Trang bị nhập ngoại trên tàu hải giám của Trung Quốc:

Nhật Bản rất lo ngại vũ khí mới trên tàu hải giám của Trung Quốc

10/06/2013 09:37
Việt Dũng
(GDVN) - "Nhật Bản rõ ràng đang xây dựng một phòng tuyến bao vây, ngăn chặn Trung Quốc về công nghệ, nhất là công nghệ quân sự".
Nhật Bản lo ngại Pháp bán thiết bị hạ cánh máy bay trực thăng kiểu "tổ ong vò vẽ" cho Trung Quốc.
Nhật Bản lo ngại Pháp bán thiết bị hạ cánh máy bay trực thăng kiểu "tổ ong vò vẽ" cho Trung Quốc.

Tờ "Quốc tế trực tuyến" Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, ngày 6 tháng 6 Tổng thống Pháp Francois Hollande bắt đầu triển khai chuyến thăm chính thức 3 ngày tới Nhật Bản.

Trong thời gian chuyến thăm, ông Francois Hollande sẽ tiến hành hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, dự kiến hai bên sẽ tiến hành tham vấn về việc tăng cường hợp tác giữa hai nước Nhật-Pháp trên các lĩnh vực như bảo đảm an ninh và khai thác công nghệ hạt nhân.

Sau khi bước vào năm 2013, tình trạng ốm yếu của nền kinh tế Pháp vẫn chưa có chuyển biến tốt, tỷ lệ thất nghiệp và nợ công tiếp tục tăng cao, Chính phủ bất đắc dĩ phải điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng, đồng thời đẩy lùi đến cuối năm 2014 thực hiện mục tiêu giảm thâm hụt do EU đưa ra.

Như vậy, với tư cách là Tổng thống Pháp thăm Nhật Bản lần đầu tiên kể từ năm 1996 đến nay, trong chuyến thăm Nhật Bản lần này của ông Francois Hollande, hợp tác kinh tế cũng là một vấn đề quan trọng của hai nước.

Lữ Diệu Đông, chủ nhiệm Ban nghiên cứu ngoại giao, Phòng nghiên cứu Nhật Bản, Viện khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, ông Hollande thăm Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng đối với cả Pháp và Nhật Bản.

Lữ Diệu Đông cho rằng: "Giữa hai bên đều có một số vấn đề chung cần bàn thảo trên các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội. Cho nên, sự phát triển quan hệ song phương cũng đem lại lợi ích chung, như báo chí Nhật Bản đã nói, thông qua chuyến thăm lần này để xây dựng quan hệ đối tác hợp tác đặc biệt song phương. Cho nên, tôi cảm thấy, ý nghĩa chuyến thăm Nhật Bản lần này của ông Hollande là rất quan trọng đối với cả hai bên".

Thiết bị hạ cánh trực thăng của Pháp xuất khẩu cho Trung Quốc, hình ảnh do Nhật Bản công bố
Thiết bị hạ cánh trực thăng của Pháp xuất khẩu cho Trung Quốc, hình ảnh do Nhật Bản công bố

Có bài báo cho rằng, gần đây Chính phủ Pháp tăng cường quan hệ ngoại giao với Trung Quốc khiến cho Nhật Bản lo ngại. Trước đó, doanh nghiệp nghiên cứu phát triển và chế tạo tàu quân dụng quốc doanh lớn nhất của Pháp đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, giao dịch bán 11 bộ thiết bị đặc biệt hỗ trợ cho máy bay trực thăng hạ cánh xuống đường băng tàu chiến càng gây bất an cho Nhật Bản.

Nhật Bản cho rằng, khi Trung Quốc tiến hành tuần tra định kỳ đối với những hòn đảo tranh chấp, những thiết bị này giúp cho máy bay trực thăng Trung Quốc vẫn có thể tự do hạ cánh xuống đường băng tàu chiến trong điều kiện thời tiết xấu, sẽ tăng cường rất lớn khả năng tuần tra lập thể cho Trung Quốc.

Trong cuộc hội đàm cấp cao Nhật-Pháp lần này, dự kiến hai bên sẽ có thể đạt được nhất trí về việc khởi động đối thoại chính phủ xuất khẩu hàng dân dụng (có thể chuyển sang dùng cho mục đích quân sự) và thúc đẩy nghiên cứu phát triển chung về trang bị phòng vệ/quốc phòng.

