Nga tăng cường tên lửa Pantsir-S bảo vệ Moscow

21/06/2012 07:29
Trịnh Tuân (nguồn: lenta)
(GDVN) - Trong tháng 9 - 10 năm 2012, Nga sẽ bổ sung tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S thứ hai cho lực lượng phòng không – vũ trụ (ASD) nước này.

Đó là thông tin mà người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga về hệ thống ASD, trung tá Dmitry Zenin tiết lộ với báo giới trong nước và quốc tế vào thứ 4 (20/6/2012).

Theo nguồn tin, tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S sẽ được sử dụng như phương tiện hỗ trợ cho hai trung đoàn tên lửa phòng không S-400 Triumph đóng tại Elektrostal và Dmitrov.


Một trong hai trung đoàn S-400 đã nhận được một tổ hợp Pantsir-S, nhưng chưa có thông tin xác minh là nó thuộc trung đoàn S-400 nào.

Tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S
Tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S

Trong tháng 8 năm 2012, theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, tổ hợp tên lửa Pantsir-S thuộc Trung đoàn tên lửa S-400 đóng ở Dmitrov sẽ tổ chức các cuộc thử nghiệm tiêu diệt mục tiêu trên không ở độ cao thấp tại trường bắn Ashuluk thuộc khu vực Astrakhan.

Trước đó, hãng thông tấn ITAR-TASS dẫn lời ông Dmitry Zenin cho biết rằng, vào giữa năm 2013, lực lượng phòng không – vũ trụ Liên bang Nga sẽ tiếp nhận trung đoàn tên lửa phòng không S-400 thứ ba, bao gồm hai tiểu đoàn. Các đơn vị này sẽ được triển khai tại các vùng ngoại ô Moscow thuộc khu vực Zvenigorod.

Trong tháng 12 năm 2011, Bộ Quốc phòng đã công bố kế hoạch sẽ bổ sung 60 hệ thống phòng không cho lực lượng ASD vào năm nay, bao gồm hệ thống tên lửa siêu tầm xa S-400, radar Nebo-U (55Zh6-U) và tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S.

Pantsir-S là tổ hợp phòng không có tầm tác chiến từ ngắn tới trung bình, đặt trên khung gầm xe bánh xích, bánh lốp hoặc các trụ, bệ đỡ cố định, tổ hợp này có kíp chiến đầu gồm 3 người.

Tổ hợp phòng không này gồm các khẩu pháo phòng không tự động và các tên lửa đất đối không, cùng với radar hoặc thiết bị quang học theo dõi mục tiêu và đài chỉ huy vô tuyến.

Tổ hợp tên lửa - pháo phòng không này được sử dụng để bảo vệ các khu vực mục tiêu trọng yếu, các điểm dân cư và quân sự, đội hình đơn vị chiến đấu đang cơ động lên tới cỡ trung đoàn hoặc các tổ hợp phòng không khác như S-300 hay S-400.

Các mục tiêu trên không mà tổ hợp tên lửa Pantsir-S có thể tiêu diệt là các loại máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và vũ khí dẫn đường chính xác không đối đất.

Pantsir-S trang bị 12 ống phóng tên lửa với tầm bắn lên đến 20 km.
Pantsir-S trang bị 12 ống phóng tên lửa với tầm bắn lên đến 20 km.

Hệ thống pháo-tên lửa phòng không này có khả năng tiêu diệt tất cả các phương tiện tấn công đường không của đối phương ở cơ chế tự động hóa cao, đồng thời nó còn có khả năng phát hiện và theo dõi đồng thời 20 mục tiêu cùng một lúc, trong đó có khả năng tấn công tiêu diệt 4 mục tiêu nguy hại nhất trong số đó.

Tổ hợp tên lửa Pantsir-S được trang bị pháo phòng không 30 mm hai nòng và các bệ phóng tên lửa cỡ 76 và 90 mm.

Cơ số chiến đấu của Pantsir–S gồm 12 quả tên lửa và 1,4 nghìn viên đạn pháo. Tổ hợp này có tầm bắn tối đa là 20 km và đạt trần bắn là 15 km.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn" Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Trịnh Tuân (nguồn: lenta)