Nhật Bản sẽ tiếp tục cân nhắc lại “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”

15/03/2013 07:30
Đông Bình
(GDVN) - Nhật Bản đang có rất nhiều động thái cho thấy họ tiếp tục tìm cách nới lỏng “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” để phù hợp với tình hình mới.
Máy bay và tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Máy bay và tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản


Muốn xuất khẩu vũ khí cho các nước có tranh chấp?

Ngày 13/3, tờ “Yomiuri Shimbun” Nhật Bản cho biết, đối với điều khoản cấm xuất khẩu vũ khí và các công nghệ liên quan cho các nước đang có tranh chấp quốc tế được quy định trong “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, tại Ủy ban ngân sách Hạ viện ngày 12/3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, cần phải nghiên cứu và thảo luận một cách nghiêm túc, trong thế giới hiện thực phải chăng có thể hoàn toàn loại bỏ những nước “trở thành mầm họa của các nước đang có tranh chấp”, căn cứ vào kết quả bàn thảo, bản thân “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” cũng cần phải sửa đổi.

Ngày 1/3, Chính phủ Nhật Bản nói rõ, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tham gia công tác nghiên cứu phát triển linh kiện máy bay chiến đấu chủ lực thế hệ mới F-35, đồng thời coi đây là trường hợp đặc biệt của “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” để xử lý.

Đối với vấn đề này, Thủ tướng Abe nhấn mạnh: “F-35 có các tính năng như radar rất khó phát hiện được, nên có khả năng răn đe. Nhưng, nếu từ bỏ việc mua sắm trực tiếp – một kênh giá rẻ, thì Nhà nước sẽ khó gánh nổi trách nhiệm bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân”.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ

Tờ “Hoa kiều mới” Nhật Bản cho hay, với việc Chính phủ Nhật Bản tăng mạnh ngân sách quốc phòng và “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” hữu danh vô thực, các doanh nghiệp quân sự Nhật Bản đều tìm cách tranh thủ kiếm được “miếng bánh” trong đơn hàng lớn mua vũ khí.

Đài truyền hình NHK Nhật Bản cho biết, trong ngân sách mới của Nhật Bản, chi tiêu quốc phòng tiếp tục tăng lớn sau 11 năm. So với năm 2012, chi tiêu quốc phòng tăng 35 tỷ yên trở lên. Rõ ràng, điều này có nguyên nhân là “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” của Nhật Bản thực sự đã bắt đầu được nới lỏng, hơn nữa môi trường lớn của thế giới cũng đã thay đổi rất lớn.

Trong tình hình này, hội nghị thường niên dành cho đối tượng doanh nghiệp do Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản tổ chức năm nay có sự tham dự của hơn 370 người, là một hội nghị có số người tham gia đông nhất, cho thấy sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Một đại diện doanh nghiệp cho biết: “Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp rất nghiêm trọng, nhưng tại hội nghị chúng tôi được biết chi tiêu quốc phòng năm mới đã tăng lên. Chúng tôi đã cảm nhận được sự thay đổi”.

Tàu ngầm diesel tiên tiến lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo
Tàu ngầm diesel tiên tiến lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo

Đối với các doanh nghiệp quốc phòng, bắt đầu từ ngày 1/3, là ngoại lệ của “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, máy bay chiến đấu F-35 (do quốc tế cùng thúc đẩy phát triển) cũng cho phép doanh nghiệp Nhật Bản tham gia. Nhưng, mặt khác, cho dù không có sự đồng ý của phía Nhật Bản, linh kiện vũ khí do Nhật Bản sản xuất cũng có thể cung cấp cho các nước khác. Vì vậy, có chuyên gia chỉ ra, “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” nếu không có cơ chế ràng buộc, sẽ có khả năng trở nên hữu danh vô thực.

Nhật-Anh hợp tác nghiên cứu quần áo phòng hóa

Theo tờ “Hoa kiều mới” Nhật Bản, kế tiếp việc các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia nghiên cứu phát triển, sản xuất máy bay chiến đấu F-35 được cho là ngoại lệ của “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, các doanh nghiệp công nghiệp nặng Nhật Bản lần lượt đẩy nhanh hợp tác quốc tế phát triển trang bị phòng vệ. Gần đây được biết, Nhật Bản và Anh đạt được một thỏa thuận về việc cùng nghiên cứu phát triển quần áo phòng hóa.

