Nhật Bản diễn tập đoạt đảo, can dự Biển Đông khiến Trung Quốc tức tối

24/05/2014 08:27
Đông Bình
(GDVN) - Đối với "chủ nghĩa hòa bình tích cực" mà Nhật Bản đang thể hiện, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích và không quên đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế.

Nhật Bản diễn tập đoạt đảo, can dự Biển Đông khiến Trung Quốc tức tối

Trang mạng phát thanh Đài Loan ngày 23 tháng 5 dẫn hãng tin Kyodo Nhật Bản đưa tin, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản tiến hành diễn tập đoạt đảo tại đảo không người ở quần đảo Amami, đảo Kagoshima.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong một cuộc tập trận đoạt đảo (ảnh tư liệu minh họa)
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong một cuộc tập trận đoạt đảo (ảnh tư liệu minh họa)

Từ sau khi Chính phủ Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa đảo Senkaku, quan hệ Trung-Nhật liên tục căng thẳng. Dư luận quốc tế cho rằng, cuộc diễn tập này là mô phỏng cách thức tiến hành phòng vệ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản khi Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm lấy đảo Senkaku.

Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã lên tiếng nói, Trung Quốc “yêu cầu Nhật Bản thiết thực nói rõ ý đồ thực sự của việc tăng cường sức mạnh quân sự tại khu vực có liên quan, Nhật Bản cần làm nhiều việc có lợi cho bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực”.

Trong khi đó, vào ngày 22 tháng 5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tiến hành hội kiến với Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam, cho biết, hoạt động khai thác đơn phương của Trung Quốc gây ra căng thẳng khu vực và gây lo ngại cho dư luận, Nhật Bản sẽ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời tiến hành phối hợp với Việt Nam.

Đối với vấn đề này, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi vu cáo cho rằng: "Ngôn luận liên quan của Nhật Bản bưng bít sự thực, làm lẫn lộn phải trái, mục đích là có ý đồ can thiệp tranh chấp Biển Đông, đạt mục đích chính trị đen tối. Chúng tôi thúc giục Nhật bản chấm dứt tất cả những lời nói và hành động khiêu khích, bằng hành động thiết thực để bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Đối với vấn đề này, thực tế là Trung Quốc đang xâm lược vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam (như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và các luật sư Việt Nam khẳng định).

Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, đã và đang dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực đối với Việt Nam, quấy rối các tàu chấp pháp của Việt Nam, dùng các phát ngôn chính thức cũng như truyền thông để đánh lừa dư luận, làm đảo lộn trắng đen, bất chấp sự thực chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các vùng biển có liên quan, thậm chí có ý đồ biến vùng biển không có tranh chấp (vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam) thành "vùng biển có tranh chấp", tham lam vô độ muốn hiện thực hóa "đường lưỡi bò" phi pháp, độc chiếm Biển Đông.

Báo Nhật kêu gọi Mỹ tăng quân ổn định ưu thế chiến lược ở châu Á

Tờ “chinatimes” Đài Loan ngày 23 tháng 5 còn dẫn trang mạng “Học giả ngoại giao” Nhật  Bản cho rằng, nếu Mỹ không thể ngăn chặn Trung Quốc và Nga, thì các đồng minh có thể mất lòng tin vào sức mạnh quân sự của Mỹ, từ đó tìm kiếm xây dựng sức mạnh vũ khí hạt nhân của mình. Bài viết kêu gọi Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự, tái lập ưu thế chiến lược của Mỹ ở châu Á.

Theo bài viết, thời đại vũ khí hạt nhân mới có các lão tiền bối Mỹ, Nga, Pháp và những nhân vật khá mới như Ấn Độ, Pakistan, trong khi đó Trung Quốc đang đổi mới kho vũ khí hạt nhân của họ; thế giới lưỡng cực, tương đối ổn định sắp kết thúc.

Một số nước sở hữu vũ khí hạt nhân đang tăng cường kho vũ khí của mình, một số nước thì tính giải trừ quân bị, tàu ngầm hạt nhân chiến lược trang bị tên lửa đạn đạo tàng hình là chiến lược quan trọng của thời đại hạt nhân thứ hai.

Mỹ-Philippines tập trận chung (ảnh tư liệu)
Mỹ-Philippines tập trận chung (ảnh tư liệu)

Bài viết cho rằng, khi nói về chiến lược tổng thể, Mỹ không thể không nói đến chiến lược hạt nhân, đồng thời phải có quyết tâm sử dụng chiến lược phi thông thường và thông thường để bảo vệ đồng minh khi xảy ra xung đột, đây chính là tạo nên nền tảng ưu thế chiến lược của Mỹ ở châu Á.

Vì vậy, Mỹ cần áp dụng thái độ chiến lược tích cực, điều này không chỉ có nghĩa là cung cấp bảo đảm an ninh hạt nhân cho các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, mà còn có nghĩa là phải tăng cường xây dựng lực lượng thông thường.

Theo các nguồn tin, trong tháng 4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Obama đã đến thăm 4 nước châu Á trong đó có 3 đồng minh nhằm củng cố hệ thống đồng minh tại khu vực, qua đây cam kết Mỹ sẽ kiên trì thực hiện chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, đáng chú ý là tăng cường hiện diện quân sự tại Philippines – trên hướng Biển Đông.

Trong sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-918, Mỹ đã nhiều lần lên tiếng phê phán Trung Quốc đang có các hành động khiêu khích, hung hăng, hiếu chiến, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực.

Mỹ cũng đã tích cực tiếp xúc, trao đổi với phía Việt Nam. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa mời Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tới Mỹ cùng tham vấn về Biển Đông.

Mỹ-Philippines tăng cường quan hệ đồng minh
Mỹ-Philippines tăng cường quan hệ đồng minh
Đông Bình