Nhật Bản sẽ triển khai tàu vận tải cao tốc phòng thủ đảo Senkaku

28/07/2013 08:01
Việt Dũng
(GDVN) - Bộ Quốc phòng Nhật Bản muốn trang bị tàu vận tải cao tốc cho "Lực lượng Thủy quân lục chiến" bằng nguồn vốn tư nhân, tiết kiệm chi tiêu tài chính.
Xe của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được đưa lên tàu vận tải
Xe của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được đưa lên tàu vận tải

Ngày 26 tháng 7, tờ "Sankei Shimbun" Nhật Bản cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tiến hành thảo luận về việc trang bị tàu vận tải tốc độ cao làm lực lượng trụ cột của "lực lượng thủy quân lục chiến" theo phương thức tài chính tư nhân.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề xuất, sẽ dựa vào "Luật sử dụng tài chính tư nhân" (PFI) để lập ra công ty đặc biệt, trong thời bình dùng để vận chuyển thương mại bình thường, khi xảy ra sự kiện quan trọng hoặc theo nhu cầu huấn luyện sẽ bàn giao cho Lực lượng Phòng vệ sử dụng.

Đồng thời, để đảm bảo có kinh phí cho việc phân phối trang bị một cách tập trung và có hiệu quả cao. Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn đề xuất cần bảo đảm quyền sử dụng ưu tiên của Lực lượng Phòng vệ khi xảy ra các sự kiện quan trọng.

Theo bài báo, ngày 26 tháng 7, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công bố báo cáo trung hạn điều chỉnh "Đại cương kế hoạch phòng vệ".

Báo cáo chỉ ra, để tiếp tục tăng cường cảnh giới, theo dõi đối với đảo Senkaku, Nhật Bản sẽ đảm bảo khả năng phòng vệ cơ động cho "lực lượng thủy quân lục chiến", ngoài ra còn đặc biệt nhấn mạnh cần tích cực sử dụng các nguồn lực tư nhân, kết hợp với vận tải thương mại tư nhân để tiết kiệm có hiệu quả chi tiêu tài chính.

Đối với vấn đề này, biện pháp thực hiện cụ thể là dựa vào Luật PFI hợp tác với ngành phà tư nhân. Ngân sách năm tài khóa 2013 của Bộ Quốc phòng Nhật Bản yêu cầu phải bắt tay từ kinh phí và các sách lược thực thi cụ thể, đồng thời quyết định sẽ dựa vào phương án này chính thức đưa vào phương châm của Đại cương phòng vệ mới sau điều chỉnh, dự kiến sẽ chính thức đưa vào áp dụng năm 2015.

Tàu vận tải lớp Osumi, lượng giãn nước 8.900 tấn của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Tàu vận tải lớp Osumi, lượng giãn nước 8.900 tấn của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Được biết, trong công tác phòng thủ và theo dõi các hòn đảo ở vùng biển Hoa Đông, lực lượng WAiR của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất đóng vai trò là lực lượng xương sống.

Đơn vị này biên chế đầy đủ có 660 quân, những trang bị như xe lưỡng dụng trên bộ-dưới nước (đổ bộ) và xe bọc thép cơ động hạng nhẹ cũng sẽ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Đến nay, các công ty vận tải hàng hải tư nhân của Nhật Bản cũng đã sở hữu phà cao tốc có thể chở được những trang bị này và có thể chạy tốc độ lên tới trên 60 km/giờ.

So với bỏ ra 10 tỷ yên (khoảng 600 triệu nhân dân tệ) đóng tàu vận tải có cùng chức năng thì nguồn vốn tư nhân chỉ cần vài trăm triệu yên.

Không chỉ như vậy, công ty vận tải hàng hải đầu tư vào công ty đặc biệt này cũng thu lợi ổn định nhờ được Lực lượng Phòng vệ cho vay lâu dài, những người bỏ vốn khác cũng lần lượt nhận được ngày càng nhiều đơn đặt hàng.

Nhưng, đối với quyết định của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, những tiếng nói nghi ngờ cũng còn tồn tại. Khi gặp phải tình huống khẩn cấp, tàu tư nhân có thể đảm đương được nhiệm vụ nặng nề ra khơi hay không, có cần tuyển lái tàu làm sĩ quan dự bị Lực lượng Phòng vệ để đối phó với bất cứ tình huống nào hay không - Bộ Quốc phòng Nhật Bản vẫn đang tiếp tục thảo luận về vấn đề này.

Tàu tấn công đổ bộ (vận tải) Shimokita lớp Ohsumi, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Tàu tấn công đổ bộ (vận tải) Shimokita lớp Ohsumi, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Việt Dũng