Mỹ vẫn đứng đầu về thực lực nếu xảy ra đại chiến tàu sân bay khu vực

29/08/2013 08:29
Đông Bình
(GDVN) - Chiến tranh tàu sân bay tương lai có thể mở màn ở Thái Bình Dương, chắc chắn có sự điều khiển và can dự của Mỹ.
Ngày 12 tháng 8 năm 2013, Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên INS Vikrant
Ngày 12 tháng 8 năm 2013, Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên INS Vikrant

Ngày 12 tháng 8, tàu sân bay nội địa đầu tiên INS Vikrant của Ấn Độ đã hạ thủy ở nhà máy Cochin, được các phương tiện truyền thông Ấn Độ tập trung đưa tin rầm rộ.

Mặc dù mức độ nội địa hóa của chiếc tàu sân bay này hoàn toàn không cao, nhưng Ấn Độ vẫn là quốc gia thứ năm có thể tự chế tạo tàu sân bay, kế tiếp Mỹ, Nga, Anh, Pháp. Đồng thời, dư luận thế giới không chỉ quan tâm đến việc tàu sân bay INS Vikrant hạ thủy, mà còn có nhiều suy đoán, cuộc đại chiến tàu sân bay trong tương lai có thể sẽ mở màn ở Thái Bình Dương.

Tờ "Nhật báo Vienna" Áo gần đây có bài viết nhan đề "Sự leo thang lớn quân bị Thái Bình Dương" cho rằng, các nước châu Á tới tấp mua sắm hoặc phát triển lực lượng hải quân, chế tạo tàu sân bay mới, khu vực châu Á đang trở thành khu vực tập trung tàu sân bay. Bài báo phân tích, khu vực châu Á một khi xảy ra va chạm quân sự đa quốc gia, có thể kích thích một cuộc đại chiến tàu sân bay ở Thái Bình Dương.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương tập trung tàu sân bay

Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những nước sở hữu tàu sân bay gồm có Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc. Nhật Bản, Hàn Quốc tuy không có tàu sân bay chính quy, nhưng sở hữu nhiều tàu đổ bộ và tàu khu trục trực thăng có thể gọi là "nửa tàu sân bay", những điều này đủ cho thấy các nước châu Á ở bờ tây Thái Bình Dương cũng đã bước vào thời đại tàu sân bay.

Nhưng, chuyên gia phân tích cho rằng, do điều kiện công nghệ hạn chế, hiện nay hải quân châu Á đều chỉ sử dụng tàu sân bay hạng trung và nhỏ, cũng không trang bị máy phóng như tàu sân bay cỡ lớn của phương Tây, điều này phần nào đã hạn chế hiệu quả tác chiến của chúng.

Biên đội tàu sân bay Viraat hiện có của Hải quân Ấn Độ.
Biên đội tàu sân bay Viraat hiện có của Hải quân Ấn Độ.

Nhìn vào hình dáng bên ngoài, tàu sân bay INS Viraat (Ấn Độ) có lượng giãn nước đầy 27.800 tấn và tàu sân bay Chakri Naruebet (Thái Lan) lượng giãn nước 11.000 tấn tương đối giống nhau, đều trang bị máy bay chiến đấu cất/hạ cánh thẳng đứng Harrier, đầu tàu có sàn tàu kiểu nhảy cầu; tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc và tàu sân bay Gorshkov mà Nga sắp bàn giao cho Ấn Độ có trọng tải lớn hơn, tuy đầu tàu cũng có sàn tàu bay kiểu nhảy cầu, nhưng chúng được trang bị máy bay cánh cố định cất/hạ cánh thông thường.

Hơn nữa, nhiều "nửa tàu sân bay" của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng hoàn toàn không thua kém tàu sân bay chính quy. Nhật Bản thông qua chế tạo tàu chiến cỡ lớn có đặc điểm bề ngoài như tàu sân bay đã nắm chắc công nghệ có liên quan đến tàu sân bay hạng nhẹ.

Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, Nhật Bản khởi công chế tạo 3 tàu đổ bộ lớp Osumi có lượng giãn nước đầy là 13.000 tấn. Loại tàu chiến cỡ lớn có đặc trưng tàu sân bay điển hình này có đường băng bay nối thẳng, bố trí ở đảo tàu phía bên phải, có phương tiện truyền thông cho rằng "tàu sân bay Nhật Bản đã quay trở lại". Ngày 6 tháng 8, tàu khu trục trực thăng Izumo của Nhật Bản hạ thủy, lượng giãn nước đầy là 27.000 tấn, đã vượt tàu sân bay của Italia, Tây Ban Nha và Anh.

Trên phương diện máy bay trang bị cho tàu sân bay, 2 tàu sân bay hiện có của Thái Lan và Ấn Độ có thể mang theo trên 10 máy bay chiến đấu, tàu sân bay Gorshkov Ấn Độ có thể mang theo 16 máy bay chiến đấu MiG-29K, trong khi đó tờ "Kanwa Defense Review" Canada cho rằng, trang bị máy bay tiêu chuẩn của tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc là 24 máy bay chiến đấu hạng nặng J-15.

Ngày 6 tháng 8, Nhật Bản hạ thủy tàu sân bay trực thăng Izumo
Ngày 6 tháng 8, Nhật Bản hạ thủy tàu sân bay trực thăng Izumo

Tàu đổ bộ Dokdo Hàn Quốc có thể đậu 10 máy bay trực thăng vận tải hạng trung, khi cần thiết cũng có thể tạm thời cất/hạ cánh máy bay trực thăng vũ trang phụ trách áp chế hỏa lực đối đất.

Kho chứa máy bay của tàu khu trục trực thăng lớp Hyuga Nhật Bản có thể chứa 11 máy bay trực thăng các loại, còn tàu Izumo có thể trang bị 14 chiếc. Về không gian kho chứa máy bay, có chuyên gia dự đoán, tàu sân bay trực thăng Izumo có thể mang theo 8-12 máy bay chiến đấu F-35B. Truyền thông suy đoán, trong tương lai, Nhật Bản, Hàn Quốc có thể nhập máy bay chiến đấu F-35B cho "nửa tàu sân bay".

Chạy đua vũ trang gây căng thẳng

Châu Á là một châu lục có diện tích lớn nhất, dân số nhiều nhất trong 7 châu lục, tiếp giáp Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vị trí địa lý ưu việt, các loại tài nguyên phong phú. Cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, các quốc gia duyên hải coi bảo vệ chủ quyền biển, mở rộng quyền lợi biển làm mục tiêu chiến lược.

Trên bản đồ hải dương rộng lớn, tranh chấp chủ quyền giữa các nước ngày càng tăng nhiều, bảo vệ an ninh các tuyến đường hàng hải, thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, phát triển sức mạnh hải quân trở thành động lực mới của chạy đua vũ trang châu Á.

Trang mạng "Đài tiếng nói nước Nga" cho rằng, các quốc gia biển của châu Á phát triển lực lượng quân sự, không chỉ không làm giảm tranh chấp quyền lợi biển giữa các nước, mà trái lại gây ra căng thẳng khu vực. Bài viết dẫn lời một học giả Nga cho rằng, cuộc chiến tranh đa quốc gia tiếp theo có lẽ được triển khai giữa các nước châu Á ở bờ tây Thái Bình Dương.

Tàu sân bay trực thăng hiện có lớp Hyuga của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Tàu sân bay trực thăng hiện có lớp Hyuga của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Sau khi lên cầm quyền, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không ngừng thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp hòa bình, đồng thời tích cực thị sát Lực lượng Phòng vệ. Ngày 20 tháng 6, hội nghị Cho, Yonaguni, tỉnh Okinawa chính thức thông qua nghị quyết, đồng ý dành toàn bộ mảnh đất khoảng 210.000 m2 của chính quyền Cho để Bộ Quốc phòng Nhật Bản xây dựng căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất.

Theo công bố của truyền thông, chỉ trong năm 2011 và năm 2012, Nhật Bản đã chi gần 10 tỷ USD cho Mỹ để mua vũ khí trang bị. Nhật Bản không những tiến hành nâng cấp, cải tạo đối với lực lượng quân sự trong nước, mà còn tiến hành viện trợ quân sự cho Philippines, nước có tranh chấp đảo với Trung Quốc, có ý đồ hình thành trục quốc gia cùng chống lại Trung Quốc.

