BÁO TRUNG QUỐC:

Nga - Ấn đùn đẩy trách nhiệm trong hợp đồng vũ khí

24/12/2011 07:52
Đông Bình (Theo báo Phương Đông)
(GDVN) - Mặc dù Nga muốn chuyển trọng điểm bán vũ khí cho Ấn Độ, bù đắp cho tổn thất từ thị trường Trung Quốc, nhưng Nga-Ấn lại có rất nhiều bất đồng.

Theo mạng tin tức công nghiệp quốc phòng Nga, gần đây tạp chí “Quan chức Ngoại giao” Nhật Bản đã có bài viết cho rằng, Ấn Độ từng bước thay thế Trung Quốc trở thành nước lớn nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Nga ngày càng hy vọng có thể bán được nhiều hơn vũ khí trang bị cho Ấn Độ để bù đắp sự tổn thất từ thị trường Trung Quốc, giảm ảnh hưởng do xuất khẩu cho Trung Quốc giảm mạnh.

Bài báo cho rằng, sau khi Ấn Độ thay thế Trung Quốc trở thành nước lớn nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Nga ngày càng coi trọng xuất khẩu vũ khí cho Ấn Độ, hy vọng xuất khẩu được nhiều vũ khí hơn với kim ngạch lớn, để bù đắp tổn thất từ sự thu hẹp rất nhanh của thị trường Trung Quốc.

Nga-Ấn hợp tác sản xuất tên lửa hành trình BrahMos
Nga-Ấn hợp tác sản xuất tên lửa hành trình BrahMos

Tuy thị trường Ấn Độ vẫn có tương đối nhiều cơ hội đối với các nhà sản xuất vũ khí Nga, nhưng hai nước hoàn toàn không thể tìm được tiếng nói chung, mâu thuẫn và bất đồng vẫn thường xuyên xuất hiện.

Các nhà cung ứng vũ khí Nga đã bảo đảm gần 2/3 nhu cầu nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ. Nhìn vào tình hình trên các phương diện, trong vài năm tới, Nga vẫn là đối tác lớn nhất của Ấn Độ trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng. Hai nước chiện đã ký hợp đồng mới hơn 1 tỷ USD.

Nhưng cùng với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các công ty sản xuất vũ khí phương Tây, cộng với kinh nghiệm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới của công nghiệp quốc phòng Ấn Độ có kinh nghiệm không ngừng tăng lên, trong tương lai quy mô nhập khẩu vũ khí Nga của Ấn Độ chắc chắn sẽ giảm xuống.

Nga giúp Ấn Độ cải tiến máy bay vận tải An-32
Nga giúp Ấn Độ cải tiến máy bay vận tải An-32

Trong nhiều năm qua, chính phủ Ấn Độ luôn muốn tăng cường sức mạnh của các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng trong nước, nghiên cứu chế tạo nhiều hơn vũ khí nội địa phức tạp hơn, hiện đại hơn.

Trong quá trình này, nhà cầm quyền Ấn Độ đã buộc các công ty Nga và nước khác bán ngày càng ít các hệ thống hoàn thiện, mà thay thế vào đó là ngày càng nhiều các chương trình nghiên cứu chế tạo chung, chuyển nhượng công nghệ mới và cấp phép sản xuất sản phẩm mới.

Trong các cuộc đàm phán, Ấn Độ thường yêu cầu hợp đồng mới phải bao hàm chuyển nhượng công nghệ ở mức độ tối đa, kiên trì yêu cầu cho phép các công ty Ấn Độ phát huy vai trò lớn hơn trong cấp phép sản xuất và sửa chữa vũ khí trang bị.

Bài viết cho rằng, sau khi Liên Xô sụp đổ, năm 1998, Nga và Ấn Độ đã ký thỏa thuận nghiên cứu chế tạo chung vũ khí mới nổi tiếng nhất. Hai bên đã thành lập BrahMos Aerospace, tận dụng công nghệ hiện đại nhất mà Nga từ chối bán cho Trung Quốc và các nước khác, cùng nghiên cứu phát triển dòng tên lửa hành trình chiến thuật siêu âm BrahMos, và trực tiếp sản xuất tại Ấn Độ.

