Nhật Bản muốn tiếp cận công nghệ tàng hình Mỹ phát triển Shinshin

16/12/2013 10:26
Việt Dũng
(GDVN) - Nhật Bản có tham vọng nội địa hóa trang bị không chiến, hợp tác với Mỹ có công nghệ chế máy bay thế hệ thứ 5 đối phó với mối đe dọa trong tương lai.
Nhật Bản đang phát triển máy bay chiến đấu Shinshin (ATD-X)
Nhật Bản đang phát triển máy bay chiến đấu Shinshin (ATD-X)

Tờ "Thanh niên Trung Quốc" ngày 13 tháng 12 đăng bài viết "Triển vọng máy bay chiến đấu Shinshin Nhật Bản chưa rõ: gây sức ép với Mỹ từ bỏ phong tỏa công nghệ" của tác giả Tống Lập Vĩ, Học viện Biên Phòng Trung Quốc.

Theo bài viết, cách đây không lâu, Cơ quan nghiên cứu công nghệ quốc phòng Nhật Bản đã công bố các hình ảnh máy bay thử nghiệm Shinshin (ATD-X) - máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Nhật Bản tiến hành thử nghiệm tĩnh, đồng thời có kế hoạch tiến hành bay thử lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2014.

Đứng trước tình hình các nước châu Á-Thái Bình Dương đang đua nhau đưa ra máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, Nhật Bản nóng lòng công bố tình hình nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu Shinshin, nhằm khẳng định họ có quyết tâm đẩy nhanh tăng cường thực lực quân sự, gây sức ép để Mỹ từ bỏ phong tỏa công nghệ.

Do Quốc hội Mỹ nhiều lần cấm cung cấp công nghệ lõi của máy bay tàng hình cho Nhật Bản, từ lâu Nhật Bản khó có thể đột phá được "nút cổ chai" về công nghệ tàng hình, sự ra đời của máy bay chiến đấu Shinshin đang là bước đi thử nghiệm để Nhật Bản đi theo hướng nội địa hóa trang bị không chiến.

Nhưng, nhìn vào rất nhiều vấn đề nghiên cứu phát triển phải đối mặt, con đường tương lai của máy bay chiến đấu Shinshin còn đầy biến số.

Máy bay chiến đấu ATD-X Nhật Bản
Máy bay chiến đấu ATD-X Nhật Bản

Tên tiếng Anh của máy bay thử nghiệm Shinshin là ATD-X, tên đầy đủ là "máy bay thử nghiệm công nghệ tiên tiến", nó là máy bay thử nghiệm được thiết kế để tiến hành định hình cho máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo F-3, dựa trên cơ sở đánh giá môi trường không chiến xung quanh trong tương lai; máy bay chiến đấu F-3 theo quan niệm của Nhật Bản có khả năng "F3", đó là "phát hiện trước" (First Look), "tấn công trước" (First Shoot) và "tiêu diệt trước" (First Kill). Tiêu chuẩn định vị thiết kế của nó rất cao.

Việc nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu chủ lực của Nhật Bản giành được một loạt tiến triển không tách rời sự hỗ trợ công nghệ của Mỹ. Vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, dưới sự viện trợ công nghệ của Mỹ, Nhật Bản từng nghiên cứu phát triển thành công máy bay chiến đấu phản lực nguyên mẫu F-2, tương tự như F-16 của Mỹ. Theo đó, sự phát triển của máy bay Shinshin đã được lợi từ kinh nghiệm nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu F-2.

Bắt đầu từ năm 2000, máy bay thử nghiệm Shinshin chính thức trở thành máy bay chiến đấu tàng hình nội địa do doanh nghiệp công nghiệp quân sự và cơ quan nghiên cứu Nhật Bản hợp tác đưa ra. Trong đó, công tác nghiên cứu tính cơ động cao do Phòng phát triển công nghệ 3 của Cơ quan nghiên cứu công nghệ Bộ Quốc phòng Nhật Bản hoàn thành, việc nghiên cứu về phương diện tàng hình chủ yếu do Công nghiệp nặng Mitsubishi phụ trách.

