Nhật Bản: Tàu ngầm TQ xâm nhập lãnh hải sẽ bị lôi lên mặt nước

15/05/2013 07:21
Đông Bình
(GDVN) - "Một khi phát hiện thấy xuất hiện tàu ngầm ở lãnh hải Nhật Bản, Lực lượng Phòng vệ Biển sẽ áp dụng hành động buộc nó phải nổi lên mặt nước".
Tàu ngầm diesel lớp Nguyên Trung Quốc
Tàu ngầm diesel lớp Nguyên Trung Quốc

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, trong tình hình đối đầu tranh chấp đảo Senkaku giữa Trung-Nhật, Nhật Bản đã “trông gà hóa cuốc” về bảo vệ an ninh trên biển.

Kế tiếp sau báo cáo bảo đảm an ninh biển năm 2013 do Nhật Bản lần đầu tiên công bố, trong cùng ngày 12/5, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tiết lộ với truyền thông rằng có “tàu ngầm không lai lịch” xuất hiện ở vùng biển tiếp giáp của Nhật Bản.

Mặc dù Nhật Bản cho rằng tàu ngầm này không rõ quốc tịch và không đi vào lãnh hải Nhật Bản, nhưng một số phương tiện truyền thông và quan chức Chính phủ Nhật Bản vẫn cho rằng, tàu ngầm này là của Trung Quốc.

Theo tờ “Asahi Shimbun”, ngày 13/5, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, đêm ngày 12/5, một chiếc tàu ngầm không rõ lai lịch đã hoạt động ở vùng biển tiếp giáp giữa lãnh hải Nhật Bản ở phía nam đảo Kume, Okinawa với vùng biển quốc tế.

Vào sáng ngày 13/5, tàu ngầm này chạy ra khỏi vùng biển tiếp giáp, chạy hướng đông nam. Theo bài báo, đây là trường hợp do máy bay tuần tra P-3 của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản xác nhận.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn cho biết, vào đêm ngày 2/5, cũng có một tàu ngầm lạ đã tiến hành hoạt động trong thời gian ngắn ở vùng biển phía tây đảo Kago và Amani.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, theo quy định của luật pháp quốc tế, khi hoạt động ở lãnh hải nước khác, tàu ngầm phải nổi lên mặt nước và cắm cờ lên, nhưng hoạt động ở vùng tiếp giáp không vi phạm luật pháp quốc tế.

Theo bài báo, do tàu thuyền của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản không thể ứng phó với tàu ngầm khi lặn, một khi phát hiện thấy xuất hiện tàu ngầm ở lãnh hải Nhật Bản, Lực lượng Phòng vệ Biển sẽ áp dụng hành động cảnh báo để ứng phó.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Ngày 13/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, nếu tàu ngầm lạ nước ngoài xông vào lãnh hải Nhật Bản, sẽ áp dụng biện pháp, buộc nó phải nổi lên mặt nước.

Khi trả lời phỏng vấn báo chí, Itsunori Onodera cho hay, “kế hoạch khi đó là, nếu tàu ngầm xâm nhập lãnh hải Nhật Bản, sau khi được đồng ý của Thủ tướng Shinzo Abe, lập tức áp dụng hành động phòng bị trên biển”.

Hãng Kyodo cho biết, lần này Itsunori Onodera nhấn mạnh sẽ kiên quyết ứng phó, kiềm chế nước có liên quan. Còn về quốc tịch của tàu ngầm, ông nói: “Điều này sẽ bộc lộ năng lực của Lực lượng Phòng vệ, không có ý định công bố”.

Về thân phận của “tàu ngầm bí mật” này, truyền thông Nhật Bản liên tiếp phỏng đoán. Theo đài truyền hình NHK, hiện nay Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang đẩy nhanh điều tra con đường đi và quốc tịch của tàu ngầm lạ, đồng thời cũng sẽ xác nhận mối quan hệ giữa tàu ngầm này với tàu ngầm xuất hiện ở vùng tiếp giáp Nhật Bản vào đêm 12/2.