Tháng 6/2007, Lục quân Ấn Độ bắt đầu triển khai tên lửa BrahMos-1 trên xe Tatra. Tên lửa BrahMos-2 trang bị cho tàu chiến vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, còn phiên bản tên lửa BrahMos trang bị trên không và cho tàu ngầm vẫn đang được tiến hành nghiên cứu chế tạo.

Nga đang cải tạo tàu sân bay Đô đốc Gorshkov cho Ấn Độ
Nga đang cải tạo tàu sân bay Đô đốc Gorshkov cho Ấn Độ

Những năm gần đây, hai nước Nga-Ấn còn đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng trong các lĩnh vực hợp tác vũ khí khác, trong đó bao gồm thành lập liên doanh nghiên cứu chế tạo máy bay vận tải tầm trung.

Công ty TNHH Hàng không Hindustan (Hindustan Aeronautics Limited) và Tập đoàn Chế tạo Hàng không Liên hợp Nga (United Aircraft) mỗi bên bỏ ra 300 triệu USD, nghiên cứu chế tạo máy bay vận tải có trọng tải 18,5 tấn, hành trình 2.500 km.

Dự kiến chiếc máy bay nguyên mẫu đầu tiên sẽ ra đời vào trước năm 2017. Không quân Nga có kế hoạch mua nhiều nhất 100 chiếc, thay thế máy bay máy bay vận tải IL-214 hiện có.

Không quân Ấn Độ chuẩn bị mua ít nhất 35 chiếc, thay thế máy bay cũ An-32. Ngoài ra, Nga còn có một hợp đồng riêng trị giá gần 400 triệu USD cải tiến máy bay vận tải An-32 cho Không quân Ấn Độ.

Mặc dù hai nước Nga-Ấn hợp tác rất mật thiết trong lĩnh vực vũ khí trang bị, nhưng cũng thường xuyên xuất hiện vấn đề, đặc biệt là Ấn Độ thường phê phán vũ khí do Nga chế tạo có chất lượng thấp, hơn nữa thường không thực hiện hợp đồng đúng tiến độ.

Ấn Độ đặt mua máy bay trang bị cho tàu sân bay MiG-29K/KUB
Ấn Độ đặt mua máy bay trang bị cho tàu sân bay MiG-29K/KUB

Tranh cãi được quan tâm nhất là dự án cải tạo tàu sân bay Đô đốc Gorshkov của Liên Xô cũ. Sau khi Liên Xô giải thể, chiếc tàu sân bay được chế tạo xong năm 1978 này đã bị bỏ rơi trong nhà máy đóng tàu của Doanh nghiệp Chế tạo Cơ khí phương Bắc Nga, không thể tiếp tục hoạt động.

Tháng 1/2004, Nga-Ấn ký kết một thỏa thuận giao dịch tàu sân bay trọn gói, phía Nga hầu như tặng miễn phí chiếc tàu sân bay này cho Ấn Độ (tính theo giá sắt vụn), điều kiện là Ấn Độ phải trả tiền cho việc cải tạo tàu sân bay, mua máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu mới trang bị cho tàu sân bay do Nga chế tạo, trị giá khoảng 1 tỷ USD.

Cộng với các chi phí cho việc Nga đào tạo cho nhân viên Hải quân Ấn Độ, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật tương ứng, xây dựng hạ tầng cơ sở cho căn cứ tàu sân bay, chuyển giao tài liệu kỹ thuật…, tổng cộng là 1,5 tỷ USD.

Nhưng, Doanh  nghiệp Chế tạo Cơ khí Phương Bắc không thể bàn giao tàu sân bay theo đúng thời hạn hợp đồng ban đầu là tháng 8/2008, hơn nữa còn yêu cầu phía Ấn Độ bổ sung hàng trăm triệu USD chi phí cải tạo. Trải qua quá trình đàm phán lâu dài và gian nan, mãi đến tháng 3/2010, khi Putin đến thăm Ấn Độ, Nga-Ấn mới đạt được nhất trí về thời hạn và điều kiện hợp đồng mới, kim ngạch giao dịch cuối cùng tăng lên 2,34 tỷ USD.

