GÓC NHÌN QUAN HỆ MỸ - NGA:

Nga tăng cường trang bị Iskander

26/11/2011 06:05
Theo Báo Người Lao Động
Tổ hợp tên lửa di động Iskander có thể sử dụng suốt ngày đêm vào bất cứ thời điểm nào trong năm ở tầm xa từ 280-500 km
Tổ hợp tên lửa di động Iskander có thể sử dụng suốt ngày đêm vào bất cứ thời điểm nào trong năm ở tầm xa từ 280-500 km
Một dàn phóng tên lửa Iskander của Nga. Ảnh: RFERL
Một dàn phóng tên lửa Iskander của Nga. Ảnh: RFERL
Nước Nga đang tiếp tục thực hiện những bước đi mang tính quyết định để đáp lại việc triển khai ở châu Âu hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ (NMD). Theo đó, lữ đoàn tên lửa thuộc khu vực quân sự phía Tây hoàn toàn được trang bị lại bằng tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander. Lữ đoàn khu vực quân sự phía Nam cũng được tái trang bị như vậy, một phân đoàn ở đây đã tiếp nhận những tên lửa Iskander mới nhất.

Iskander qua mặt NMD

Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố về việc thành lập một lữ đoàn hoàn toàn được trang bị tên lửa Iskander sau khi Thượng viện Mỹ từ chối bảo đảm rằng hệ thống NMD ở châu Âu không làm suy yếu tiềm năng hạt nhân của Nga.

Đồng thời, những tên lửa mới nhất đã được triển khai ở thành phố Luga thuộc vùng Leningrad. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo quân sự Nga hứa hẹn sẽ trang bị Iskander cho tất cả các đơn vị tên lửa của lực lượng bộ binh.

Đại tá Andrei Bobrun, người đứng đầu bộ phận báo chí của quân khu phía Tây, cho biết: “Các đơn vị chiến đấu phía Tây sẽ tiếp tục nhận được những thiết bị kỹ thuật mới nhất. Họ đã được trang bị những loại chiến đấu cơ, trực thăng, vũ khí và xe bọc thép mới nhất”.

Đồng thời, ông cho biết Iskander dần dần sẽ phải thay thế tổ hợp tên lửa Tochka, vốn đã được trang bị từ những năm 1970. Theo ông Bobrun, so với Tochka, tên lửa Iskander có ưu thế vượt trội về mọi chỉ số, như tầm xa và độ chính xác, số lượng đầu đạn, tốc độ di chuyển của tổ hợp trên bất kỳ địa hình nào.

Một trong những khả năng chiến đấu chính của tổ hợp Iskander là có thể vượt qua hệ thống NMD hiện thời và triển vọng sau này của nước ngoài. Tổ hợp tên lửa di động Iskander với những quả tên lửa có độ chính xác cao được chế tạo để sử dụng suốt ngày đêm vào bất cứ thời điểm nào trong năm ở tầm xa từ 280-500 km, trong điều kiện đối phương chống cự ác liệt.

Iskander có khả năng bắn trúng các mục tiêu trên mặt đất như các vị trí chỉ huy, những cụm quân đoàn lớn, các phương tiện hỏa lực, các đối tượng thuộc hệ thống NMD, chiến đấu cơ và trực thăng tại sân bay.

Thêm vào đó, Iskander có thể vận chuyển bằng mọi phương tiện vận tải, kể cả hàng không. Tổ hợp này có tính linh hoạt chiến thuật cao nhờ vào sự thích ứng cao với các loại xe quân sự. Hơn nữa, mọi hệ thống Iskander đều được tính toán để sử dụng lâu dài và tính đáng tin cậy của nó đã nhiều lần được khẳng định trong các cuộc tập trận.

Thiện chí của Nga

Cùng với việc tăng cường sức mạnh tên lửa Iskander, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng chỉ trích mọi hành động của Mỹ về việc xây dựng hệ thống NMD ở châu Âu. Gần đây, Nga đã có phản ứng đặc biệt dữ dội sau khi Mỹ thông báo về thỏa thuận giữa Washington và Madrid nhằm triển khai thường trực 4 tàu chiến Mỹ được trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 tại căn cứ hải quân Tây Ban Nha ở miền Nam nước này.

Bộ Ngoại giao Nga đã gọi hành động áp đặt của Mỹ trong vấn đề xây dựng hệ thống NMD ở châu Âu là không thể chấp nhận được.

Thậm chí, Nga đã nhiều lần đề nghị với Mỹ các dự án hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng nhưng lần nào Moscow cũng đều nhận được sự từ chối. Gần đây nhất, theo báo Kommersant, Moscow đã đưa ra sáng kiến dưới tên gọi mật “Phòng thủ chiến lược trái đất”.

Bản chất kế hoạch này là chuyển sức ép của hệ thống NMD do Mỹ thành lập từ chống lại các mối đe dọa tên lửa sang đối phó với các mối đe dọa trong vũ trụ và hình thành hệ thống phòng vệ chung trước các tên lửa và thiên thạch.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, trên thực tế, Mỹ đã hoàn tất giai đoạn đầu của kế hoạch thích ứng từng giai đoạn ở châu Âu của chính quyền Tổng thống Obama. Theo đó, Washington đã lắp đặt trên các tàu chiến neo đậu tại các bờ biển châu Âu hệ thống NMD trên biển dưới dạng hệ thống chiến đấu Aegis với loại tên lửa đánh chặn SM-3 có khả năng chiến đấu đa dạng. SM-3 có thể tiêu diệt các loại tên lửa đạn đạo với tầm bắn xa 3.000-5.000 km.

Trước đó, vào tháng 9 năm nay, Washington đã ký thỏa thuận lắp đặt các thành phần của hệ thống NMD với Thổ Nhĩ Kỳ và Romania. Đồng thời, thỏa thuận Ba Lan - Mỹ về việc triển khai hệ thống NMD hoạt động toàn diện ở khu vực Redzikovo-Slupsk, sát cạnh biên giới Nga tại vùng Kaliningrad, cũng có hiệu lực.

Không thể chặn tên lửa Nga!

Theo báo Izvestia, các chuyên gia cho rằng các biện pháp tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội Nga bằng tên lửa Iskander là quá mức cần thiết. Lý do đưa ra là ra-đa được lắp đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ - một thành phần của hệ thống NMD - không thể theo dõi được các tên lửa Nga bắn về phía Mỹ.

Ngoài ra, từ lãnh thổ Nga, Iskander sẽ không thể bắn đến Romania, nơi Mỹ sẽ bố trí tên lửa đánh chặn SM-3. Để tiếp cận mục tiêu trên, sẽ phải sử dụng phi đội tên lửa hoặc chiến đấu cơ.

Thế nhưng, theo các chuyên gia, việc bảo vệ các tên lửa phòng thủ ở Romania chẳng có nghĩa lý gì cả bởi dù sao chúng vẫn không thể đánh chặn các tên lửa Nga đang bay về phía Mỹ.

Theo Báo Người Lao Động