"Nếu không có Mỹ thì Trung-Nhật đã sớm xảy ra chiến tranh"

07/02/2014 09:25
Việt Dũng
(GDVN) - Truyền thông Trung Quốc đã ra sức tuyên truyền đẩy căng thẳng Trung-Nhật lên cao, nhưng hai bên có thể đang nghiên cứu khả năng bí mật thỏa thuận hòa bình.
Lực lượng đoạt đảo bí mật của Nhật Bản
Lực lượng đoạt đảo bí mật của Nhật Bản

Trang mạng Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 30 tháng 1 có bài viết cho rằng, truyền thông nhà nước Trung Quốc ra sức tuyên truyền Nhật Bản liên tục gây ra sự cố trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, làm leo thang căng thẳng quân sự, có khả năng dễ dàng bùng phát chiến tranh bất cứ lúc nào, nhưng các cựu quan chức lâu năm của Mỹ cho rằng, mặc dù khả năng và sự hiện diện quân sự của hai bên Nhật Bản và Trung Quốc thực sự đang không ngừng gia tăng, xử lý không ổn thỏa có khả năng gây ra xung đột quân sự, nhưng do sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này, khả năng bùng phát chiến tranh rất thấp.

Bài viết cho rằng, gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc không e ngại tuyên truyền Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản muốn đưa ra sổ tay ứng phó - buộc máy bay Trung Quốc phải hạ cánh khi xâm nhập bầu trời đảo Senkaku, hầu như xung đột quân sự Trung-Nhật có khả năng bùng phát rất lớn.

Nhưng, tại một cuộc hội thảo có liên quan đến việc làm thế nào ngăn ngừa tình hình căng thẳng quân sự Trung-Nhật leo thang tổ chức tại New York, cựu chủ nhiệm các vấn đề Đông Á thuộc Ủy ban an ninh quốc gia Mỹ, ông Jefferey A. Bader nói, thực ra hai bên đều không muốn xảy ra chiến tranh. Ông nói: "Tôi từng nói chuyện với rất nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc và Nhật Bản, tôi cho rằng trong họ không có bất cứ ai muốn đánh nhau".

Nhưng, va chạm giữa hai bên Trung-Nhật ở khu vực này thực sự không ngừng gia tăng, hơn nữa dư luận của hai bên cho thấy, phần lớn người dân nước họ không thích đối phương.

Mặc dù như vậy, người phụ trách chương trình châu Á và Nhật Bản thuộc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế Mỹ, cựu chủ nhiệm các vấn đề châu Á thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ, ông Michael Green vẫn cho rằng, do sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này, khả năng Trung-Nhật nổ ra chiến tranh rất thấp.

Michael Green nói: "Quay lại để nói, điều này phải chăng có nghĩa là sẽ có một cuộc chiến tranh? Tôi nói khả năng rất thấp, cho dù khả năng xảy ra một sự cố hoặc sự kiện tương tự cũng rất thấp, như tất cả nguyên nhân mà Jefferey A. Bader nói, còn do sức mạnh và sự hiện diện của bản thân chúng ta".

Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, trợ lý Ngoại trưởng từng phụ trách các vấn đề Đông Á trong Bộ Ngoại giao, ông Lord  đã đưa ra khả năng giữa Trung-Nhật đạt được thỏa thuận bí mật để đổi lấy hòa bình liên quan đến tranh chấp lãnh thổ đảo Senkaku. Ông thậm chí cho rằng, tình hình này có khả năng đang xảy ra, tuy trong tình hình hiện nay ông rất nghi ngờ khả năng này.

Sơ đồ tác chiến đoạt đảo của Nhật Bản
Sơ đồ tác chiến đoạt đảo của Nhật Bản

Lord nói, mỗi bên bày tỏ lập trường kiên trì của mình, ông Shinzo Abe nói với nhân dân Nhật Bản, ông không thay đổi lập trường trừ phi Nhật Bản có được bảo đảm trước của Trung Quốc, trên thực tế họ sẽ giảm tuần tra và thăm dò, trên thực tế sẽ tạo ra một môi trường hòa bình hơn.

Nhưng, các chuyên gia tham dự hội nghị đều cho rằng, hiện nay, khả năng này không lớn. Theo Michael Green, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Nhật Bản đều đang nghiên cứu khả năng này. Ông cho rằng, tuy hiện nay không thể, nhưng cho dù tiến hành nghiên cứu cũng có thể có tác dụng giảm căng thẳng.

Jefferey A. Bader cho rằng, thông tin ông có được từ Nhật Bản là, bất kể ngôn từ có khéo léo thế nào, ông Shinzo Abe đều sẽ không đồng ý, mục tiêu của ông ấy là quay trở lại trạng thái trước đây.

Nhà nghiên cứu các vấn đề quốc tế Đại học Stanford, cựu đại sứ Mỹ tại Afghanistan Karl Eikenberry cho rằng, điều quan trọng hiện nay là phải cố gắng nhanh chóng tìm được một phương pháp làm cho tranh chấp này giữa Trung-Nhật phi quân sự hóa, bởi vì hiện trạng quá nguy hiểm.

Lực lượng tinh nhuệ WAIR của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản tiến hành diễn tập tác chiến bí mật tại Mỹ
Lực lượng tinh nhuệ WAIR của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản tiến hành diễn tập tác chiến bí mật tại Mỹ

Karl Eikenberry cho rằng, chính sách của Trung Quốc thay đổi rất nhanh: "Đúng, anh có thể nói anh đã bỏ qua ông ấy (Shinzo Abe), sau đó, tuần tiếp theo, sự việc đã thay đổi, họ lại nói chuyện với ông ấy". Ông cho rằng, Trung Quốc cần định ra một ngữ điệu với Shinzo Abe, để hai bên ngồi xuống đóng cửa đàm phán nghiêm túc.

Việt Dũng