Máy bay chiến đấu F-2 Nhật Bản, được nghiên cứu chế tạo trên nền tảng máy bay F-16 của Mỹ (ảnh minh họa)
Máy bay chiến đấu F-2 Nhật Bản, được nghiên cứu chế tạo trên nền tảng máy bay F-16 của Mỹ (ảnh minh họa)

Rõ ràng, Nhật Bản nóng lòng nghiên cứu phát triển Shinshin là để rút ngắn khoảng cách thực lực trên không với các nước láng giềng. Trước mắt, máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor của Mỹ đã bước vào giai đoạn hoạt động, máy bay chiến đấu T-50 của Nga cũng cất cánh bay thử từ năm 2010, Trung Quốc cũng đã nghiên cứu chế tạo thành công máy bay nguyên mẫu J-20, vượt xa dự đoán của các chuyên gia quân sự Mỹ, Nhật; vào năm 2000, Hàn Quốc cũng đưa ra chương trình KFX - máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.

Một loạt thông tin này làm cho Nhật Bản "như ngồi trên đống lửa". Do tồn tại "tranh chấp không phận" lâu dài với các nước láng giềng, đồng thời là lực lượng quan trọng ngăn chặn Trung Quốc của đồng minh Mỹ-Nhật, Nhật Bản cần gấp máy bay chiến đấu thế hệ mới để thể hiện sự hiện diện quân sự của họ.

Việc nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu Shinshin cũng là con đường khám phá máy bay chiến đấu chủ lực trang bị tự chủ trong tương lai của Nhật Bản. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, máy bay tác chiến của Nhật Bản chủ yếu là máy bay hiện có mua của quân Mỹ hoặc là máy bay chiến đấu mới hợp tác nghiên cứu chế tạo, sản xuất với Mỹ và các cường quốc châu Âu.

Nhưng, chi phí cao trong hợp tác nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu F-2 với Mỹ làm cho Nhật Bản chùn bước. Đồng thời, sau năm 1998, Quốc hội Mỹ ra lệnh cấm bán công nghệ có liên quan đến máy bay chiến đấu tàng hình Raptor, Nhật Bản cuối cùng chỉ có thể đi con đường tự phát triển.

Máy bay chiến đấu F-4EJ Nhật Bản đã cũ kỹ
Máy bay chiến đấu F-4EJ Nhật Bản đã cũ kỹ

Ngoài ra, nghiên cứu chế tạo Shinshin cũng có nguyên nhân bên trong - đó là máy bay tác chiến F-4EJ hiện có của Nhật Bản đã vượt tuổi thọ, cần đổi mới thay thế gấp. Hơn 90 máy bay chiến đấu F-4EJ hiện có của Nhật Bản đã hoạt động gần 40 năm, cần gấp một loại máy bay mới phù hợp với nhu cầu tác chiến liên hợp hiện đại, tương đương với Không quân các nước lớn xung quanh để thay thế.

Máy bay chiến đấu Shinshin mặc dù là máy bay thử nghiệm giữa hai thế hệ máy bay chiến đấu, nhưng, nhìn vào nhiều chỉ tiêu thiết kế và kết cấu ngoại hình do Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố, tư tưởng thiết kế của họ không chỉ đã tiếp thu có hiệu quả ưu điểm của nhiều loại máy bay chiến đấu tiên tiến của quân Mỹ, mà còn đã dựa vào nhu cầu đặc biệt phù hợp với tác chiến đối không của Nhật Bản.

Nhìn vào ngoại hình, Shinshin giống với F-22, áp dụng bố cục thông thường 2 đuôi buông, 2 động cơ. Về tính năng tàng hình, thiết kế ngoại hình của nó cũng đã tham khảo tư tưởng thiết kế tàng hình của máy bay F-22 quân Mỹ. Thiết kế đường viền, đuôi bằng, đuôi buông và cánh máy bay cũng đã hỗ trợ cho nó tránh bị radar đối phương dò tìm ở nhiều góc độ.

Nhìn vào tính năng khí động học, đặc điểm khá nổi bật của máy bay Shinshin là có thể có tỷ lệ giữa lực đẩy và trọng lượng tương đối lớn. Có tài liệu cho biết, trọng lượng của máy bay thử nghiệm Shinshin chỉ bằng 1/3 máy bay F-22, trong khi đó lực đẩy động cơ của hai loại máy bay lại cơ bản tương đương.