Bài báo còn cho rằng, ngay từ năm 2004, tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Nhật Bản ở vùng biển Ishigaki. Ngoài ra, vào năm 2010, tàu ngầm Trung Quốc cũng từng cùng với tàu khu trục chạy trên vùng biển quốc tế giữa đảo Okinawa và đảo Miyako.

Bài viết trên tờ “Sankei Shimbun” đặt câu hỏi tít là: “Lẽ nào tàu ngầm chạy ở vùng biển tiếp giáp phía nam đảo Kume, Okinawa là tàu ngầm của Trung Quốc?”. Theo bài báo, nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, tàu ngầm lạ phát hiện ngày 13/5 “xem ra là tàu ngầm Trung Quốc”, hiện đang phân tích chi tiết mục đích hoạt động của nó.

Tàu công vụ Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vùng biển đảo Senkaku
Tàu công vụ Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vùng biển đảo Senkaku

Ngoài ra, tờ “Yomiuri Shimbun” cho biết, sáng ngày 13/5, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản phát hiện 3 tàu hải giám Trung Quốc lần lượt xâm nhập vùng biển đảo Senkaku. Đây là hoạt động xâm phạm lãnh hải tiếp tục của tàu công vụ Trung Quốc. Theo bài báo, từ đầu năm đến nay, tàu công vụ Trung Quốc đã có tổng cộng 24 ngày xâm phạm lãnh hải Nhật Bản, vượt 23 ngày năm 2012.

Cùng với nhấn mạnh đến mối đe dọa từ Trung Quốc, một số chính khách Nhật Bản gần đây cũng có những quan điểm khác nhau về lịch sử chiến tranh. Theo hãng Kyodo, ngày 12/5, sau khi bà Sanae Takaichi – Trưởng ban Chính sách Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) bày tỏ nghi ngờ “bài phát biểu Murayama” thức tỉnh lịch sử xâm lược Nhật Bản, sau đó sang ngày 13/5, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 13/5 đã tái khẳng định, lập trường của Chính phủ Nhật Bản đối với “bài phát biểu Murayama” là không thay đổi. Đồng thời cho biết, phát biểu của bà Sanae Takaichi thuộc quan điểm cá nhân.

Về việc Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ vừa công bố báo cáo quan hệ Nhật-Mỹ, phê phán quan điểm lịch sử và những tuyên bố có liên quan của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và nói ông là người “theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn”, ngày 13/5, tại hội nghị của Ủy ban ngân sách Thượng viện, ông Shinzo Abe nói: “Lý tưởng của nước tôi không được hiểu đầy đủ, điểm này rất đáng tiếc. Để làm cho (đối phương) hiểu đúng, phải tích cực tiến hành thu thập thông tin và thông báo hoạt động”.

Về bản thân báo cáo, Shinzo Abe chỉ cho biết: “Đây không phải là cách nhìn nhận chính thức của Quốc hội Mỹ”. Ông đồng thời nhấn mạnh: “yêu cầu sửa chữa sai lầm và tư thế trình bày quan điểm của tôi rất quan trọng, sẽ tăng cường cơ chế tuyên truyền”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trương sửa đổi Hiến pháp, xây dựng quân đội chính quy, nới lỏng xuất khẩu vũ khí, cứng rắn với Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ... Nếu đảng cầm quyền của ông thắng cử trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản vào tháng 7/2013 thì sẽ thuận lợi cho thực hiện chủ trương của ông Shinzo Abe
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trương sửa đổi Hiến pháp, xây dựng quân đội chính quy, nới lỏng xuất khẩu vũ khí, cứng rắn với Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ... Nếu đảng cầm quyền của ông thắng cử trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản vào tháng 7/2013 thì sẽ thuận lợi cho thực hiện chủ trương của ông Shinzo Abe

Ngày 13/5, thị trưởng Osaka là Hashimoto Toru còn cho rằng, chế độ nô lệ tình dục thời chiến tranh là tất yếu. Điều này đã lập tức bị quan chức Chính phủ Hàn Quốc phê phán. Phía Hàn Quốc cho biết, quan chức cấp cao Nhật Bản đưa ra phát ngôn như vậy đã cho thấy thiếu nhận thức về lịch sử và thiếu tôn trọng đối với phụ nữ, gây thất vọng.

Đông Bình