Nga xây dựng lực lượng đặc nhiệm mới có thể trang bị máy bay Su-34

03/04/2013 07:34
Đông Bình
(GDVN) - Nga muốn thành lập lực lượng đặc nhiệm trên 100 quân, có thể trang bị các vũ khí hạng nặng như xe bọc thép, trực thăng, máy bay chiến đấu...
Binh sĩ Lực lượng đặc nhiệm Nga
Binh sĩ Lực lượng đặc nhiệm Nga

Tờ "Giải phóng quân" Trung Quốc vừa có bài viết cho biết, ngày 6/3, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Gerasimov tiết lộ, lực lượng đặc nhiệm này có hơn 100 quân, có thể tác chiến toàn cầu, đồng thời trang bị các loại vũ khí hạng nặng như xe bọc thép, máy bay trực thăng, pháo ngắm thẳng, thậm chí máy bay chiến đấu.

Như vậy, những trang bị nào của Nga sẽ được biên chế cho lực lượng đặc nhiệm mới?

1. Xe chiến đấu bánh lốp kiểu mới

Căn cứ vào biên chế 100 quân để tính toán thì đây là một lực lượng tinh nhuệ cấp đại đội. Do phải ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ tác chiến, xe bọc thép và xe tăng bánh xích hạng nặng chắc chắn không được chọn. Vì vậy, xe bọc thép bánh lốp có tính cơ động mạnh sẽ được lựa chọn đầu tiên.

Xe chiến đấu bánh lốp kiểu mới hiện có của Lục quân Nga là BTR-82. Loại xe chiến đấu này đã có hơn 300 chiếc trang bị cho quân Nga, trên xe cơ sở trang bị nhìn đêm mới, hệ thống dẫn đường GLONASS, đồng thời đã trang bị động cơ có mã lực lớn hơn, có thể chọn sử dụng súng máy 14,5 mm hoặc lắp tháp pháo cỡ nòng 30 mm.

Xe bọc thép bánh lốp BTR-82 mới của Nga
Xe bọc thép bánh lốp BTR-82 mới của Nga

Một sự cân nhắc để lựa chọn loại xe này là, có thể sử dụng xe chi viện hỏa lực 2S23 “Nona-SVK” có khung xe tương đồng BTR-82, như vậy đã làm giảm sức ép về hậu cần.

Xe chi viện hỏa lực “Nona-SVK” lắp pháo 120 mm Type 2A60, hỗ trợ hỏa lực ngắm thẳng cho lực lượng đặc nhiệm. Ngoài ra, loại xe chi viện hỏa lực này còn có thể trang bị súng cối, cung cấp hỏa lực bắn vòng.

2. Máy bay trực thăng vận tải Mi-8

Trên quốc tế, máy bay trực thăng Nga đã có mức độ nổi tiếng tương đối cao. Bất kể là Mi-28 Havoc hay K-50 Black Shark đều có khả năng tấn công mạnh.

Nhưng, tác chiến của lực lượng đặc nhiệm dẫu sao cũng khác với chiến dịch của binh đoàn lớn, sử dụng máy bay trực thăng vũ trang chuyên dụng sẽ giống như dùng “dao trâu mổ gà”.

Xét tới môi trường tác chiến và nhu cầu nhiệm vụ trong tương lai của lực lượng đặc nhiệm Nga, máy bay trực thăng vận tải có khả năng tấn công nhất định như Mi-8 trái lại là sự lựa chọn tốt hơn.

Loại máy bay trực thăng này có thể chở lực lượng đặc nhiệm tiến hành đổ bộ nhanh chóng, sau đó tiến hành chi viện hỏa lực đối đất cự ly gần. Tính theo tiêu chuẩn 1 xe bọc thép BTR-82 có 7 người, một máy bay Mi-8 có 15 người, thì vận chuyển 100 người chỉ cần 10 xe bọc thép và 2 máy bay trực thăng.

Máy bay trực thăng vũ trang-vận tải Mi-8 Nga
Máy bay trực thăng vũ trang-vận tải Mi-8 Nga

Còn có một khả năng nữa, tác chiến đặc biệt hoàn toàn không cần xe bọc thép nhiều như đại đội bộ binh cơ giới. Vì vậy, số lượng xe bọc thép có thể giảm xuống 6 chiếc.

Như vậy, 3 máy bay vận tải IL-76 có thể đủ vận chuyển toàn bộ binh sĩ và xe tới khu vực tác chiến ngoài 4.000 km, hiệu suất cũng tương đối cao.

3. Máy bay chiến đấu ném bom Su-34

Còn về máy bay tác chiến, máy bay chiến đấu kiểm soát trên không đơn thuần khó kết hợp với lực lượng đặc nhiệm, còn máy bay tấn công đối đất đơn thuần Su-25 thì không thích hợp lắm với tác chiến tầm xa. Vì vậy, khả năng lựa chọn máy bay chiến đấu ném bom Su-34 hoặc máy bay chiến đấu đa năng Su-30 sẽ lớn hơn.