Giữa Ấn Độ với nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc tồn tại xung đột lãnh thổ. Ấn Độ tuy là một nước lớn về Phật giáo, nhưng cũng là một nước lớn quân sự và nước lớn mua sắm vũ khí trang bị. Trong 5 nước nhập khẩu vũ khí lớn của thế giới, Ấn Độ xếp thứ nhất.

Đối với người Ấn Độ, Ấn Độ tuy không phải là nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhưng nhất định phải tranh làm một nước lớn nói năng có khí phách trên trường quốc tế, mà muốn làm được điểm này thì phải dựa vào "báng súng". Báo Trung Quốc vu cáo Ấn Độ đã "điên cuồng" về vũ khí trang bị, "đe dọa nghiêm trọng" đối với an ninh quốc gia của các nước láng giềng", đồng thời "gây ra chạy đua vũ trang đa quốc gia" (?).

Hải quân Ấn Độ chuẩn bị nhận bàn giao tàu sân bay INS Vikramaditya từ Nga
Hải quân Ấn Độ chuẩn bị nhận bàn giao tàu sân bay INS Vikramaditya từ Nga

Ngoài ra, CHDCND Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân và sản xuất vũ khí cũng được truyền thông rất chú ý, khu vực Đài Loan liên tục có những thông tin về mua sắm vũ khí, Israel tăng cường xây dựng sức mạnh quân sự sớm đã trở thành cường quốc quân sự quan trọng của châu Á..

Là nước lớn nhất châu Á, Trung Quốc luôn được truyền thông nước ngoài gọi là nước lớn quân sự và cho rằng Trung Quốc đang bí mật chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân. Những thông tin quân sự gây chú ý đặc biệt này của châu Á đủ để cho thấy "kèn lệnh" của một đợt chạy đua vũ trang mới đã vang lên.

Quân Mỹ vẫn là "đại ca dẫn đầu"

Mặc dù số lượng tàu sân bay của châu Á đang tăng lên, nhưng thực lực quân sự của bất cứ nước nào cũng không thể mạnh như thực lực quân sự của Mỹ triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, Mỹ cũng đã triển khai nhiều biên đội tàu sân bay ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Nói về thực lực quân sự, Mỹ chắc chắn là "đại ca dẫn đầu" độc nhất vô nhị ở khu vực này.

Cụm căn cứ của quân Mỹ ở Đông Bắc Á chủ yếu phân bố ở Nhật Bản và Hàn Quốc, những căn cứ này kiểm soát ba eo biển Soya, Tsugaru, Tsushima, có thể ứng phó chiến tranh trên bộ ở bán đảo Triều Tiên và chiến tranh trên biển ở tây bắc Thái Bình Dương, tạo thành một mắt khâu quan trọng nhất trong chuỗi đảo.

Tàu sân bay động cơ thông thường USS Kitty Hawk của Hải quân Mỹ
Tàu sân bay động cơ thông thường USS Kitty Hawk của Hải quân Mỹ

Hải quân Mỹ thường trú ở khu vực Đông Bắc Á, khi xảy ra chiến tranh có thể sử dụng 30 cảng, chứa hơn 1.300 tàu chiến các loại, lượng giãn nước khoảng 9,3 triệu tấn. Những căn cứ quan trọng nhất gồm có:

- Yokosuka: Nằm ở bờ vịnh Tokyo, tỉnh Kanagawa, cách Tokyo 50 km về phía tây nam, căn cứ rộng 234 ha, có 9.800 binh sĩ hải quân, là căn cứ lớn nhất của Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, cũng là căn cứ sửa chữa cỡ lớn duy nhất có thể sửa chữa tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương.

Yokosuka là nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, cảng chính của cụm chiến đấu tàu sân bay USS Kitty Hawk (CV 63), nơi đóng quân của tàu chỉ huy USS Blue Ridge, Hạm đội 7; đồng thời, Hạm đội 5 (lấy khu vực Trung Đông làm khu vực phòng thủ chính) sẽ cũng triển khai lực lượng tàu ngầm TF54 ở Yokosuka, vì vậy Yokosuka được mệnh danh là căn cứ mặc "hai chiếc giầy rơm" (Hạm đội 5, 7),  mặt hướng ra Thái Bình Dương và hướng tới Trung Đông.

