New York Time: Một số nước Đông Nam Á sẽ vĩnh viễn không mua vũ khí TQ

03/11/2013 08:56
Đông Bình
(GDVN) - Đa số các nước Đông Nam Á mua vũ khí của TQ phần lớn là quyết định chính trị, chứ ít vì nhu cầu quân sự; TQ có thể gây chạy đua vũ trang khu vực.
Vũ khí Trung Quốc trong Lễ duyệt binh của Myanmar.
Vũ khí Trung Quốc trong Lễ duyệt binh của Myanmar.

Tờ "Thời báo New York" gần đây đăng bài viết của tác giả Richard A. Britzinger. Theo bài viết, Trung Quốc đang từng bước phát triển thành nước lớn xuất khẩu hệ thống vũ khí. Thị trường vũ khí toàn cầu xưa nay do số ít quốc gia (phần lớn là phương Tây) như Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Israel lũng đoạn, độc quyền. Đến nay, Trung Quốc có thể cung cấp vũ khí giá rẻ, gây một số cạnh tranh nghiêm trọng cho nhóm các nước này.

Gần đây, Trung Quốc đạt được một số thành quả trong xuất khẩu vũ khí, đứng vào hàng top 5 những nước xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới, kim ngạch giao dịch vũ khí bình quân hàng năm là 2 tỷ USD. Ngoài ra, Trung Quốc còn mở hướng phát triển tới nhóm khách hàng cũ như Nam Á và châu Phi, bắt đầu xâm nhập thị trường mới Mỹ Latinh và Trung Đông.

Nhưng hiện nay nói Trung Quốc đã là nhân vật chính mới của thương mại vũ khí toàn cầu có lẽ hơi sớm. Vị thế nước xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc vẫn không vững chắc, đặc biệt là về bán hệ thống khoa học công nghệ cao, như máy bay chiến đấu tốc độ siêu âm, tàu ngầm và vũ khí dẫn đường chính xác.

Xe tăng chiến đấu VT1A là phiên bản cải tiến của MBT2000, do Trung Quốc chế tạo, dùng để xuất khẩu.
Xe tăng chiến đấu VT1A là phiên bản cải tiến của MBT2000, do Trung Quốc chế tạo, dùng để xuất khẩu.

Trước hết, đa số đơn đặt hàng vũ khí lớn của Trung Quốc vẫn giới hạn ở số ít quốc gia, đặc biệt là Pakistan và Bangladesh. Năm 2012, hai nước này chiếm gần 1 nửa toàn bộ xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh có thể giữ được khách hàng mới hay không, hiện vẫn còn chưa rõ. Chẳng hạn, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu thế kỷ này, Myanmar đã mua rất nhiều vũ khí Trung Quốc, nhưng mấy năm gần đây đã giảm mạnh.

Ngoài ra, vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc hầu hết thuộc trang bị cấp thấp, như xe bọc thép hạng nhẹ, pháo/đại bác và tàu tuần tra. Rất nhiều hệ thống cấp cao của nước này như máy bay chiến đấu J-10 và Kiêu Long rất ít nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu.

Mặc dù tồn tại những điểm hạn chế nếu trên, Bắc Kinh vẫn đang ngày càng tích cực thúc đẩy tiêu thụ vũ khí trên thị trường thế giới, điều này có thể gây ảnh hưởng tới quyết sách mua sắm vũ khí của Đông Nam Á. Không ít quốc gia ASEAN đã mua một số vũ khí của Trung Quốc. Ngoài Myanmar, Campuchia và Malaysia mua tên lửa phòng không của Trung Quốc, Lào mua máy bay trực thăng và máy bay vận tải hạng nhẹ, Đông Timor đã mua tàu tuần tra cỡ nhỏ...

Máy bay chiến đấu J-10 của Không quân Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-10 của Không quân Trung Quốc

Đằng sau những hoạt động mua sắm này có thể là các nước ASEAN đang chịu sức ép ngày càng lớn, họ mua nhiều vũ khí hơn từ Bắc Kinh nhằm trấn an quyền lực ngày càng tăng của Bắc Kinh ở châu Á, đồng thời ngăn chặn Mỹ giảm sự hiện diện ở khu vực.

Đối với đa số các nước Đông Nam Á, mua vũ khí của Trung Quốc vẫn phần nhiều là quyết định chính trị, chứ ít vì nhu cầu quân sự. Trong khi đó, một số nước ASEAN khác, nhất là Philippines, Singapore, Việt Nam ... có thể vĩnh viễn sẽ không mua vũ khí của Trung Quốc.

Trung Quốc dần dần trở thành nước lớn sản xuất và xuất khẩu vũ khí, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng ngày càng rộng lớn đối với Đông Nam Á. Phương Tây không sẵn lòng xuất khẩu một số vũ khí tiên tiến, theo đó, Trung Quốc có thể trở thành nước cung ứng thay thế, vì vậy có thể phá vỡ cân bằng quân sự khu vực.

Ngoài ra, Bắc Kinh sẵn sàng bán các loại vũ khí, có thể sẽ tạo thêm một biến số mới cho thị trường vũ khí ASEAN, thậm chí gây ra chạy đua vũ khí khu vực. Tóm lại, cùng với việc Trung Quốc trở thành nước cung ứng vũ khí ngày càng tiên tiến, an ninh khu vực có thể trở nên ngày càng không thể dự đoán.

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FC-1 Kiêu Long (JF-17 Thunder) do Trung Quốc-Pakistan hợp tác sản xuất.
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FC-1 Kiêu Long (JF-17 Thunder) do Trung Quốc-Pakistan hợp tác sản xuất.
Hệ thống tên lửa đa nòng dẫn đường tầm xa WS-2 của Trung Quốc
Hệ thống tên lửa đa nòng dẫn đường tầm xa WS-2 của Trung Quốc
Xe tăng chiến đấu MBT-2000 do Trung Quốc sản xuất.
Xe tăng chiến đấu MBT-2000 do Trung Quốc sản xuất.
Máy bay chiến đấu J-7M của Không quân Myanmar, mua của Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-7M của Không quân Myanmar, mua của Trung Quốc
Đông Bình