Nhật Bản dễ dàng sở hữu khả năng tấn công các mục tiêu của kẻ thù

09/05/2013 08:36
Việt Dũng
(GDVN) - Do Nhật Bản nắm được các công nghệ mũi nhọn như tên lửa, nên nếu luật pháp được nới lỏng, Nhật Bản sẽ có khả năng tấn công mạnh trong thời gian ngắn.
Máy bay chiến đấu F-2A do Nhật Bản tự chế tạo
Máy bay chiến đấu F-2A do Nhật Bản tự chế tạo

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) muốn viết vào “Đại cương kế hoạch phòng vệ” bản sửa đổi các nội dung như năng lực tấn công căn cứ đối phương, tăng cường năng lực tác chiến đổ bộ, gây sự chú ý mạnh mẽ cho dư luận bên ngoài.

Được Mỹ hậu thuẫn, lực lượng vũ trang Nhật Bản mặc dù mang danh nghĩa "Lực lượng Phòng vệ", nhưng năng lực tấn công lại không ngừng tăng cường.

Tờ Chosun Ilbo Hàn Quốc ngày 7/5 cho rằng, xét thấy Nhật Bản đã nắm giữ các công nghệ mũi nhọn như tên lửa, một khi nới lỏng sự trói buộc về pháp lý, Nhật Bản sẽ có năng lực tấn công mạnh mẽ trong thời gian ngắn.

Đài truyền hình NHK Nhật Bản ngày 6/5 cho biết, Đảng Dân chủ (DPJ) Nhật Bản từng công bố đại cương phòng vệ mới nhằm vào tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng, đại cương phòng vệ này hoàn toàn không phản ánh sự thay đổi của thời đại, đang thúc đẩy sửa đổi.

Căn cứ vào hiến pháp hòa bình hiện hành và các nguyên tắc phòng vệ, Nhật Bản tạm thời không có tên lửa hành trình tầm trung và xa có thể tấn công căn cứ của đối phương, vì vậy lực lượng tấn công tầm xa của Nhật Bản chủ yếu dựa vào Lực lượng Phòng vệ Trên không.

Máy bay chiến đấu F-4EJ của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản
Máy bay chiến đấu F-4EJ của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản

Nhưng tạp chí "J Wing" Nhật Bản cho rằng,  phần lớn máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Trên không, chỉ có thể tiến hành không chiến, máy tính trên máy bay cũng không lắp phần mềm tấn công đối đất, không thể ném bom dẫn đường chính xác.

Trong khi đó, máy bay chiến đấu F-4EJ thích hợp với tấn công đối đất lại quá lão hóa, hệ thống cảnh báo điện tử lạc hậu nghiêm trọng, không có tên lửa chống bức xạ thích hợp yểm hộ, khó mà chọc thủng mạng lưới hỏa lực phòng không của đối phương.

Còn máy bay chiến đấu chi viện F-2, về lý thuyết có thể mang theo tên lửa không đối đất tác chiến, nhưng loại máy bay chiến đấu do Nhật Bản tự nghiên cứu chế tạo này cần được cải tiến thì mới có thể trang bị vũ khí tấn công đối đất do Mỹ chế tạo.

Tuy nhiên, thông qua phối hợp với Mỹ ngăn chặn CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc, Nhật Bản cố gắng giành được sự ủng hộ của Mỹ, tiến hành nâng cấp lực lượng quân sự.

Tờ "Tin tức Quốc phòng" Mỹ tiết lộ, bắt đầu từ năm 2011, Lực lượng Phòng vệ Trên không liên tục thúc đẩy cải tạo nâng cấp máy bay chiến đấu F-2, chương trình cốt lõi là trang bị bom dẫn đường chính xác JDAM do Mỹ chế tạo, sử dụng GPS dẫn đường, có thể ném bom cách mục tiêu 40-60 km, từ đó tránh bị mạng lưới hỏa lực phòng không đối phương tấn công, tiến hành tấn công mục tiêu rồi nhanh chóng rút lui.

Bom dẫn đường chính xác JDAM Type GBU-31 do Mỹ chế tạo
Bom dẫn đường chính xác JDAM Type GBU-31 do Mỹ chế tạo

Tạp chí "Quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương" của Đài Loan cho rằng, trên cơ sở Trung Quốc và Hàn Quốc liên tục sở hữu tên lửa hành trình có tầm phóng trên 1.000 km, Bộ Quốc phòng Nhật Bản rất có thể cũng tiến hành phát triển loại vũ khí tương tự.

Xét thấy tiềm năng công nghệ của Nhật Bản trên các phương diện như dẫn đường vệ tinh, động cơ phản lực cỡ nhỏ và vât liệu composite, nếu trở ngại luật pháp được loại bỏ, phát triển tên lửa hành trình trang bị cho máy bay chiến đấu không phải là một việc gì khó khăn.

Ngoài vũ khí trang bị cho máy bay chiến đấu này, tờ Chosun Ilbo còn cho rằng, Nhật Bản có khả năng phát triển và bố trí tên lửa hành trình trực tiếp ngắm chuẩn Triều Tiên trong thời gian ngắn.

Tờ Chosun Ilbo tiết lộ, đối với tranh chấp đảo Senkaku, Đảng Tự do Dân chủ vẫn chủ trương tăng cường năng lực tác chiến đổ bộ của Lực lượng Phòng vệ. Theo tạp chí "Ships of the world" Nhật Bản, cải cách hướng vào tác chiến trên biển của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất đang được đẩy nhanh, trọng điểm là xây dựng lực lượng WAiR thành lực lượng "bán lính thủy đánh bộ" để tiến hành đoạt lại lãnh thổ khi đảo Senkaku bị xâm chiếm.

Theo bài báo, lực lượng này sẽ nhanh chóng nhập khẩu xe chiến đấu đổ bộ AAAV-7 do Mỹ chế tạo, đồng thời thúc đẩy nâng cấp khả năng tác chiến liên hợp của toàn bộ Lực lượng Phòng vệ.

Xe chiến đấu đổ bộ AAAV-7 do Mỹ chế tạo
Xe chiến đấu đổ bộ AAAV-7 do Mỹ chế tạo
Việt Dũng