- Sasebo: Nằm ở góc tây bắc đảo Kyushu, chiếm 405 ha. Căn cứ này là cảng chính của trung đội tàu chiến đổ bộ 11 và 6 tàu chiến, là căn cứ hải quân lớn thứ hai của Mỹ tại Nhật Bản, căn cứ duy nhất ở nước ngoài có thể triển khai lực lượng tàu chiến đổ bộ hàng năm, căn cứ xuất kích của tàu chiến đổ bộ kiểu tấn công, cũng là căn cứ bảo đảm hậu cần chủ yếu của lực lượng triển khai tuyến đầu của quân Mỹ.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS George Washington lớp Nimitz Hải quân Mỹ
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS George Washington lớp Nimitz Hải quân Mỹ

- Căn cứ hàng không hải quân Atsugi: Nằm ở khu vực cách Tokyo 35 km về phía tây nam, diện tích 486 ha, là căn cứ hàng không hải quân lớn nhất của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, triển khai liên đội máy bay chiến đấu tàu sân bay 5 của Mỹ, trang bị máy bay chiến đấu F-14 và máy bay tấn công chiến đấu F/A-18.

- Căn cứ hải quân Chinhae: Nằm ở đông nam Hàn Quốc, diện tích 34 ha, là một trong những căn cứ hải quân quan trọng nhất của Hải quân Mỹ ở Hàn Quốc, là nơi đóng Bộ Tư lệnh lực lượng Hải quân Mỹ đóng ở Chinhae.

Các căn cứ của Thủy quân lục chiến Mỹ bao gồm:

- Căn cứ Iwakuni nằm ở cực nam đảo Honshu, là nơi đóng quân của các đơn vị hàng không chủ lực như liên đội hàng không 1 thủy quân lục chiến, đại đội chi viện hậu cần 3, đơn vị viễn chinh thủy quân lục chiến 3; trang bị máy bay chiến đấu tấn công F/A-18 và máy bay tấn công AV-8B, hiện có 3.200 binh sĩ đánh bộ.

- Cụm căn cứ Okinawa: Nằm ở nơi xung yếu giao thông trên biển của Đông Á, đóng 25.000 quân Mỹ, chiếm hơn 1 nửa số lượng quân Mỹ đóng tại Nhật Bản; doanh trại lực lượng đánh bộ Butler gồm có 5 doanh trại và 1 trạm hàng không lực lượng đánh bộ, triển khai đơn vị viễn chinh lục chiến 3 (gồm liên đội hàng không lục chiến 1, sư đoàn lục chiến 3, đại đội chi viện hậu cần 3) và bộ tư lệnh căn cứ hạm đội Okinawa, có khoảng 20.000 binh sĩ lục chiến và hải quân.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22A tại căn cứ quân Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22A tại căn cứ quân Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản

Các căn cứ không quân của quân Mỹ gồm có:

- Căn cứ Yokota Nhật Bản: Căn cứ này là nơi đóng quân Bộ Tư lệnh quân Mỹ đóng tại Nhật Bản, hiện có 3.600 binh sĩ không quân, nơi đóng bộ tư lệnh đội hàng không 5, liên đội vận tải hành khách 374 của Không quân, đã trang bị máy bay vận tải C-130, đường băng sân bay dài 3.355 m.

- Căn cứ Kadena – Okinawa: Căn cứ này nằm ở phía tây nam đảo Okinawa, là căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở khu vực Viễn Đông, diện tích gần 20 km2, chủ yếu triển khai đội hàng không 5 và liên đội hàng không 18 của Không quân Mỹ, triển khai 3 trung đội máy bay chiến đấu F-15, 1 trung đội máy bay cảnh báo sớm và 8 máy bay tiếp dầu trên không, hiện có hơn 9.000 quân.

- Căn cứ Misawa nằm ở khu vực cách Tokyo 644 km về phía đông bắc, có 3.600 nhân viên không quân, đóng liên đội máy bay chiến đấu 35 Không quân, trung đội máy bay tuần tra trên biển Hải quân và phân đội tình báo quân Mỹ.

