Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam vào năm 2015

02/06/2014 14:57
Đông Bình (nguồn báo chí TQ, Singapore)
(GDVN) - Theo báo Singapore, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, Việt Nam sẽ nhận được tàu tuần tra của Nhật Bản vào năm 2015, tăng cường khả năng phòng thủ trên biển.

Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam vào năm 2015

Tờ “Liên hợp buổi sáng” Singapore ngày 2 tháng 6 đưa tin, Việt Nam dự kiến đầu năm 2015 sẽ nhận được tàu cảnh sát biển do Nhật Bản cung cấp để tăng cường sức mạnh phòng thủ trên biển của nước này.

Tàu tuần tra Nhật Bản đối đầu với tàu hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển đảo Senkaku (ảnh minh họa)
Tàu tuần tra Nhật Bản đối đầu với tàu hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển đảo Senkaku (ảnh minh họa)

Theo bài báo, khi trả lời phỏng vấn tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh cho biết, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo lực lượng cảnh sát biển và chia sẻ tin tức tình báo, đồng thời cũng sẽ cung cấp tàu cho Việt Nam. Ông nói: “Tất cả tiến hành rất thuận lợi, chúng tôi có kế hoạch tiếp nhận những tàu này vào năm tới”.

Theo bài báo, khi phát biểu dẫn đề tại lễ khai mạc Shangri-La vào thứ Sáu, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công khai bày tỏ ủng hộ đối với Việt Nam và Philippines, nhấn mạnh, trong tranh chấp liên quan đến chủ quyền Biển Đông, Nhật Bản sẽ dành sự “hỗ trợ tối đa” cho các nước Đông Nam Á trên phương diện an toàn hàng hải và an toàn bay, bao gồm sẽ cung cấp viện trợ quân bị và kỹ thuật liên quan như tàu tuần tra trên biển cho hai nước Philippines và Việt Nam.

Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh
Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh

Theo bài báo, gần đây, do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan “trên Biển Đông có tranh chấp chủ quyền” (thực chất là ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam), quan hệ hai nước Trung-Việt trở nên căng thẳng, ở Việt Nam cũng đã nổ ra biểu tình phản đối Trung Quốc.

Tuyến đường hàng hải trên Biển Đông có thể bị cắt đứt nếu xung đột

Theo tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 30 tháng 5, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Bloomberg nhấn mạnh: Hành động gần đây của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đã xâm phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và DOC, đã đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định khu vực.

Trung Quốc cho tàu quân sự tham gia xâm lược vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Trung Quốc cho tàu quân sự tham gia xâm lược vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Nói đến giàn khoan Hải Dương 981, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam kiên quyết đấu tranh và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng lên tiếng, yêu cầu chính phủ Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.

Về quan điểm và phương thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang hết sức sử dụng phương thức hòa bình bảo vệ chủ quyền vùng biển của Việt Nam, bởi vì độc lập và chủ quyền của Việt Nam là thiêng liêng, không thể xâm phạm. Triển khai đấu tranh theo luật pháp quốc tế cũng là một trong những biện pháp hòa bình. Nhà lãnh đạo Việt Nam đang cân nhắc áp dụng phương thức này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn cho rằng, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc cách rất gần tuyến đường hàng hải Biển Đông bận rộn nhất trên thế giới, tổng lượng thương mại vận chuyển qua đây chiếm trên 2/3 tổng lượng thương mại của thế giới.

Bài báo dẫn lời Thủ tướng nói: Vì vậy, một khi có hành động thiếu trách nhiệm gây ra xung đột, sẽ cắt đứt tuyến đường vận chuyển hàng hóa to lớn này, như vậy, không chỉ khu vực này mà toàn thế giới đều phải gánh hậu quả không thể dự tính.

Ngày 30 tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn Bloomberg
Ngày 30 tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn Bloomberg

Theo Thủ tướng, hợp tác kinh tế của các nước đều dựa vào các nhân tố như kinh tế thị trường, bình đẳng, cùng có lợi, Việt Nam và Trung Quốc cũng không ngoại lệ. 

Đến nay, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trên các lĩnh vực như kinh tế thương mại, đầu tư, du lịch về tổng thể tương đối bình thường. 

Nhưng, sự kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đã gây ảnh hưởng đối với một số lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp ứng phó thích hợp.

Việt Nam đã chuẩn bị tốt cho hành động pháp lý

Những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng được rất nhiều phương tiện truyền thông quốc tế khác quan tâm, đăng tải, tạo được hiệu ứng tích cực.

Tờ “Tin tức Tham khảo” Trung Quốc ngày 2 tháng 6 dẫn tờ “Liên hợp buổi sáng” Singapore ngày 1 tháng 6 cho rằng, khi được phỏng vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Chúng tôi đã làm tốt chuẩn bị áp dụng hành động pháp lý. Chúng tôi đang cân nhắc khi nào mới là thời cơ tốt nhất áp dụng hành động này”.

Theo bài báo, vào tháng 3, Philippines đã đệ trình báo cáo kiện Trung Quốc lên tòa án trọng tài Liên hợp quốc, yêu cầu tòa án xác nhận quyền lợi được hưởng của Philippines trong vùng đặc quyền 200 hải lý. 

Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh gặp phải thách thức tư pháp quốc tế trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông, hành động này của Philippines đã gây ra bất mãn mạnh mẽ của Trung Quốc. Nếu Việt Nam làm theo Philippines, chắc chắn sẽ làm cho quan hệ Trung-Việt căng thẳng hơn, quan hệ kinh tế thương mại hai nước chắc chắn sẽ bị tác động.

Bài báo dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảnh báo, nếu các bên nổ ra xung đột công khai do vấn đề chủ quyền Biển Đông, không có bất cứ bên nào sẽ chiến thắng, bởi vì 2/3 thương mại vận chuyển đường biển của toàn cầu sử dụng tuyến đường của khu vực này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, phải chăng phải thực sự tiến hành kiện hay không hoàn toàn không phải là một việc dễ quyết định, bởi vì Trung Quốc là đối tác hợp tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Căn cứ vào số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương Việt-Trung năm 2013 đạt 50,2 tỷ USD, chiếm 15% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam đã tác động nhất định đến một số lĩnh vực của kinh tế Việt Nam. Nhưng Việt Nam đã áp dụng các biện pháp thích hợp. 

Đồng thời, Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, “chỉ khi nào chúng tôi buộc phải tự vệ thì Việt Nam mới áp dụng hành động quân sự” – bài báo trích dẫn lời Thủ tướng.

Đông Bình (nguồn báo chí TQ, Singapore)