Có tin cho biết, phía Nhật rất quan tâm đến việc Pháp ký kết xuất khẩu thiết bị hạ cánh máy bay trực thăng cho Trung Quốc, hầu như hy vọng lấy vấn đề này để ngăn chặn Pháp xuất khẩu loại hàng hóa này cho Trung Quốc. Chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng, Nhật Bản có ý định bao vây, ngăn chặn Trung Quốc về công nghệ quân sự.

Đỗ Văn Long nói: "Hiện nay, thiết bị trên đường băng tàu chiến này giống như một 'tổ ong vò vẽ', khi hạ cánh, máy bay trực thăng chìa ra 1 cái móc là có thể móc vào bất cứ một cái lỗ nào của tổ ong vò vẽ này, như vậy làm cho máy bay có thể hạ cánh ổn định trong tình hình tốc độ gió cao".

Máy bay trực thăng Trung Quốc trên tàu hải giám, chuẩn bị cất cánh
Máy bay trực thăng Trung Quốc trên tàu hải giám, chuẩn bị cất cánh

Nhật Bản sở dĩ nhạy cảm đối với vấn đề này, chủ yếu là do họ cho rằng, những thiết bị này sẽ lắp vào tàu hải giám của Trung Quốc để tuần tra khu vực, nếu tàu hải giám có thể cất cánh máy bay trực thăng thì có nghĩa là hoạt động "chấp pháp bảo vệ chủ quyền" ở khu vực không chỉ được tiến hành trên mặt biển, mà còn được tiến hành trên không.

Phương thức "lập thể" này là điều mà người Nhật Bản không muốn nhìn thấy, đây chính là dấu mốc cho việc tăng cường cường độ "chấp pháp bảo vệ chủ quyền" trong khu vực. Nếu những thiết bị hạ cánh này không bán cho người Trung Quốc, khả năng mang theo trực thăng trên tàu hải giám có thể sẽ giảm đi. Đặc biệt là trong điều kiện, tình hình biển phức tạp, có khả năng tàu sẽ ra khơi, nhưng máy bay trực thăng thì không thể đi theo.

Trước đó, hãng AFP cho biết, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 17 tháng 3 đã bày tỏ phản đối công ty công nghiệp quốc phòng Pháp bán thiết bị hạ cánh máy bay trực thăng cho Trung Quốc, cho rằng điều này sẽ làm trầm trọng hơn căng thẳng quan hệ Trung-Nhật, đe dọa sự kiểm soát của Nhật Bản đối với đảo Senkaku.

Theo bài báo, tập đoàn DCNS Pháp đã xuất khẩu ít nhất 11 bộ thiết bị hạ cánh trực thăng, có thể dùng cho máy bay trực thăng hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu. Đại sứ quán Nhật Bản tại Pháp cũng đã bày tỏ phản đối, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 17 tháng 3 cho biết: "Chúng tôi đã bày tỏ sự lo ngại của mình".

Tàu Hải giám-50 Trung Quốc đã sử dụng thiết bị hạ cánh máy bay trực thăng do Pháp chế tạo
Tàu Hải giám-50 Trung Quốc đã sử dụng thiết bị hạ cánh máy bay trực thăng do Pháp chế tạo

Nhật Bản lo ngại những thiết bị này sẽ tăng cường công nghệ hạ cánh máy bay trực thăng còn kém phát triển hiện nay của Trung Quốc, tạo ra mối đe dọa cho Nhật Bản ở đảo Senkaku. Nhưng, phía Pháp cho biết, giao dịch này nằm ngoài hiệp ước cấm bán vũ khí đối với Trung Quốc của EU.

Như vậy, Nhật Bản rõ ràng đang xây dựng một phòng tuyến bao vây, ngăn chặn Trung Quốc về công nghệ. Trước đây, Nhật Bản cũng tích cực thúc đẩy xây dựng liên minh các nước trong khu vực "có cùng quan niệm giá trị" để tạo vòng vây đối với Trung Quốc.

Người Nhật từng yêu cầu Ukraine không bán tàu đệm khí Zubr cho Trung Quốc, ngoài ra còn có một số hợp tác quốc phòng khác, muốn làm cho hợp tác quốc phòng của những nước này với Trung Quốc bị ngăn chặn. Vì vậy, bao vây công nghệ, đặc biệt là bao vây công nghệ quân sự, bao vây công nghệ quốc phòng cũng là một nước cờ đang được Nhật Bản tiến hành.

Máy bay trực thăng trên tàu Hải giám-83 Trung Quốc
Máy bay trực thăng trên tàu Hải giám-83 Trung Quốc

Việt Dũng