Người “Cải lão hoàn đồng” cho những khẩu súng

07/11/2011 10:53
Theo QĐND
Là kỹ thuật viên, Cẩm Tú luôn say mê, trách nhiệm với công việc; bám sát công nhân để tìm hiểu, thu thập thông tin...
Từ đầu năm đến nay, Nhà máy Z133 (Tổng cục Kỹ thuật) có gần 70 đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn sửa chữa, sản xuất. Song, sáng kiến “Giá bắn thử súng tiểu liên AK sau sửa chữa” của Trung tá QNCN Lê Thị Cẩm Tú (kỹ thuật viên, Tổ sửa chữa súng - pháo, Phân xưởng A56) thiết kế, chế tạo được nhiều lính thợ cần đến. Đại tá Nguyễn Tiến Dũng, Chính ủy Nhà máy Z133 cho chúng tôi biết: “Sáng kiến của Cẩm Tú không những bảo đảm an toàn tuyệt đối cho xạ thủ; gá lắp, hiệu chỉnh trên giá bắn đơn giản, dễ sử dụng, đường ngắm ổn định, độ chính xác cao, mà năng suất bắn thử tăng 300% so với trước”.
Trung tá QNCN Lê Thị Cẩm Tú (bên phải) hướng dẫn thợ sử dụng “Giá bắn thử súng tiểu liên AK sau sửa chữa”.
Trung tá QNCN Lê Thị Cẩm Tú (bên phải) hướng dẫn thợ sử dụng “Giá bắn thử súng tiểu liên AK sau sửa chữa”.
Là kỹ thuật viên, Cẩm Tú luôn say mê, trách nhiệm với công việc; bám sát công nhân để tìm hiểu, thu thập thông tin, kịp thời phát hiện những bất hợp lý trong sửa chữa, sản xuất; trực tiếp tìm ra giải pháp khắc phục. Vì vậy, các sáng kiến của chị đều được áp dụng rộng rãi trong nhà máy, không những góp phần làm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trung bình mỗi năm, chị có một đề tài, sáng kiến. Ví dụ, năm 2008, Cẩm Tú cho ra đời sáng kiến “Đồ gá khoan bệ đỡ góc tà, chi tiết thay thế 122M30”; Năm 2009 là các sáng kiến “Dưỡng kiểm tra chiều cao đầu ruồi súng AK” và “Bệ đỡ bọt nước máy ngắm cơ khí lựu pháo 122-M30”; “Dưỡng kiểm tra kích thước phi 3,55mm cán ren thông nòng súng tiểu liên AK” (năm 2010)…

Cẩm Tú tâm sự: “Khó khăn nhất đối với đội ngũ thợ sửa chữa là hầu hết các loại súng, pháo đã quá cũ, xuống cấp, lại không có mẫu, bản vẽ hướng dẫn… Vì vậy, để có thể nghiên cứu, cải tiến quy trình sửa chữa, đòi hỏi người thợ không chỉ nắm vững kiến thức về kỹ thuật, mà còn phải sử dụng thành thạo ngoại ngữ để đọc được các tài liệu tham khảo…”.

Sinh năm 1968, Cẩm Tú vào nhà máy làm thợ nguội (năm 1985), rồi thợ sửa chữa máy ngắm. Trong quá trình lao động, do yêu cầu nhiệm vụ, nên suốt 6 năm liền Cẩm Tú vừa đi làm, vừa nuôi con nhỏ, vừa theo học đại học.

Sự nỗ lực, cố gắng hết mình của Cẩm Tú không những giúp chị thường xuyên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mà còn được anh chị em trong đơn vị mệnh danh là người “cải lão hoàn đồng” cho những khẩu súng, pháo - một việc thường không dành cho phái yếu.

Theo QĐND