Nga sẽ không xuất khẩu S-400 trước khi thỏa mãn nhu cầu trong nước

20/02/2012 07:52
Đông Bình (Theo báo phương Đông)
(GDVN) - Hiện nay, Nga đã bắt đầu tính toán xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở 3 hướng chiến lược quan trọng: phía tây, phía nam và phía đông.
Tư lệnh Không quân Nga Alexander Zelin
Tư lệnh Không quân Nga Alexander Zelin

“Năm nay, Nga sẽ triển khai một vài tổ hợp phòng thủ tên lửa S-400, khác với việc triển khai ở xung quanh Moscow trước đây là, tổ hợp mới sẽ triển khai ở khu vực duyên hải và khu vực biên giới” – Ngày 13/2, Tư lệnh Không quân Nga Alexander Zelin đã tiết lộ thông tin này với báo giới.

Tin này được truyền đi đã thu hút sự chú ý của không ít phương tiện truyền thông Nga, bởi vì trước đó vài ngày, Tư lệnh Hạm đội Baltic Nga, Trung tướng Victor Cherkov đã tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch triển khai S-400 tại Kaliningrad vào tháng 4/2012.

Điều khiến mọi người bất ngờ tương tự là, radar cảnh báo sớm các cuộc tấn công tên lửa thế hệ mới Voronezh-DM đã chính thức được kích hoạt từ ngày 12/2 tại Lekhtusi – Leningrad.

Theo dõi “nhất cử nhất động” của NATO

Sau khi Liên Xô sụp đổ, hệ thống radar cảnh báo sớm tầm xa rất hoàn bị của Liên Xô cũ một thời đã bị phá hoại nghiêm trọng do chúng nằm ở lãnh thổ nước khác, ngoài lãnh thổ Nga.

Năm 2000, sau khi Putin lên nắm quyền, tình hình kinh tế đất nước cải thiện rõ rệt, vấn đề hoàn thiện mạng lưới radar giám sát bầu trời và cảnh báo sớm tên lửa được sự quan tâm rất lớn của cấp lãnh đạo nhà nước.

Radar cảnh báo sớm Voronezh-DM của Nga
Radar cảnh báo sớm Voronezh-DM của Nga

Năm 2006, radar cảnh báo sớm tên lửa thế hệ mới Voronezh-DM có cự ly do thám tới 6.000 km đã đưa vào trực ban tác chiến thử nghiệm tại Lekhtusi – Leningrad, từ đó lấp lỗ hổng rất lớn ở hướng tây bắc của Nga, do Latvia đóng cửa trạm radar tầm xa được Liên Xô cũ xây dựng tại lãnh thổ của họ.

Trong thời gian 6 năm trước khi chính thức đưa vào trực ban tác chiến, radar Voronezh-DM không chỉ đáp ứng việc theo dõi tình hình bầu trời toàn bộ hướng tây bắc của Nga và tình hình phóng tên lửa của NATO ở trong lãnh thổ các nước Thụy Điển, Na Uy, mà còn giúp cho Quân đội Nga có được kinh nghiệm thực tiễn sử dụng và bảo vệ hệ thống vũ khí phức tạp, hoàn toàn mới này.

Ngoài chiếc radar ở Lekhtusi, vài năm gần đây, Quân đội Nga còn xây dựng thêm 2 trạm radar loại này, trong đó một trạm radar vừa hoàn thành ở Kaliningrad vào cuối năm 2011, và đưa vào trực ban tác chiến thử, trạm radar khác nằm ở khu vực biên giới Krasnodar sẽ được hoàn thành nghiệm thu quốc gia trong năm nay, đồng thời chính thức đưa vào trực ban sẵn sàng chiến đấu.

Dựa vào chúng, Nga đã thực hiện bao trùm toàn bộ vùng trời phía tây và tây nam.

Điều đáng nói tới là, trạm radar Voronezh mới xây ở bang Irkutsk hiện cũng đã đi vào giai đoạn hoàn thành. Có chuyên gia cho rằng, một khi radar này đi vào hoạt động, Quân đội Nga sẽ có thể tiến hành cảnh báo sớm tên lửa trên toàn bộ hướng Trung Á, Nam Á trong đó có khu vực phía tây Trung Quốc.

