Mỹ thúc đẩy Nhật-Australia liên minh và phát huy vai trò lớn hơn

12/11/2014 08:49
Việt Dũng
(GDVN) - Nhật Bản đang thúc đẩy hợp tác kiểu liên minh như huấn luyện-diễn tập quân sự liên hợp, mua bán tàu ngầm tiên tiến... đằng sau có Mỹ thúc đẩy.
Hạm đội tàu sân bay Mỹ ở biển Nhật Bản (ảnh tư liệu minh họa)
Hạm đội tàu sân bay Mỹ ở biển Nhật Bản (ảnh tư liệu minh họa)

Tờ "Asahi Shimbun" Nhật Bản ngày 9 tháng 11 cho biết, Nhật Bản đang cân nhắc thúc đẩy "nhất thể hóa" giữa hai nước Nhật-Australia.

Theo bài báo, trước mắt, quân đội ba nước Nhật-Mỹ-Australia đang tổ chức huấn luyện quân sự liên hợp ở Miyagi. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản tổ chức huấn luyện quân sự liên hợp 3 nước ở trong nước.

Trong bối cảnh chính quyền của ông Shinzo Abe định vị hai nước Nhật-Australia là "gần như đồng minh", Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang xem xét điều Lực lượng Phòng vệ tham gia huấn luyện quân sự liên hợp quy mô lớn do Australia tổ chức, không chỉ thực hiện "nhất thể hóa" giữa hai nước Nhật-Mỹ, mà còn thúc đẩy "nhất thể hóa" giữa hai nước Nhật-Australia.

Huấn luyện quân sự cứu nạn liên hợp lần này có khoảng 15.000 quân tham gia, phía Australia đã cử 4 người trong đó có 1 trung tá tham gia. Khác với tình hình của hai nước Nhật-Mỹ, giữa Nhật-Australia chưa ký kết "hiệp định địa vị" với các nội dung như binh sĩ liên quan mang theo vũ khí, Australia chưa chính thức cử quân đội tham gia huấn luyện. Tuy nhiên, hai nước Nhật-Australia đã tổ chức tham vấn về vấn đề ký kết "hiệp định địa vị" từ tháng 7.

Thủ tướng Australia Tony Abbott và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Thủ tướng Australia Tony Abbott và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang xem xét cử Lực lượng Phòng vệ tham gia huấn luyện quân sự quy mô lớn do Mỹ-Australia tổ chức 2 năm 1 lần ở Australia. Cuộc huấn luyện lần tới dự định tổ chức vào khoảng tháng 6 năm 2015.

Hai nước Nhật Bản-Australia tăng cường hợp tác không chỉ giới hạn ở huấn luyện quân đội, mà còn, xuất khẩu tàu ngầm mới nhất của Lực lượng Phòng vệ Biển cũng là một phần của hợp tác này. Australia sẽ tiếp tục tổ chức đàm phán với phía Nhật Bản.

Theo bài báo, đằng sau việc thúc đẩy "nhất thể hóa" giữa Nhật Bản-Australia có ý đồ của Mỹ. Mỹ một mặt thúc đẩy thực hiện chiến lược “tái cân bằng” – tức coi trọng châu Á, một mặt yêu cầu các nước liên quan gánh vác một phần trách nhiệm do Mỹ cắt giảm chi phí quân sự.

Trong báo cáo giữa kỳ sửa đổi "Phương hướng hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ", Chính phủ hai nước Nhật-Mỹ nhấn mạnh, triển khai hợp tác với các đối tác khác trong khu vực "không thể thiếu đối với việc bảo vệ sự ổn định của toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, trong đó cũng đã cân nhắc tới Australia.

Tháng 6 năm 2014, Nhật Bản-Australia đạt được thỏa thuận về trang bị quốc phòng song phương.
Tháng 6 năm 2014, Nhật Bản-Australia đạt được thỏa thuận về trang bị quốc phòng song phương.
Việt Dũng