Nga bắt chước Mỹ làm vũ khí kỳ quái?

27/04/2012 10:36
Theo Vietnamnet
Nga đã tiết lộ về vũ khí không sát thương hoạt động dựa trên cơ chế giống như lò vi sóng, na ná như Hệ thống Khống chế Hành động (ADS) của Mỹ.

Sau khi đưa ra một loạt kế hoạch hoành tráng để hiện đại hóa quân sự, Nga đã tiết lộ về một dự án cụ thể. Đó là thứ vũ khí không sát thương hoạt động dựa trên cơ chế giống như lò vi sóng, na ná như Hệ thống Khống chế Hành động (ADS) của Mỹ.

Vũ khí chưa đặt tên của Nga "sẽ phát ra tia điện trường có tần số cao. Vũ khí này sẽ khiến mọi người cảm thấy bị đau nhưng không gây nguy hiểm cho các cơ quan nội tạng" - Trung tá Dmitry Soskov cho biết.

Hệ thống ADS của Mỹ.
Hệ thống ADS của Mỹ.

Nguyên tắc hoạt động của vũ khí này giống như lò vi sóng, và sao chép công nghệ rađa quân đội trong chiến tranh thế giới II. Bức xạ điện từ tập trung có thể nhắm tới các mục tiêu cách đó 300m, không bị ảnh hưởng từ khói, hoặc bụi trong không khí, không gây tác động lên quần áo và chỉ mất vài giây để nâng nhiệt độ lên mức gây khó chịu ngoài da.
Với các gương được bố trí phù hợp để điều chỉnh hướng tia điện từ, vũ khí này có thể len vào các ngóc ngách và trong các tòa nhà. Ông Dmitry Soskov cho biết thêm, thiết bị này rất nhẹ nên có thể đặt trong xe hơi hoặc xe jeep của quân đội.
Mức nhiệt của vũ khí chỉ tác động lên biểu bì ngoài cùng, nên chỉ gây đau, chứ không phá hủy bề mặt da của người bị nhắm 'bắn'.
Ông Soskov cho biết vũ khí trên có thể được sử dụng để giải tán đám đông hoặc kiểm soát khu vực trong quá trình gìn giữ hòa bình, hoặc trong các nhiệm vụ chống nổi dậy. Ông cũng cho biết cảnh sát Nga có thể sẽ dùng vũ khí này để đối phó với tình trạng 'gây rối' trên diện rộng.
Vũ khí này đang được thử nghiệm tại học viện nghiên cứu quân sự ngoại ô Moscow.
Cho dù phía các nhà nghiên cứu quân sự Nga cho rằng loại vũ khí này là 'phát triển độc nhất', thì cơ chế hoạt động của nó vẫn rất giống với Hệ thống Khống chế Hành động (ADS) của Mỹ trình làng mới đây.
Mỹ đã chi 120 triệu USD cho loại vũ khí kỳ quái này, và cho biết vũ khí này đã được thử nghiệm trên 11.000 người tình nguyện. Chỉ trong tháng trước, một số quan chức Mỹ còn tình nguyện tham gia thử nghiệm tác động của vũ khí trong buổi ra mắt chính thức ADS, nhằm ngăn chặn các tin đồn về các nguy hiểm tiềm tàng của vũ khí.
Nhiều người chỉ trích rằng hệ thống này là thiết bị quá cồng kềnh và tốn nhiều thời gian để lắp đặt và tìm mục tiêu.
Nhiều người khác lại đặt câu hỏi về tính hợp pháp của phương tiện khi gây ra cảm giác vô cùng đau đớn khi trấn áp những người nổi dậy, và điều gì sẽ xảy ra khi nhắm vào các mục tiêu không thể di chuyển kịp thời - chẳng hạn như một người biểu tình trong khu vực chật cứng người.
Phó Thủ tướng Rogozin cho biết Nga sẽ có thêm nhiều vũ khí thế hệ mới. Ông Rogozin mới đây trình bày về một chiến lược quân sự với tầm nhìn trong 'tương lai 30- 40 năm tới'. Bản chất của các vũ khí này vẫn chưa rõ ràng, nhưng trong một bài báo, Tổng thống đắc cử Vladimir Putin nói rằng các cuộc xung đột trong tương lai "sẽ phân định thắng thua bằng các phương tiện tấn công như các tia (điện từ), địa vật lý, các dải sóng, vũ khí di truyền và tâm thần".
Theo Vietnamnet