Nga và kế hoạch 'tái sinh' Hạm đội Thái Bình Dương

17/05/2012 11:03
Theo Đất Việt
Tốc độ hiện đại hoá nhanh chóng của Hải quân Trung Quốc trong vòng một thập kỉ vừa qua đã che khuất  tham vọng Hải quân của một thế lực khác ở khu vực.
Tốc độ hiện đại hoá nhanh chóng của Hải quân Trung Quốc trong vòng một thập kỉ vừa qua đã che khuất  tham vọng Hải quân của một thế lực khác ở khu vực. Đó là Nga. Hiện nước này có kế hoạch xây dựng lại hạm đội Châu Á-Thái Bình Dương trong một vài thập kỉ tới. Báo Đất Việt đăng tải bài viết của giáo sư Ian Storey, chuyên viên cao cấp của Học viện Nghiên cứu Đông Nam Á, có trụ sở tại Singapore, nhằm làm sáng tỏ hơn ý định quay lại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Nga
Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.
Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.
Có thể nói một cách lí trí rằng tham vọng của Nga không phải do sự lớn mạnh của Trung Quốc hay tuyên bố gần đây của Mỹ về việc coi khu vực này là ưu tiên, mà có liên quan trực tiếp đến khu vực Bắc Cực: hiện tượng tan chảy băng, khả năng về những nguồn dự trữ năng lượng mới và việc mở ra các tuyến đường biển thương mại nối liền Á-Âu.
Hiện tượng nóng lên của Trái Đất dẫn đến hiện tượng tan băng ở Bắc Cực, đặc biệt trong những tháng hè. Nếu cứ đà này, một số nhà khoa học dự đoán, đến năm 2020, Bắc Băng Dương sẽ hoàn toàn không có băng bao phủ trong mùa hè. Trong khi điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các loài động vật và khiến mùa đông ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ thêm khắc nghiệt  thì nó lại đem đến 2 cơ hội cho Nga. Thứ nhất, nó mở ra cơ hội cho các công ty Nga khai thác những mỏ dầu và khí tự nhiên có trữ lượng lớn dưới đáy biển Bắc Cực, để cung cấp cho các cường quốc kinh tế đang khát năng lượng là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thứ hai, băng tan ở Bắc Cực cho phép tuyến đường biển Phương Bắc có thời gian thông thương dài hơn.  Đây là tuyến đường biển chính nối biển Barren và khu vực Viễn Đông của Nga, ôm trọn vùng Cực Bắc của Nga và vùng bờ biển Siberia và sau đó là thông ra vùng nước ấm thuộc Đại Tây Dương. Các công ty vận chuyển hàng hải quốc tế mong đợi kịch bản này bởi băng tan có nghĩa là khoảng cách giữa châu Âu và châu Á sẽ được thu hẹp lại, giúp việc vận chuyển nhanh và rẻ hơn. Mùa hè năm 2011, tuyến đường biển Phương Bắc đã hoàn toàn thông thương trong vòng 141 ngày, dài hơn so với mọi năm một tháng. 34 tàu đã đi qua khu vực này, trong đó có cả một tàu hàng siêu trọng của Nga, chở khí đốt đến Đông Nam Á. Để bảo vệ và tiếp tục phát huy những lợi ích kinh tế của mình trên vùng biển Bắc Băng Dương, Moscow bắt đầu kế hoạch tăng cường sức mạnh hải quân trên tuyến đường biển Phương Bắc. Nhiệm vụ này giao cho Hạm đội Phương Bắc ở Murmansk và Severodvinsk tại khu vực bán đảo Kola và hạm đội Thái Bình Dương ở Vladivostok và Petropavlovsk tại khu vực Viễn Đông. Chính phủ Nga mới đây vừa tuyên bố một kế hoạch đầy tham vọng dành cho lực lượng Hải quân. Một chương trình hiện đại hoá có thời hạn đến năm 2020 trị giá 160 tỉ USD được dành để đóng mới 36 tàu ngầm, 40 tàu chiến, trong đó có cả tàu sân bay , trong đó ưu tiên cho Hạm đội Thái Bình Dương. Những tàu khu trục, tàu chiến, tàu lưỡng cư mới được neo đậu tại Vladivostok sẽ giúp Hải quân Nga có thể kiểm soát được toàn bộ các tuyến đường biển qua Cực Bắc, trong khi những tàu ngầm hạt nhân neo đậu tại Petropavlovsk trên bán đảo Kamchatka gần Nhật có thể giúp Nga dễ dàng tiếp cận với Thái Bình Dương. Kế hoạch "tái sinh" hạm đội Thái Bình Dương của Nga hiện chưa khiến nhiều nước chú ý lắm. Các nhà hoạch định quân sự Mỹ đang mải bận rộn với sự phát triển lớn mạnh của Hải quân Trung Quốc, trong khi Trung Quốc thì lại tập trung vào việc đối phó với các tranh chấp trên vùng biển Đông và Hoa Đông. Chỉ có Nhật Bản là nước duy nhất quan sát tham vọng  biển của Nga. Từ sau khi Liên Xô cũ sụp đổ năm 1992, tại vùng biển Nhật Bản hầu như chỉ có tàu ngầm Mỹ hoạt động. Nhưng nay Hải quân Nhật đang phải gánh một trách nhiệm nặng nề là theo dõi các hoạt động ngày càng tăng của tàu ngầm Nga trong khu vực, trong khi vẫn phải để mắt tới lực lượng quân sự của Trung Quốc và Triều Tiên, và ngân sách chi cho quốc phòng nước này đang bị chững lại. Vấn đề của Hải quân Nga là phải tìm được nguồn vốn và khắc phục được những nhược điểm trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng của mình, trước khi có thể tái khẳng định vai trò chiến lược của mình tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Băng tan chảy ở Bắc Cực cho phép Nga có thể mở rộng dấu ấn quân sự của mình. Tuy nhiên, trong khi Mỹ  có khả năng để “tái cân bằng” lực lượng quân sự từ Trung Đông đến châu Á thì việc Nga có thể biến giấc mơ Thái Bình Dương của mình thành hiện thực hay không hiện vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Theo Đất Việt