Nhật Bản tăng quân để “đông tiến”, “nam tiến” nhằm vào Trung Quốc

01/09/2013 07:00
Đông Bình
(GDVN) - Đây tiếp tục là loạt bài lo ngại của dư luận TQ về việc Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự, đe dọa đòi hỏi chủ quyền của TQ ở Biển Hoa Đông, Biển Đôg
Tàu tấn công đổ bộ Quân đội Mỹ ở căn cứ hải quân Okinawa
Tàu tấn công đổ bộ Quân đội Mỹ ở căn cứ hải quân Okinawa

Tờ “Thanh niên Trung Quốc” ngày 30 tháng 8 có bài viết cho rằng, Naha nằm ở phía nam đảo Okinawa, bờ tây biển Hoa Đông, là thành phố lớn nhất của đảo Okinawa. Những năm gần đây, Nhật Bản đã tăng cường đóng quân ở Naha, xây dựng hệ thống lực lượng quân sự trên hướng tây nam để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc – điều này được báo Trung Quốc gọi là “nhân tố quan trọng phá hoại an ninh, ổn định khu vực Tây Thái Bình Dương” (?).

Nhật Bản tăng quân Naha vì đảo Senkaku

Trong một thời gian tương đối dài sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Naha và hướng tây nam hoàn toàn không phải là trọng tâm triển khai của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Mãi đến những năm gần đây, Nhật Bản mới bắt đầu tiến hành mở rộng tăng quân cho Naha nhằm đề phòng “đảo Senkaku có sự cố”.

Được biết, căn cứ Naha cách đảo Senkaku hơn 400 km, được Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản gọi là “căn cứ quân sự canh giữ đảo Senkaku gần nhất”. Mức độ xây dựng căn cứ Naha đã không ngừng tăng cường theo diễn biến ngày càng căng thẳng của vấn đề đảo Senkaku.

Tháng 3 năm 2009, phi đội 204 của Lực lượng Phòng vệ Trên không đóng ở Naha bắt đầu đổi mới trang bị, loại máy bay chiến đấu chủ yếu đổi thành máy bay F-15 có bán kính tác chiến có thể bao trùm hiệu quả đảo Senkaku. Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn có kế hoạch tăng số lượng máy bay chiến đấu của căn cứ Naha từ 20 chiếc lên 32 chiếc trong 10 năm tới, phi đội máy bay chiến đấu từ 1 tăng lên 2; điều khoảng một nửa trong số 13 máy bay cảnh báo sớm E-2C vốn ở căn cứ Misawa, tỉnh Aomori tới Naha, thành lập Đội cảnh giới, theo dõi bay 2, tăng cường phòng thủ quân sự hướng tây nam.

Máy bay cảnh báo sớm E-2C Nhật Bản
Máy bay cảnh báo sớm E-2C Nhật Bản

Hầu như đồng bộ với các động thái trên không, liên đội hỗn hợp 1 của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (lấy Naha làm căn cứ) cũng được mở rộng thành lữ đoàn 15. Theo tiết lộ của tạp chí “Nghiên cứu quân sự” Nhật Bản, lữ đoàn 15 mới được xây dựng theo tiêu chuẩn lực lượng cơ động chiến lược của Nhật Bản, trang bị những vũ khí tiên tiến như máy bay vận tải hạng nặng, lựu pháo kéo hạng nhẹ, tên lửa phòng không vác vai, máy bay do thám không người lái, một khi ở khu vực xung quanh xảy ra sự cố sẽ được nhanh chóng điều động, hoàn thành triển khai.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã quyết định cấp 21,1 tỷ yên (khoảng 250 triệu USD), trang bị tên lửa Patriot cho lực lượng phòng không căn cứ Naha, nâng cao năng lực phòng thủ tên lửa hướng tây nam của Nhật Bản.

Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Nhật Bản đã đầu tư quân bị mạnh ở đây, làm cho Naha đã trở thành căn cứ quân sự có quy mô lớn nhất, tính tổng hợp mạnh nhất ở hướng tây nam của Lực lượng Phòng vệ. Điều đáng chú ý hơn là, các bước bố trí lực lượng của Nhật Bản hoàn toàn không chỉ dừng lại ở Naha, mà là lấy Naha làm điểm khởi đầu, không ngừng mở rộng ra bên ngoài. Mấy năm gần đây, liên tục có thông tin Nhật Bản tăng cường đóng quân ở các khu vực như Shimoji, Miyako được đưa ra.

Ngày 23 tháng 6 năm 2013, Bộ Quốc phòng Nhật Bản và khu vực Cho, Yonaguni đã ký hợp đồng thuê đất, lấy đất để triển khai 100 binh sĩ Lực lượng Phòng vệ ở Yonaguni vào năm 2015. Đảo này cách Đài Loan chỉ 110 km, cách đảo Senkaku 150 km, có thể dùng radar theo dõi cự ly gần các động thái của Hải quân Trung Quốc.

Hệ thống tên lửa Patriot-3 của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản
Hệ thống tên lửa Patriot-3 của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản

Một loạt các động thái cho thấy, Nhật Bản lấy Naha làm điểm khởi đầu, không ngừng mở rộng ra bên ngoài, hầu như cách đảo Senkaku và đảo Đài Loan càng gần, thậm chí gần hơn với Biển Đông. Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, cảng Naha chính là căn cứ hải quân quan trọng của Nhật Bản. Trong lịch sử, Nhật Bản lấy Naha làm bàn đạp, mở rộng xâm lược nước ngoài.

Có chuyên gia cho rằng, căn cứ quân sự Naha có vị trí, vai trò nổi bật, làm cho trọng tâm triển khai quân sự của Nhật Bản từ phía bắc truyền thống chuyển về hướng nam, vừa có ý định ngăn chặn Trung Quốc, vừa có tham vọng sử dụng quân đội ở nước ngoài, điều này đồng bộ với các động thái của Nhật Bản hiện nay như thúc đẩy sửa đổi “Hiến pháp hòa bình”, giành được “quyền tự vệ tập thể”. Trong tương lai, bất kể là biển Hoa Đông, hay Biển Đông, thậm chí Ấn Độ Dương xảy ra sự cố thì Naha cũng đều là căn cứ tiến lên để Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản “đông tiến” và “nam tiến”.

Nguyên nhân sử dụng căn cứ Naha của Nhật Bản

Bản thân đảo Okinawa trong đó có Naha là một “đảo quân sự” thực sự, vốn được mệnh danh là “Trân Châu Cảng phương Đông”. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sở dĩ lựa chọn Naha làm đại bản doanh hướng tây nam là do có nhiều nguyên nhân.

Trước hết, Naha có vị trí địa lý chiến lược quan trọng. Đảo Okinawa là hòn đảo lớn nhất của quần đảo Ryukyu, được coi là mắt xích quan trọng nhất của “chuỗi đảo thứ nhất” trên Thái Bình Dương, trong khi đó Naha nằm ở vị trí trung tâm của đảo Okinawa, là chìa khóa tuyến đường hàng hải Miyako, có thể ảnh hưởng đến eo biển Đài Loan và eo biển Bashi. Hải quân Trung Quốc nếu muốn chọc thủng “chuỗi đảo thứ nhất”, vươn ra biển sâu, đây là phương hướng gần nhất.

