Nga thử nghiệm tên lửa chống tăng tối tân nhất Cornet-EM

25/12/2011 20:51
Trịnh Tuân (Theo VZ)
(GDVN) - Phòng thiết kế chế tạo máy Tula hôm 25/12 vừa thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa chống tăng tối tân nhất Cornet-EM

Cornet-EM được trình làng lần đầu tiên tại triển lãm hàng không quốc tế MAKS-2011, được tổ chức vào tháng 8/2011 tại thành phố Zhukovsky gần Moscow.

"Cuộc thử nghiệm được thực hiện để kiểm tra một biến thể mới của hệ thống tên lửa chống tăng, trong đó tầm bắn và khả năng phá hủy lớp giáp được tăng lên đáng kể. Ngoài ra, Cornet-EM còn được lắp đặt một hệ thống dẫn đường tự động” – Đại diện Phòng thiết kế chế tạo máy Tula cho hay.

Hệ thống tên lửa Cornet-EM tại triển lãm MAKS-2011
Hệ thống tên lửa Cornet-EM tại triển lãm MAKS-2011

Cornet-EM được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu mặt nước và trên không trong các điều kiện tác chiến khác nhau, kể cả trong thời tiết xấu và khi đối phương thực hiện gây nhiễu vô tuyến điện và quang học.

Tổ hợp tên lửa chống tăng Cornet-EM được trang bị 16 tên lửa, trong đó 8 tên lửa luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tổ hợp này cũng có thể sử dụng tất cả các loại tên lửa thuộc dòng Cornet-E, bảo đảm tiêu diệt mục tiêu ở cự ly từ 150-10.000m.

Với việc sử dụng chùm tia laser điều khiển đặc biệt, Cornet-EM  có thể tiêu diệt các xe tăng được trang bị giáp phản ứng nổ, xe bọc thép hạng nhẹ, lô cốt, công sự, hầm hào cũng như các mục tiêu mặt nước và trên không (máy bay không người lái, trực thăng, máy bay cường kích).

Theo Phòng thiết kế chế tạo máy Tula, tổ hợp Cornet-EM có khả năng vượt trội so với các tổ hợp tương tự 3-5 lần, và rất đơn giản trong sử dụng, bảo dưỡng.

Cornet-EM có thể tấn công đồng thời 2 mục tiêu, đầu đạn nổ lõm chứa 7kg TNT có khả năng xuyên thép có độ dày đến 1.300mm. Thời gian chuyển từ trạng thái hành quân sang trạng thái chiến đấu là 7s.
Tên lửa Cornet-EM
Tên lửa Cornet-EM

Việc phóng tên lửa Cornet-EM được thực hiện theo nguyên tắc “bắn và quên” nhờ vào việc sử dụng quan sát kỹ thuật tự động theo dõi mục tiêu mà không cần sử dụng con người trong quá trình dẫn hướng tên lửa.

Tức là hệ thống bệ phóng chỉ việc nhấn nút cho tên lửa bay ra, sau đó tên lửa tự tìm và lao vào mục tiêu. Trong toàn bộ hành trình bay của tên lửa không có bất cứ một mối liên hệ nào với tổ hợp tên lửa.

Điều này làm tăng độ chính xác bám mục tiêu trong điều kiện chiến đấu thực tế của Cornet-EM lên 5 lần và bảo đảm xác suất tiêu diệt cao trong toàn bộ dải tầm bắn của hệ thống, lớn hơn gấp đôi tầm bắn của người anh Cornet-E.

Tổ hợp tên lửa chống tăng Cornet-EM gồm 1 xe chiến đấu với bệ phóng tự động và bàn điều khiển của trắc thủ, tên lửa có điều khiển với các loại đầu đạn khác nhau.

Với những khả năng vượt trội, trong tương lai không xa, rất có thể Cornet-EM sẽ được dùng để thay thế cho các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa Strela-10 hiện vẫn đang phục vụ trong Quân đội Nga.

Trịnh Tuân (Theo VZ)