Chưa sẵn sàng xuất khẩu tên lửa tiên tiến

Cùng với việc từng bước hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm, Quân đội Nga cũng không quên xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa.

Mặc dù trong những năm qua trọng điểm xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga luôn ở xung quanh Moscow, nhưng cùng với việc không ngừng hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa Thủ đô, lãnh đạo cấp cao chính trị và quân sự Nga đã bắt đầu tính đến xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa trên 3 phương hướng chiến lược quan trọng lớn là phía tây, phía nam và phía đông.

Tổ hợp tên lửa S-400 do Nga chế tạo
Tổ hợp tên lửa S-400 do Nga chế tạo

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Địa-chính trị Nga, Thượng tướng Ivashov phân tích, sau Moscow, Kaliningrad sẽ là địa điểm triển khai đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, còn sau đó sẽ là khu vực Viễn Đông.

Trên thực tế, ngay từ năm 2008, Quân đội Nga đã gửi tín hiệu, cần triển khai S-400 ở gần biên giới Nga – CHDCND Triều Tiên.

Tên ban đầu của S-400 là S-300PM3. Nhìn vào số hiệu, nó vốn là phiên bản cải tiến mới của tên lửa loạt P dòng S-300 nổi tiếng, nhưng nghe nói do tích hợp được tính năng của 2 loạt tên lửa lớn P, V của dòng này, cho nên cuối cùng được dành cho một số hiệu mới đánh dấu sự nâng cấp, cải tiến.

S-400 có thể dùng để đánh chặn các loại máy bay và tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn. Theo tiết lộ của báo chí Nga, một tổ hợp tên lửa S-400 có thể đồng thời bảo đảm hướng dẫn cho 72 quả tên lửa đánh chặn 36 mục tiêu trên không.

Để bảo đảm nhu cầu xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của Quân đội Nga, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hàng hóa Quốc phòng Nga (Rosoboronexport) Anatoly Isaikin đầu tháng này đã nói rằng:

“Trước năm 2015, S-400 do nhà máy sản xuất sẽ hoàn toàn cung cấp cho Bộ Quốc phòng Nga, sẽ không bán một tổ hợp nào ra nước ngoài, ngay cả đồng minh Belarus và Kazakhstan, cũng chỉ sau khi Quân đội Nga đáp ứng được nhu cầu hệ thống phòng thủ tên lửa của mình, mới có thể hy vọng mua được loại vũ khí này”.

Dùng hành động thực tế đáp trả Mỹ

Kể từ tháng 11/2011, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ra một tuyên bố cứng rắn, cảnh báo sẽ có “các biện pháp hợp lý” đáp trả lại việc Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu, có thể nói Nga đã liên tiếp hành động.

Có phân tích cho rằng, những tuyên bố của cấp cao Quân đội Nga trong vấn đề radar cảnh báo sớm và tên lửa S-400 trong mấy ngày qua đều có liên quan tới việc các cuộc đàm phán hợp tác xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu giữa Nga và Mỹ lâm vào ngõ cụt.

Tổ hợp tên lửa S-400
Tổ hợp tên lửa S-400

Gần đây, Dmitry Rogozin – người từng là đại diện của Nga tại NATO, hiện đang là Phó Thủ tướng phụ trách công nghiệp quốc phòng Nga, đã tiếp tục phát đi tuyên bố cứng rắn:


Cho dù tiến triển đàm phán hệ thống phòng thủ tên lửa Châu Âu như thế nào, Nga sẽ không dừng các bước xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của mình và áp dụng các biện pháp đáp trả đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của châu Âu.

Có chuyên gia cho rằng, hiện nay radar cảnh báo sớm Voronezh-DM, đã đưa vào vận hành chính thức ở Kaliningrad, có thể do thám, đeo bám tất cả các hoạt động phóng tên lửa trong khu vực Tây Âu và Bắc Đại Tây Dương, đây chính là một sự răn đe.

Trong khi đó, việc triển khai trên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M và hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 trong lãnh thổ Nga, sẽ làm cho hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu (do Mỹ đang ra sức thúc đẩy) không nhất định có thể tạo được sự ngăn chặn như dự đoán đối với lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga.

Đông Bình (Theo báo phương Đông)