ-Ấn tiến hành diễn tập quân sự liên hợp ở Tây Thái Bình Dương ngày 10/4/2011.
Đông Bình