Nhật Bản xây đường băng mới, cho phép bắn rơi UAV Trung Quốc

23/10/2013 09:55
Việt Dũng
(GDVN) - Nhật xây đường băng mới ở Naha sẽ hoàn thành vào tháng 1 năm 2014 để tăng cường đối phó máy bay TQ, đồng thời cho phép bắn rơi UAV TQ.
Biên đội máy bay chiến đấu F-15 của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản
Biên đội máy bay chiến đấu F-15 của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản

Nhật xây thêm đường băng mới để tăng cường ngăn chặn máy bay TQ

Mạng "Tin tức Trung Quốc" ngày 21 tháng 10 đưa tin, theo mạng "Tân Hoa kiều báo" Nhật Bản, là một trong những trụ cột của chính sách chấn hưng Okinawa, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch hoàn thành xây dựng đường băng thứ hai ở sân bay Naha vào tháng 1 năm 2014 để tăng cường phòng thủ các hòn đảo ở tây nam, đối phó với máy bay quân sự Trung Quốc.

Sau khi xây dựng xong, số lần máy bay F-15 của Lực lượng Phòng vệ Trên Không Nhật Bản từ sân bay Naha khẩn cấp cất cánh để chặn máy bay quân sự Trung Quốc sẽ đạt 14.800 lần, tăng 60% so với hiện nay.

Bài báo cho biết, tháng 9 năm 2012, Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành quốc hữu hóa đảo Senkaku, từ đó đến nay, số lần máy bay của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản cất cánh khẩn cấp từ sân bay Naha để ứng phó với máy bay quân sự Trung Quốc đã tăng mạnh. Xây dựng thêm đường băng là để tăng cường phòng thủ các hòn đảo ở hướng tây nam.

Báo cáo của Cục hàng không Osaka, Bộ Đất đai Hạ tầng và Giao thông Vận tải Nhật Bản cho biết, hiện nay, số lần bay lên của máy bay chiến đấu F-15 ở sân bay Naha là 9.530 lần/năm, sau khi hoàn thành đường băng thứ hai, số lần bay sẽ tăng lên đến 14.805 lần. Nhưng, tiếng ồn cũng sẽ tăng mạnh.

Tàu tuần tra cỡ lớn Okinawa dùng để bảo vệ đảo Senkaku
Tàu tuần tra cỡ lớn Okinawa dùng để bảo vệ đảo Senkaku

Ngày 11 tháng 10, phía Nhật Bản triển khai một chiếc tàu tuần tra có lượng giãn nước 3.100 tấn, có thể mang theo máy bay trực thăng ở thành phố Naha. Chiếc tàu này được triển khai để "tăng cường công tác phòng bị vùng biển xung quanh đảo Senkaku, ứng phó với hoạt động thường xuyên của tàu công vụ Trung Quốc".

Ngày 15 tháng 10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có bài phát biểu chính sách tại Quốc hội, đã bày tỏ biểu dương và tự hào về những đóng góp của các nhân viên bảo đảm an ninh trên biển Nhật Bản làm nhiệm vụ cảnh giới/phòng bị ở xung quanh đảo Senkaku.

Tháng 9 năm 2012, Chính phủ Nhật Bản đã mua lại đảo Senkaku. Trong 1 năm sau đó, Trung Quốc đã tới tấp điều tàu công vụ xâm nhập vùng biển xung quanh đảo Senkaku. Tháng 12 năm 2012, Trung Quốc lần đầu tiên tiến hành "tuần tra lập thể trên biển-trên không" trong lãnh hải, không phận đảo Senkaku.

Trung Quốc luôn thông qua các kênh ngoại giao như "người phát ngôn" để tuyên bố chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là đảo Senkaku), đồng thời coi các hoạt động của tàu công vụ tại vùng biển đảo Senkaku là "tuần tra chấp pháp bình thường", thực chất có ý đồ phá vỡ sự kiểm soát thực tế của Nhật Bản đối với đảo Senkaku, và khẳng định chủ quyền, tìm cách kiểm soát thực tế đối với hòn đảo này.

Ngày 9 tháng 9 năm 2013, máy bay không người lái Trung Quốc xâm nhập bầu trời đảo Senkaku
Ngày 9 tháng 9 năm 2013, máy bay không người lái Trung Quốc xâm nhập bầu trời đảo Senkaku

Trung Quốc luôn đổ lỗi cho Nhật Bản đã tiến hành quốc hữu hóa "phi pháp" đảo Senkaku, coi đó là hành vi "xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc", khiến cho "quan hệ Trung-Nhật rơi vào khó khăn nghiêm trọng".

