Nga muốn xây dựng căn cứ hải quân tại Việt Nam, Seychelles và Cuba?

28/07/2012 07:25
Trịnh Tuân (nguồn: Itar-Tass, Topwar)
(GDVN) - Hải quân Nga đang mong muốn và xem xét xây dựng các căn cứ hậu cần quan trọng cho các tàu chiến của nước này tại Việt Nam, Seychelles và Cuba.

Đây là tuyên bố mới nhất của Tư lệnh Hạm đội Nga, Phó Đô đốc Viktor Chirkov trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Itar-Tass hôm thứ Tư (25/7).

>> Tra cứu điểm thi đại học 2012 nhanh, chính xác nhất
>> Tìm hiểu đất nước Ireland, cơ hội nhận quà cực lớn

"Thật vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo việc triển khai lực lượng hải quân bên ngoài lãnh thổ Liên bang Nga. Một phần của công việc này ở mức độ quốc tế và chúng tôi mong muốn sẽ xây dựng các căn cứ hậu cần kỹ thuật ở Cuba, Seychelles và Việt Nam"” - Viktor Chirkov cho biết.

Nga sẽ trở lại quân cảng Cam Ranh?
Nga sẽ trở lại quân cảng Cam Ranh?

Seychelles là một quốc đảo với 155 hòn đảo lớn nhỏ thuộc châu Phi nằm trên Ấn Độ Dương, cách 1.500 km về hướng đông của đại lục Châu Phi, nằm ở phía đông bắc đảo Madagascar.

Trước đây, Hải quân Liên Xô đã từng có các căn cứ hậu cần hải ngoại tại Việt Nam (Cam Ranh) và Syria (Tartus). Bây giờ chỉ còn lại duy nhất căn cứ quân sự ở Tartus.

Báo cáo của Itar-Tass cũng cho biết rằng, Nếu Hải quân Nga tái lập một căn cứ hậu cần kỹ thuật ở Cam Ranh là cần thiết để hỗ trợ cho các tàu của hải quân Nga hoạt động tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trong khi đó, căn cứ ở Syria có nhiệm vụ đảm bảo hậu cần kỹ thuật cho các tàu chiến tầm xa của Hải quân Nga ở vịnh Aden và khu vực Đia Trung Hải.

Cam Ranh từng là căn cứ quân sự lớn nhất của Hải quân Liên Xô ở nước ngoài

Toàn cảnh Vịnh Cam Ranh (Ảnh: Internet)
Toàn cảnh Vịnh Cam Ranh (Ảnh: Internet)

Vịnh Cam Ranh là một cảng biển nước sâu ở Việt Nam, thuộc thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Vịnh này thường được xem là bến nước sâu tốt nhất Đông Nam Á, thích hợp làm nơi tàu bè trú ẩn khi biển động.

Vì địa thế chiến lược mà Cam Ranh được sự chú ý quân sự qua nhiều thời kỳ. Hải quân Pháp, Hoa Kỳ, và Liên Xô đã từng dùng Vịnh Cam Ranh làm căn cứ chiến sự.

Hộ vệ hạm tên lửa Đinh Tiên Hoàng của hải quân Việt Nam tại quân cảng Cam Ranh.
Hộ vệ hạm tên lửa Đinh Tiên Hoàng của hải quân Việt Nam tại quân cảng Cam Ranh.

Năm 1888, Hải hạm của Nga mang tên "Tráng sĩ” trong chuyến đi vòng quanh thế giới đã cập cảng Cam Ranh, sau đó, vì nhiều điều kiện lịch sử khác nhau nơi đây đã trở thành quân cảng của các nước lớn thay nhau đồn trú trong vòng gần 100 năm trở lại đây.

Trong cuộc chiến Nga – Nhật 1905, hơn 100 chiến thuyền thuộc Hạm đội Thái Bình Dương số 2 của Hải quân Nga Hoàng đã từng tập trung tại Cam Ranh.

Sau năm 1975, Cam Ranh được dùng làm căn cứ hải quân quan trọng của Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô trong bối cảnh Chiến tranh lạnh giữa khối Liên Xô và Hoa Kỳ. Chính phủ Xô viết chính thức ký năm 1978 một thỏa thuận với Việt Nam để thuê hải cảng này trong thời gian 25 năm.

Tàu tên lửa cao tốc Molnya của Hải quân Việt Nam tại quân cảng Cam Ranh.
Tàu tên lửa cao tốc Molnya của Hải quân Việt Nam tại quân cảng Cam Ranh.

Cuối thập niên 1980, Liên Xô tan vỡ, chính phủ Nga nhận kế thừa hợp đồng đó cho tới năm 1993. Một hiệp định mới cho phép Nga tiếp tục có mặt tại Cam Ranh.

Bắt đầu từ năm 2002, Việt Nam khẳng định sẽ không hợp tác với bất cứ nước nào để sử dụng cảng Cam Ranh vào mục đích quân sự. Việt Nam tuyên bố tự quản lý và khai thác cảng Cam Ranh sao cho phù hợp nhất với lợi ích của người dân Việt Nam.

Nga tiếp tục duy trì căn cứ quân sự tại Syria?

Trả lời phỏng vấn với Itar-Tass, Tư lệnh Hải quân Nga Chirkov khẳng định, căn cứ hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần Tartus được thiết kế nhằm mục đích hỗ trợ các hoạt động của Hải quân Nga tại Địa Trung Hải và Vịnh Aden.

Căn cứ hải quân Nga tại cảng Tartus của Syria (Ảnh: Internet)
Căn cứ hải quân Nga tại cảng Tartus của Syria (Ảnh: Internet)

Trên thực tế, căn cứ này đã giúp giảm chi phí và duy trì hoạt động của các tàu Hải quân Nga trong những chuyến đi dài. Vì vậy, Nga sẽ tiếp tục duy trì căn cứ này.

Theo Phó Đô đốc Chirov, hiện Hải quân Nga có khoảng 10 tàu chiến và 10 tàu hỗ trợ đang hoạt động tại Địa Trung Hải. Tuy nhiên, Nga chưa có kế hoạch điều lực lượng tàu này đến căn cứ Tartus.

Theo một số nhà quan sát phương Tây, Nga chưa chắc là sẽ giữ lại căn cứ hải quân tại Tartus, Syria.

Theo họ, việc Nga tái sử dụng quyền phủ quyết của mình về vấn đề Syria trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc Hội đồng làm mất đi niềm tin của người dân Syria cũng như cộng động quốc tế.

Họ cho rằng, sau khi chế độ Assad bị lật đổ thì Moscow sẽ từ bỏ căn cứ hải quân ở Tartus cùng với việc vận chuyển vũ khí tới Syria.

Trịnh Tuân (nguồn: Itar-Tass, Topwar)