"Nếu họ vào vùng biển Việt Nam chúng tôi sẽ xua đuổi ngay"

07/08/2011 00:30
Thực tế trong thời gian qua, một số tàu lớn của Trung Quốc xuất hiện trên vùng biển của Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên của báo điện tử Dân trí ngày 6/8, Thiếu tướng - Chính ủy Cục Cảnh sát biển Việt Nam Bùi Sĩ Trinh cho biết, chiếc máy bay đầu tiên được cảnh sát biển nghiệm thu hợp đồng sẽ bay sang Thụy Điển lắp thiết bị tuần thám và năm 2012 mới về Việt Nam.

Sẽ có nhiều máy bay và tàu lớn

Gần đây có thông tin Cảnh sát biển Việt Nam đã tiếp nhận máy bay tuần thám đầu tiên từ phía Tây Ban Nha. Bao giờ thì máy bay chính thức về Việt Nam, thưa ông?


Đoàn chúng tôi có sang Tây Ban Nha nghiệm thu hợp đồng số một và đã bay thử. Chiếc máy bay này còn phải đưa sang Thụy Điển lắp các thiết bị tuần thám. Năm 2012, mới chính thức tiếp nhận từ Tây Ban Nha về Việt Nam. Trước mắt sẽ đặt ở Hà Nội.

Thiếu tướng - Chính ủy Cục Cảnh sát biển Việt Nam Bùi Sĩ Trinh
Thiếu tướng - Chính ủy Cục Cảnh sát biển Việt Nam Bùi Sĩ Trinh

Ngoài việc mua máy bay, kế hoạch hiện đại hóa trang thiết bị của lực lược Cảnh sát biển được thực hiện thế nào thưa ông?
Đáp ứng xu hướng hiện đại của thế giới và khả năng kiểm soát vùng biển chúng tôi đang tiếp tục trang bị những thiết bị cần thiết. Chúng tôi đang xây dựng dự án mới cho giai đoạn 2012 - 2020.

Để đáp ứng được chức năng, nhiệm vụ, kế hoạch giai đoạn này Cảnh sát biển sẽ có thêm nhiều máy bay và tàu lớn hơn. Khi đó chúng tôi sẽ hoạt động dài ngày hơn trên những vùng biển xa.
 
Đã xua đuổi tàu Ngư chính Trung Quốc

Thực tế, ngư dân Việt Nam vẫn bị tàu nước ngoài đe dọa tính mạng và tài sản khi đánh bắt trên vùng biển chủ quyền. Có thiết bị hiện đại Cảnh sát biển Việt Nam sẽ sử dụng thế nào để bảo vệ họ?

Bảo vệ ngư dân là nhiệm vụ của tất cả các lực lượng, Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cả địa phương. Khi phát hiện ngư dân bị tàu nước ngoài có những hành động làm ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng trong tọa độ thuộc vùng biển Việt Nam, chúng tôi sẽ báo cáo bộ và trực tiếp đến tọa độ đó để ứng cứu ngư dân.
 
Nhiệm vụ quan trọng nhất của việc mua máy bay là tăng cường khả năng kiểm soát vùng biển. Nếu như trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên biển hoặc đang trực neo đậu ở khu vực tàu ngư dân gặp nạn nhận được tin chắc chắn Cảnh sát biển sẽ có mặt để giải quyết. Tinh thần của chúng tôi, cứu dân là mệnh lệnh trái tim, là nhiệm vụ của mình.

Nhiều người cho rằng ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam thì chúng ta xử lý quá nhẹ. Trong khi đó, ngư dân Việt Nam luôn bị nước ngoài xử rất nặng khi có hành vi tương tự. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Vừa qua nước ngoài quản lý theo chính sách mới của họ rất khắt khe, phải nói là nếu so với ta thì quá nặng. Thậm chí trong chính sách của họ còn có việc xử tù thuyền trưởng, một số nước còn đốt, đánh chìm tàu.

Đối với tàu nước ngoài chúng tôi chủ yếu dùng biện pháp xua đuổi và giải thích rõ việc họ đánh cá là xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Nếu vi phạm sẽ quay phim, chụp ảnh, lập biên bản rồi phóng thích để sau này có tài liệu, quá trình làm ngoại giao sẽ phản ánh. Những việc mình làm có căn cứ, từng bước chứ mình không làm quá nặng như một số nước.

Năm 2012, máy bay sẽ về Việt Nam
Năm 2012, máy bay sẽ về Việt Nam

Tuy nhiên, những trường hợp vi phạm nghiêm trọng vẫn phải xử lý. Nếu tàu nước ngoài đánh bắt hải sản hoặc đi vào trong vùng biển của Việt Nam như vùng đặc quyền kinh tế, vùng tiếp giáp, vùng lãnh hải và bên trong đường cơ sở nội thủy thì chúng tôi nhắc nhở xua đuổi.

Trường hợp không nghe mà vi phạm nghiêm trọng chúng tôi sẽ lập biên bản bắt giữ, đưa về cảng của Cảnh sát biển xác minh rõ các yếu tố vi phạm và xử phạt hành chính. Từng có trường hợp 1 tàu cá Trung Quốc chúng tôi xử phạt đến 500 triệu đồng. Đối tượng cũng nhận thức cái sai, chưa có trường hợp nào chống đối.

Thực tế trong thời gian qua, một số tàu lớn của Trung Quốc xuất hiện trên vùng biển của Việt Nam. Đã bao giờ Cảnh sát biển phải đối mặt với họ chưa, phản ứng như thế nào với những trường hợp này?

Nếu họ vào vùng biển Việt Nam chúng tôi sẽ xua đuổi ngay. Và thực tế chúng tôi đã xua đuổi một số tàu lớn của nước ngoài, như Tàu Ngư chính Trung Quốc. Kể cả tàu Hải Giám Trung Quốc nếu họ vào vùng biển của Việt Nam thì trách nhiệm chúng tôi vẫn xua đuổi.
Nói chung khi thấy tàu nước ngoài mình sẽ đến để thông báo cho họ rõ đây là vùng biển Việt Nam và đề nghị họ ra khỏi vùng biển.
 
Xin cảm ơn ông!

{iarelatednews articleid='9788,9814,9783,9766,9832,9798,9657,9603,9755,9732,9375,9307,9310,9208,9200,9216,9211,8921'}

Theo Quang Phong/Dân Trí

"Nếu họ vào vùng biển Việt Nam chúng tôi sẽ xua đuổi ngay" ảnh 3