Nếu đàm phán với Mỹ “bất thành” Nga sẽ dùng Iskander

23/11/2011 09:21
Trịnh Xuân Tuân (Theo RIA)
(GDVN) - Nga sẽ triển khai tại Krasnodar, Belarus hệ thống tên lửa Iskander nếu các cuộc đàm phán về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu bị phá vỡ.

Trước đây, Iskander đã được triển khai ở khu vực Kaliningrad gần biên giới với Ba Lan.

Người đứng đầu Quân đội Liên bang Nga Anatoly Serdyukov khẳng định rằng: "Điều này sẽ cho phép chúng ta tránh khỏi mối đe dọa nhằm vào kho vũ khí hạt nhân chiến lược trong trường hợp Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa gần biên giới Liên bang Nga".

Anatoly Serdyukovn cũng cho biết các biện pháp quân sự - kỹ thuật để thực hiện điều này bao gồm việc tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa chiến thuật, đặc biệt là phòng thủ không gian, cũng như tăng cường hệ thống cảnh báo sớm.

Hãng tin Interfax của Nga cho hay quân đội nước này còn xây dựng các trạm radar để để chế áp các đài radar của Hoa Kỳ.

Trong một cuộc họp với chỉ huy sư đoàn 58 đóng tại Vladikavkaz - thủ phủ của Cộng hòa Bắc Ossetia-Alania, Nga, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói rằng phản ứng của Nga trước việc Mỹ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu là "hợp lý và đầy đủ", tất nhiên khả năng đàm phán không phải là đóng cửa hoàn toàn.

"Chúng ta phải đưa ra quyết định nào đó, và sẽ sớm được công bố. Tôi và các bạn có thể chắc chắn rằng hành động trên của chúng ta là hợp lý và đầy đủ, tuy nhiên việc thảo luận thêm về tình hình phòng thủ tên lửa ở châu Âu với các nước thuộc liên minh Bắc Đại Tây Dương chưa kết thúc." - RIA Novosti trích lời Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.

Nếu đàm phán với Mỹ “bất thành” Nga sẽ triển khai tên lửa tàng hình Iskander
Nếu đàm phán với Mỹ “bất thành” Nga sẽ triển khai tên lửa
tàng hình Iskander

Iskander là một loại tên lửa đạn đạo, tuy nhiên quỹ đạo của loại tên lửa tàng hình này lại không thuần tuý là quỹ đạo kiểu đường đạn mà có đường bay rất khó dự đoán. Sau khi phóng và trong quá trình bay, tên lửa luôn cơ động rất nhanh và linh hoạt.

Phần lớn quỹ đạo bay  của tên lửa cách mặt đất gần 50 km nên tên lửa  rất khó bị đối phương theo dõi và tiêu diệt. Các chuyên gia cũng thùa nhận rằng hiện chỉ có tên lửa đường đạn chiến lược Topol-M mới đủ sức sánh ngang với Iskander ở khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện đại.

Tên lửa Iskander được phóng đến mục tiêu có thể mang nhiều kiểu đầu đạn khác nhau, như: đầu đạn cát xét (chứa tới 54 quả đạn con), đầu đạn nổ phá, đạn xuyên thép và các đầu đạn dạng đặc biệt khác. Tên lửa có độ chính xác rất cao nhờ hệ thống dẫn đường tiên tiến. Ngoài ra Iskander có thể  kết nối dẫn đường nhờ hệ thống định vị toàn cầu của Nga GPS/GLONASS.

Tổ hợp tên lửa Iskander sử dụng xe phóng kiểu МАЗ-7930 hoặc БАЗ-6909. Đây là kiểu xe tự hành bánh hơi, 8 bánh, trọng lượng toàn bộ 42 tấn, có thể chở tải tới 19 tấn, vận tốc có thể đạt 70km/h, dự trữ hành trình 1.000km. Ngoài ra, trên mỗi bệ phóng cơ động được bố trí 2 tên lửa.

Trịnh Xuân Tuân (Theo RIA)