Điều này có nghĩa là, máy bay Shinshin tuy không có bán kính tác chiến lớn như F-22, nhưng lại có tỷ lệ giữa lực đẩy và trọng lượng lớn hơn. Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản khi chiến đấu cự ly gần, tiêu diệt địch.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor Mỹ (ảnh minh họa)
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor Mỹ (ảnh minh họa)

Ngoài ra, Công nghiệp nặng Mitsubishi còn muốn tiến hành phát triển công nghệ IFPC đối với Shinshin. IFPC là công nghệ kiểm soát đẩy và bay tổng hợp, có thể tích hợp các hệ thống chỉ huy, kiểm soát/điều khiển, cảm biến, dẫn đường và tấn công của máy bay chiến đấu để đáp ứng quản lý lực đẩy, nâng cao hiệu suất của nhiên liệu và tính năng cơ động cho máy bay.

Rất nhiều thiết kế của Shinshin xem ra rất không tồi, nhưng rất nhiều công nghệ mới đều lần đầu tiên ứng dụng, có thể đạt được hiệu quả tác chiến dự kiến hay không vẫn còn chưa biết.

Nói chung, khả năng tàng hình trong thiết kế Shinshin làm cho nó có tính năng cơ động, đặc điểm chiến đấu cự ly gần nổi bật, đã thể hiện rõ Nhật Bản có quyết tâm coi trọng tranh đoạt quyền lợi trên biển, trên không ở khu vực tranh chấp.

Bài viết cho rằng, nhìn vào nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Mỹ, trang bị máy bay chiến đấu F-22 và F-35 đều đã trải qua một quá trình rất lâu dài, trong khi đó, máy bay Shinshin là máy bay thử nghiệm công nghệ, về các phương diện như hệ thống điều khiển bay, bố cục khí động học, khả năng trinh sát và tàng hình đều cách yêu cầu thực tế tương đối xa.

Cho nên, Nhật Bản tuyên bố đưa máy bay chiến đấu vào chiến đấu thực tế trong 6 năm thực sự là cách "thổi phồng" năng lực công nghiệp quân sự của họ.

Nhật Bản đã ký kết với Mỹ hợp tác nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu tàng hình F-35
Nhật Bản đã ký kết với Mỹ hợp tác nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu tàng hình F-35

Vì vậy, trong vài năm tới, Nhật Bản vẫn duy trì hợp tác với các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Mỹ, tiếp nhận công nghệ và trang bị nhiều hơn từ kho quân giới của Mỹ.

Ngày 5 tháng 11 năm nay, Tập đoàn IHI Nhật Bản và Công ty Pratt & Whitney Mỹ đã ký kết hợp đồng cùng sản xuất máy bay chiến đấu F-35. Việc ký kết hợp đồng này có nghĩa là doanh nghiệp Nhật Bản chính thức bắt đầu tham gia chế tạo máy bay chiến đấu F-35, đã mở ra một cánh cửa lớn rộng mở để ngành công nghiệp quân sự Nhật Bản tiếp cận công nghệ tàng hình.

Theo bài viết, máy bay chiến đấu F-35 do 9 quốc gia trong đó có Mỹ, Anh, Nhật Bản cùng tham gia nghiên cứu phát triển, đã thông qua đánh giá công nghệ và trang bị một bộ phận cho Không quân Mỹ.

Chính phủ Nhật Bản đã xác định mua 42 máy bay F-35. Có thể nói, trang bị F-35 sẽ giảm bớt phần nào sự lo ngại thiếu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản.

Có thể dự đoán, trong tham gia nghiên cứu chế tạo F-35, Nhật Bản có thể thu được không ít công nghệ có liên quan của máy bay chiến đấu tàng hình quân Mỹ, nhưng so với ưu thế công nghệ của F-22, Nhật Bản cần phải lấy Shinshin làm nền tảng nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới, vẫn phải khắc phục rất nhiều trở ngại công nghệ. Vì vậy, chương trình nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu Shinshin cuối cùng có thể đi bao xa vẫn còn là một ẩn số.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc có thể là đối thủ tương lai của Shinshin Nhật Bản.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc có thể là đối thủ tương lai của Shinshin Nhật Bản.
Việt Dũng