Ấn Độ có dự án thuê tàu ngầm hạt nhân lớp Akula-II của Nga
Ấn Độ có dự án thuê tàu ngầm hạt nhân lớp Akula-II của Nga

Hải quân Nga còn muốn tiến hành thử nghiệm trên biển 18 tháng đối với tàu sân bay sau khi cải tạo, dự kiến mãi đến cuối năm 2012 mới có thể bàn giao cho quân đội Ấn Độ sử dụng.

Nhưng, thời gian bàn giao này vẫn có thể bị tiếp tục đẩy lùi. Hơn nữa, cũng không thể bảo đảm chắc chắn Nga có thể bàn giao đúng hạn toàn bộ 45 máy bay tiêm kích trang bị cho tàu sân bay MiG-29K/KUB.

Hiện nay, các phi công Hải quân Ấn Độ được Nga đào tạo đang sử dụng máy bay MiG-29K thực hành huấn luyện cất/hạ cánh trên boong tàu sân bay Kuznetsov.

Các chuyên gia Nga lo ngại, mặc dù cuối cùng Ấn Độ sẽ nhận được tàu sân bay cũ được cải tạo của Nga, nhưng những bất đồng và mâu thuẫn của hai bên xung quanh vấn đề tàu sân bay đã gây thiệt hại cho hình ảnh của các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Nga, đã làm giảm cơ hội của Nga trong việc giành được đơn đặt hàng vũ khí mới của Ấn Độ.

Tháng 7/2009, Tổng thống Nga Medvedev thẳng thắn thừa nhận, công việc cải tạo tàu sân bay làm cho quan hệ Nga-Ấn trải qua những thử thách rất gay gắt. Nếu dự án này không thể thực hiện thành công, sẽ tạo ra hậu quả nghiêm trọng.

Quan chức cấp cao chính phủ Ấn Độ cho rằng, mua một chiếc tàu sân bay hoàn toàn mới, cũng có lời hơn nhiều so với tàu sân bay cũ nhập khẩu giá cao, tuổi thọ thấp của Nga.

Xe tăng T-90S do Nga chế tạo
Xe tăng T-90S do Nga chế tạo

Báo Nhật cho rằng, dự án hợp tác Ấn Độ thuê tàu ngầm hạt nhân K-152 Seal lớp Akula-II của Nga cũng gặp rất nhiều vấn đề. Ấn Độ chi hàng trăm triệu  USD để đổi lấy quyền sử dụng 10 năm chiếc tàu ngầm hạt nhân này và dịch vụ đào tạo nhân viên.

Lẽ ra Nga phải bàn giao chiếc tàu ngầm hạt nhân này cho Ấn Đô vào năm 2008, nhưng đã chậm trễ do nảy sinh hàng loạt vấn đề.

Tháng 11/2008 thậm chí còn xảy ra sự cố cháy, khiến cho 20 người thiệt mạng, nhiều người bị thương. Thời hạn bàn giao tiếp tục bị đẩy lùi, đến nay vẫn chưa thể thực hiện hợp đồng.

Năm 2001, xe tăng Arjun nội địa của Ấn Độ gặp phải một vấn đề nghiêm trọng, sau đó quyết định mua 300 chiếc xe tăng hoàn thiện T-90S của Nga. Đồng thời nhập công nghệ sản xuất được cấp giấy phép, có kế hoạch sản xuất 1.000 chiếc.

Nhưng mãi đến nay, Ấn Độ chỉ sản xuất được 150 chiếc xe tăng. Ấn Độ chỉ trích Nga gây ra trở ngại trong việc chuyển nhượng công nghệ và cung ứng linh kiện lắp ráp. Nga tìm mọi cách thanh minh, phê phán Ấn Độ đùn đẩy trách nhiệm, tạo dựng mâu thuẫn.

Đông Bình (Theo báo Phương Đông)