- Căn cứ Osan Hàn Quốc nằm ở khu vực cách Seoul 61,4 km về phía nam, chiếm 634 ha, là nơi đóng quân của bộ tư lệnh đội hàng không 7 và liên đội máy bay chiến đấu 51 của Không quân Mỹ, trang bị máy bay chiến đấu F-16, máy bay tấn công A10 và máy bay trinh sát U-2, có 6.752 binh sĩ không quân.

- Căn cứ Kunsan nằm ở thành phố Kunsan bờ biển phía tây Hàn Quốc, là nơi đóng quân của liên đội máy bay chiến đấu 8 của Không quân Mỹ, có 2.650 binh sĩ không quân, trang bị máy bay chiến đấu F-16.

Máy bay do thám chiến lược U-2 của Không quân Mỹ
Máy bay do thám chiến lược U-2 của Không quân Mỹ

Căn cứ Guam nằm ở cực nam quần đảo Mariana của Mỹ, là căn cứ hải, không quân lớn nhất của quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Ở đây cách eo biển Đài Loan, Biển Đông, bán đảo Triều Tiên đều khoảng 3.000 km, xưa nay là nơi phải tranh đoạt của nhà binh.

Căn cứ không quân chủ yếu nhất ở đây là căn cứ không quân chiến lược Anderson. Căn cứ này là nơi đóng quân của bộ tư lệnh đội hàng không 13 của Không quân Mỹ, triển khai đội hàng không 13, chi đội chi viện cơ động trên không 634 Không quân và trung đội chi viện chiến đấu máy bay trực thăng 5 Hải quân; là trung tâm chỉ huy, căn cứ tuyến đầu của không quân chiến lược Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Hiện nay, căn cứ không quân Anderson đã triển khai 64 quả tên lửa hành trình (trang bị cho máy bay), có thể bao trùm toàn bộ châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời triển khai 15 máy bay ném bom B-52. Căn cứ này chứa được nhiều nhất 150 máy bay ném bom B-52. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, căn cứ không quân Anderson cũng là nơi đóng quân của lực lượng máy  bay ném bom hạng nặng.

Căn cứ hải quân ở Guam có căn cứ tàu ngầm hạt nhân chiến lược hải quân Apra (căn cứ tàu ngầm hạt nhân duy nhất của quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, cũng là căn cứ sửa chữa, tiếp tế, neo đậu, nghỉ ngơi của tàu ngầm Hạm đội 5, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ), trạm hàng không hải quân Agana (có thể chứa 180 máy bay, là căn cứ trinh sát và săn ngầm chủ yếu của lực lượng hàng không Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, đồng thời còn cung cấp bảo đảm cho máy bay tàu sân bay và máy bay Hải quân).

"Pháo đài bay" B-52H tại căn cứ Anderson, Guam
"Pháo đài bay" B-52H tại căn cứ Anderson, Guam

Ngoài ra, Hải quân Mỹ thiết lập trạm kiểm soát mặt đất ở Guam, dựa vào cáp điện ở đáy biển và biện pháp thông tin vệ tinh, duy trì liên hệ với tàu chiến ở Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, bảo đảm hoạt động chỉ huy của Lầu Năm Góc và Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

Ngoài ra, quân Mỹ còn xây dựng nhiều căn cứ Lục quân ở Nhật Bản, Hàn Quốc.

Cùng với việc Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, dịch chuyển chiến lược về hướng Đông, đấu đá chiến lược, đấu đá quân sự ở khu vực châu Á phần lớn đều có nhân tố Mỹ. Có thể nói, trong một khoảng thời gian rất dài, Mỹ dựa vào sức mạnh quân sự mạnh của họ, nắm "van tổng" của chiến tranh ở châu Á-Thái Bình Dương. Trong tương lai, một khi xảy ra đại chiến tàu sân bay, Mỹ ở bờ đông Thái Bình Dương sẽ không cam chịu chỉ làm một khán giả, mà là rất muốn làm một người điều khiển và can dự.

Hạm đội tàu sân bay Mỹ ở Tây Thái Bình Dương
Hạm đội tàu sân bay Mỹ ở Tây Thái Bình Dương
* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook
Đông Bình