Nhiều tàu chiến chủ lực Mỹ-Nhật tiến hành diễn tập quân sự liên hợp ở Thái Bình Dương (ảnh tư liệu)
Nhiều tàu chiến chủ lực Mỹ-Nhật tiến hành diễn tập quân sự liên hợp ở Thái Bình Dương (ảnh tư liệu)

Thứ hai, Naha có điều kiện địa lý tự nhiên để xây dựng căn cứ quân sự. Đảo Okinawa tuy là hòn đảo lớn nhất của quần đảo Ryukyu, nhưng diện tích có hạn, khu vực bằng phẳng, rộng rãi thích hợp làm sân bay hoàn toàn không nhiều. Đặc biệt là trong tình hình quân Mỹ tiếp tục kiểm soát 2 căn cứ lớn nhất ở đồng bằng miền trung Okinawa, gồm Kadena và Futenma, thì Naha trở thành sự lựa chọn tốt nhất của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Để nâng cao năng lực bảo đảm của sân bay Naha, tháng 1 năm 2013, Chính phủ Nhật Bản chính thức tuyên bố, đầu tư vốn lớn xây dựng đường băng thứ hai của sân bay Naha. Để thúc đẩy xây dựng “đội cảnh giới, theo dõi bay 2”, ngày 21 tháng 8 năm 2013, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đưa ra quyết định chi 1,3 tỷ yên trong ngân sách tài khóa năm 2014, xây dựng cơ sở bảo trì máy bay cảnh báo sớm E-2C ở sân bay Naha.

Cảng Naha cũng là cảng tự nhiên cỡ lớn tốt, có thể neo đậu trên 40 tàu chiến mặt nước các loại, trong cảng có bến tàu sửa chữa dành cho tàu chiến cỡ trung bình trở xuống. Quân Mỹ đóng ở Okinawa luôn coi cảng Naha là căn cứ tiếp tế hậu cần và vận tải biển chính, máy bay vận tải MV-22 Osprey được họ triển khai ở sân bay Futenma chính là được tiến hành lắp ráp, bay thử ở quân cảng Naha.

Gần đây, Nhật Bản lựa chọn Naha cũng có mặt cầu toàn. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đảo Okinawa được quân Mỹ xây dựng thành cụm căn cứ quân sự lớn nhất châu Á, phân bố toàn đảo 36 căn cứ lớn nhỏ, tổng diện tích đạt trên 230 km2. Nhưng, trong rất nhiều căn cứ, không có căn cứ nào thuộc “chủ nhà” Nhật Bản. Mãi đến thập niên 70 của thế kỷ trước, Mỹ hoàn trả đảo Okinawa, sau khi quân Mỹ rút khỏi sân bay Naha, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản mới bắt đầu đến đóng ở Naha. Có chuyên gia chỉ ra, không thể để quân Mỹ rút khỏi các khu đất “vàng” như Futenma, nên Naha là sự lựa chọn duy nhất của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Máy bay vận tải MV-22 Osprey do Mỹ chế tạo, diễn tập hạ cánh xuống tàu sân bay trực thăng Hyuga Nhật Bản vào ngày 14 tháng 6 năm 2013
Máy bay vận tải MV-22 Osprey do Mỹ chế tạo, diễn tập hạ cánh xuống tàu sân bay trực thăng Hyuga Nhật Bản vào ngày 14 tháng 6 năm 2013

Do điều kiện của Naha quá tốt, quân Mỹ đến nay vẫn mãi không quên. Ngay từ tháng 4 năm 2005, Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Nhật Bản, một khi CHDCND Triều Tiên và eo biển Đài Loan xảy ra khủng hoảng, Nhật Bản sẽ ưu tiên mở cửa cảng biển và sân bay để quân Mỹ sử dụng, quân Mỹ chuyên nhắc đến sân bay Naha của Okinawa. Mấy năm gần đây, giữa Mỹ-Nhật xảy ra tranh cãi về vấn đề di dời sân bay Futenma, Naha cũng được quân Mỹ coi là một trong những khu vực lựa chọn quan trọng.

Nguồn gốc lịch sử

Tuy nhà cầm quyền Nhật Bản thường xuyên nhấn mạnh đến mối đe dọa từ Trung Quốc, kêu gọi bảo vệ đảo Senkaku, tìm các lý do để tăng cường xây dựng căn cứ quân sự Naha, nhưng lại bị người dân khu vực Naha phản đối mạnh mẽ, điều này có nguyên nhân lịch sử.