Thậm chí, Trung Quốc đòi hỏi Nhật Bản phải "nhìn thẳng vào lịch sử và thực tế, phải sửa chữa sai lầm bằng hành động thực tế, nỗ lực để loại bỏ trở ngại cải thiện quan hệ hai nước". Trung Quốc cũng không quên tuyên bố về “quyết tâm và ý chí kiên định bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư”, tuyên truyền với cộng đồng quốc tế rằng họ sẽ “dốc sức cho thông qua đối thoại, đàm phán để giải quyết hòa bình tranh chấp".

Đối với vấn đề này, Nhật Bản luôn khẳng định chủ quyền vốn có của họ đối với đảo Senkaku, ở đảo Senkaku không tồn tại tranh chấp về chủ quyền, tức là Nhật Bản không có tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc ở đảo Senkaku.

Đồng thời, Nhật Bản kiên quyết dùng các biện pháp cứng rắn để ứng phó, thể hiện bằng một loạt các hành động quân sự, chấp pháp kiên quyết, đồng thời tăng cường quan hệ đồng minh, hợp tác với các nước, đặc biệt Nhật Bản chú trọng sửa đổi Hiến pháp, tăng cường vũ khí trang bị phòng thủ trên hướng tây nam...

Máy bay do thám không người lái BZK-005 Trung Quốc
Máy bay do thám không người lái BZK-005 Trung Quốc

Nhật sẽ bắn rơi máy bay không người lái của nước ngoài

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc dẫn nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản ngày 20 tháng 10 tiết lộ với hãng Kyodo Nhật Bản rằng, đối với máy bay không người lái nước ngoài xâm phạm không phận Nhật Bản, nếu họ coi thường sự cảnh báo của Nhật Bản, Nhật Bản sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế tương tự như máy bay có người lái, có thể sẽ bắn rơi chúng.

Ngày 11 tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã báo cáo biện pháp xử lý này lên Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và đã được cho phép.

Theo bài báo, xét tới việc một chiếc máy bay không người lái của Quân đội Trung Quốc xâm nhập Khu nhận biết phòng không Nhật Bản vào tháng 9 năm 2013, đồng thời từng bay tiếp cận bầu trời khu vực đảo Senkaku, Bộ Quốc phòng và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã tiến hành thảo luận về các đối sách có liên quan. Nhật Bản cho rằng, máy bay không người lái do Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo có lắp máy ảnh độ chính xác cao và radar tính năng cao, hoàn toàn có thể cùng với máy bay có người lái nhận biết được sự cảnh cáo của Nhật Bản, vì vậy quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế giống như máy bay có người lái.

Máy bay cảnh báo sớm E-767 Nhật Bản, mua của Mỹ
Máy bay cảnh báo sớm E-767 Nhật Bản, mua của Mỹ

Đối với việc Nhật Bản tuyên bố cân nhắc bắn rơi máy bay không người lái Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phản ứng cho rằng, Nhật Bản đã “bịa đặt”, có ý định “khiêu khích”, “tạo ra bầu không khí căng thẳng”. Đồng thời, Trung Quốc cho biết, máy bay quân đội của họ “sẽ không xâm phạm không phận nước khác”, nhưng họ lại cho rằng, “tuyệt đối không cho phép máy bay nước khác xâm phạm không phận của Trung Quốc”.

Nhật Bản khẳng định chủ quyền đối với đảo Senkaku, hiện đang kiểm soát thực tế hòn đảo này, khẳng định không tồn tại tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc lại tuyên bố họ có chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư (tức đảo Senkaku), và Trung Quốc luôn tìm cách kiểm soát hòn đảo này, đã để xảy ra va chạm liên tiếp với Nhật Bản. Do đó, không phận đảo Senkaku sẽ xảy ra những va chạm, xung đột thế nào trong tương lai, cần tiếp tục theo dõi.

Tháng 9 năm 2013, tàu tuần tra Nhật Bản đuổi tàu cảnh sát biển Trung Quốc ở vùng biển đảo Senkaku
Tháng 9 năm 2013, tàu tuần tra Nhật Bản đuổi tàu cảnh sát biển Trung Quốc ở vùng biển đảo Senkaku
Việt Dũng