Thực ra, về công dụng, máy bay chiến đấu đa năng Su-30 có thể được coi là sự lựa chọn hàng đầu. Máy bay chiến đấu này có thể sử dụng các loại vũ khí không đối đất như tên lửa không đối không cự ly trung bình R-77, tên lửa tấn công đối đất Kh-59 và tên lửa dẫn đường laser dòng KAB.

Nhưng vấn đề là Su-30 “nở hoa trong nhà mà thơm ngoài ngõ”, số lượng trang bị ở nước ngoài rất nhiều, trong khi Không quân Nga chỉ có khoảng 20 chiếc, kinh nghiệm sử dụng không phong phú lắm.

Máy bay chiến đấu Su-30 Nga
Máy bay chiến đấu Su-30 Nga

Nhìn vào cơ cấu binh lực của Không quân Nga, khả năng lựa chọn máy bay Su-34 lớn hơn. Mặc dù bị hạn chế bởi nguyên nhân kinh phí, nhưng Không quân Nga đang nỗ lực trang bị 124 máy bay Su-34 trước năm 2020. Ngoài tính cơ động linh hoạt trên chiến trường hơi kém, Su-34 hơn hẳn Su-30 về các mặt như lượng tải đạn, hành trình.

Su-34 thậm chí không cần tiếp dầu cũng có thể phối hợp với máy bay vận tải IL-76 tiến hành bay chuyển trạm 4.000 km; về số lượng, 2-4 máy bay Su-34 là đủ.

Với việc bố trí như trên, lực lượng đặc nhiệm mới của Nga theo suy đoán, cho dù có thêm cả đạn dược và nhu yếu phẩm hậu cần, thì 4 máy bay vận tải IL-76 là có thể đảm đương nhiệm vụ vận tải.

Như vậy, ngoài máy bay trực thăng, chỉ cần được hỗ trợ sân bay, toàn bộ binh sĩ, trang bị, bao gồm máy bay tác chiến, có thể triển khai tới địa điểm ngoài 4.000 km trong thời gian 5-6 giờ. Nếu được hỗ trợ của máy bay tiếp dầu thì khoảng cách này sẽ còn tăng lớn.

Máy bay chiến đấu ném bom Su-34 Nga
Máy bay chiến đấu ném bom Su-34 Nga

Con đường hiện thực của lực lượng đặc nhiệm mới

Xem xét một cách bình tĩnh, việc Quân đội Nga đưa ra ý tưởng “lực lượng đặc nhiệm mới” (sau khi tham khảo kinh nghiệm trong và ngoài nước) là rất kỳ lạ.

Nói đó là lực lượng đặc nhiệm, nhưng các trang bị như xe bọc thép, máy bay trực thăng, thậm chí trang bị máy bay tác chiến, thì hỏa lực đều vượt xa lực lượng đặc nhiệm của Mỹ.

Nói nó là lực lượng phản ứng nhanh, nhưng quân số lại quá ít, còn xa mới đạt quy mô lực lượng phản ứng nhanh của sư đoàn nhảy dù 82 và 101 của Quân đội Mỹ.

Cơ cấu của lực lượng này tương đối phức tạp, không chỉ có xe bọc thép, mà còn có máy bay tác chiến, điều này đã đem lại một loạt vấn đề về chỉ huy và hậu cần. Đó là phải tổ chức vận tải đường không như thế nào, lực lượng nào phụ trách bảo vệ máy bay chiến đấu ném bom, ai chỉ huy trên chiến trường…

Chỉ khi những vấn đề này được giải quyết, thì lực lượng mới này mới có thể đưa vào sử dụng. Thực ra, những vấn đề này quân Mỹ đã có phương án – thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt (đặc nhiệm).

Ngay từ tháng 12/2012, tờ “Izvestia” Nga đã dẫn nguồn tin từ cấp cao quân đội cho biết, các quan chức của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang và Tổng cục Tình báo Quân sự Nga thúc giục Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nhanh chóng quyết định vấn đề thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt.

Máy bay vận tải IL-76 Nga
Máy bay vận tải IL-76 Nga

Dựa vào phương án thành lập do Bộ Tổng tham mưu Nga đưa ra, binh lực chủ yếu trực thuộc Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt Nga gồm: Trung tâm đặc nhiệm trực thuộc Bộ Quốc phòng, cộng với một đại đội đặc nhiệm và 2 đại đội bay.

Trong đó Trung tâm đặc nhiệm là lực lượng tác chiến cốt cán, đại đội đặc nhiệm và đại đội bay đều là lực lượng chi viện, chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm như chi viện hỏa lực, vận chuyển binh sĩ và vật tư.

Nhưng, việc điều chỉnh biên chế, thể chế của Nga luôn là một vấn đề nan giải lớn. Bài học xương máu của chiến tranh Chechnya trước đây đều làm cho quân Nga chưa thể thành lập được các bộ tư lệnh chức năng như Bộ Tư lệnh vận tải, Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt. Đến nay, phương án đề nghị thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt vẫn chưa được phê chuẩn.

Lần này, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nga phải chăng có thể thực hiện được nguyện vọng của Quân đội Nga, vẫn còn phải đợi quan sát.

Đông Bình