Theo báo Trung Quốc, Okinawa hoàn toàn không phải là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản. Quần đảo Ryukyu trong đó có Okinawa, về lịch sử, đều thuộc bản đồ của vương quốc Ryukyu. Khu vực Naha chính là Thủ đô của vương quốc Ryukyu cũ. Năm 1879, Nhật Bản đã cưỡng chiếm và thôn tính vương quốc Ryukyu. Đối với vấn đề này, người dân địa phương khó quên được.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai càng là ác mộng của người Okinawa. Hầu hết người Okinawa bị chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản đưa lên chiến xa ra chiến trường làm “bia đỡ đạn”. Sử liệu gần đây cho thấy, chỉ chiến dịch Okinawa đã có 140.000 dân thường thương vong. Trong đó vừa có người bị chết vì pháo nổ, không kích, vừa có dân thường Okinawa tự sát tập thể. Vì vậy, người dân Okinawa rất yêu quý hòa bình, phản đối chiến tranh.  

Nhật Bản sẽ mua máy bay do thám không người lái Global Hawk để bảo vệ đảo Senkaku
Nhật Bản sẽ mua máy bay do thám không người lái Global Hawk để bảo vệ đảo Senkaku

Từ lâu, những sự cố huấn luyện, vụ án hình sự và tiếng ồn cất/hạ cánh máy bay chiến đấu của quân Mỹ trên đảo Okinawa đã trở thành nỗi lo ngại của người dân địa phương. Đáng chú ý là những vụ binh sĩ Mỹ cưỡng dâm phụ nữ địa phương đã dấy lên những hành động phản đối mạnh mẽ.

Đối với vấn đề này, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản buộc phải hành sự thận trọng. Nhiều người lầm tưởng quân đội đóng quân sẽ có lợi cho thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, nhưng sự thực không phải như vậy. Dựa lâu dài vào chi tiêu của quân đội đã làm cho sự phát triển kinh tế của Naha đi vào ngõ cụt, các loại ưu thế không thể phát huy được.

Naha là cảng hàng không quốc tế lớn nhất phía nam Nhật Bản, nhưng cơ sở quân sự mật độ cao đã hạn chế nghiêm trọng sự phát triển kinh tế của Naha. Cảng Naha là cơ sở tiếp tế hậu cần và vận tải biển chính của quân Mỹ đồn trú ở khu vực Okinawa, có 12 bến đỗ có thể cung cấp cho quân Mỹ sử dụng.

Căn cứ Naha của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản nằm sát với sân bay quốc tế Naha, quân và dân cùng sử dụng một đường băng và các cơ sở hàng không khác. Ngày 13 tháng 3 năm 2013, một chiếc máy bay chiến đấu F-15 chuẩn bị hạ cánh đã bất ngờ nổ lốp, khiến cho sân bay buộc phải đóng cửa khẩn cấp trong thời gian 1 giờ, nhiều máy bay chở khách hàng không dân dụng đã bị trì hoãn hoặc hủy bỏ.

Để giải quyết vấn đề phát triển kinh tế của Naha, Chính phủ Nhật Bản cũng đã áp dụng không ít biện pháp khắc phục, chẳng hạn mỗi năm nộp 6,049 tỷ yên tiền thuê cho chính quyền địa phương. Nhưng, đây là con số quá nhỏ khi tính đến những tổn thất kinh tế tiềm năng của Naha.

Hạm đội Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Hạm đội Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

Báo Trung Quốc dẫn lời “học giả Nhật” kết luận: Chính phủ Nhật nếu muốn thực sự mưu cầu phát triển cho người dân địa phương thì nên “chấm dứt chương trình quân sự hóa Naha. Bởi vì, lịch sử sớm đã chứng minh, quân sự hóa của Nhật Bản sẽ không đem lại an ninh, sẽ chỉ phá hoại hòa bình khu vực” – Một kết luận rất lạ và chỉ có ở truyền thông Trung Quốc.

Đông Bình