Theo bài báo, hiện nay, hai nước đã bước vào giai đoạn bàn thảo thực chất về trang bị, tài liệu. Nếu hai bên đạt được thỏa thuận cuối cùng, thì đây sẽ là lần đầu tiên Nhật Bản hợp tác với một nước ngoài Mỹ cùng nghiên cứu phát triển, sản xuất trang bị phòng hộ.

Trang bị phòng hóa của binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Trang bị phòng hóa của binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

Tháng 4/2012, Chính phủ hai nước Nhật, Anh đã đạt được nhất trí về việc nhanh chóng triển khai nghiên cứu phát triển chung, sản xuất trang bị phòng hộ, đồng thời bắt đầu bàn bạc kế hoạch ngăn ngừa để những trang bị này rơi vào tay nước thứ ba. Dự kiến, hai bên sẽ có khả năng đưa ra tại Hội nghị Ngoại trưởng G8 vào tháng 4/2013 hoặc Hội nghị các nhà lãnh đạo cấp cao G8 vào tháng 6/2013.

Lúc đầu đàm phán, Anh từng đề xuất cùng nghiên cứu phát triển linh kiện vũ khí trang bị như linh kiện pháo, động cơ tàu chiến, cuối cùng Nhật Bản đã lựa chọn quần áo phòng hóa. Cán bộ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết: “So với vũ khí tấn công, việc nghiên cứu phát triển chung vũ khí phòng ngự càng dễ nhận được sự đồng tình của người dân”.

Một nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết, trong Chính phủ có ý định thúc đẩy hợp tác quốc tế nghiên cứu phát triển và sản xuất trang bị phòng vệ, hiện nay còn đang nghiên cứu khả năng chuyển nhượng một phần công nghệ tàu ngầm cho Australia. Ngoài ra, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bày tỏ quan tâm tới công nghệ của Nhật Bản.

Năm 2011, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu bàn bạc sửa đổi “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”. Khi đó, nội các chính quyền Noda đã đưa ra phương án, cho phép các doanh nghiệp Nhật Bản có thể cùng nghiên cứu phát triển, sản xuất trang bị phòng vệ với nước khác. Ngày 1/3/2013, Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga cho biết, Nhật Bản chế tạo linh kiện vũ khí chỉ có thể cung cấp cho “những nước tuân thủ mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc”, đem lại không gian lớn hơn cho việc nới lỏng “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”.

Thủy phi cơ cỡ lớn US-2 do Nhật Bản sản xuất.
Thủy phi cơ cỡ lớn US-2 do Nhật Bản sản xuất.

Được biết, “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” do cựu Thủ tướng Nhật Bản Eisaku Sato lần đầu tiên đưa ra tại Quốc hội và công bố thực hiện vào năm 1967, tức là cấm xuất khẩu vũ khí cho các nước không thuộc phe tư bản chủ nghĩa, những nước bị Liên Hợp Quốc cấm vận vũ khí, những nước đang có xung đột quốc tế và những nước có nguy cơ xung đột.

Năm 1976, theo tinh thần của Hiến pháp hòa bình và quy định thắt chặt của luật ngoại hối, nội các Takeo Miki khi đó đã bổ sung thêm “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, thắt chặt hơn việc xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài. Điều này thực chất đã cấm toàn diện xuất khẩu vũ khí và các thiết bị, linh kiện có thể sản xuất vũ khí.

Máy bay vận tải quân sự cỡ lớn do Nhật Bản sản xuất
Máy bay vận tải quân sự cỡ lớn do Nhật Bản sản xuất

>> Follow us on Facebook
>> Tin mới nhất về tàu ngầm Kilo của Việt Nam
>> Báo Trung Quốc đăng ảnh các học viên tàu ngầm Việt Nam tại Nga
>> Nga thử nghiệm tàu ngầm Hà Nội cho Việt Nam

Đông Bình