Nhiều phi công nổi tiếng sẽ dự thi dù bay quốc tế tại Đà Nẵng

16/05/2012 08:04
Theo Infonet
Khán giả đến với DIPR 2012 sẽ có dịp chứng kiến những màn biểu diễn nhào lộn hết sức ngoạn mục của cặp đôi phi công Didier Eymin và Mathive của đội PAP
Nữ phi công từng chiến thắng ở giải vô địch thế giới năm 2009, các phi công từng nhiều năm vô địch Nhật Bản, hay người đầu tiên trên thế giới thực hiện chuyến dù bay vượt qua Địa Trung Hải... sẽ tham gia dù bay quốc tế.
Phi công Ryoya Igarashi từng vô địch dù bay Nhật Bản các năm 2003, 2005 và 2009 (Ảnh do Công ty C.A.T.I. cung cấp)
Phi công Ryoya Igarashi từng vô địch dù bay Nhật Bản các năm 2003, 2005 và 2009 (Ảnh do Công ty C.A.T.I. cung cấp)
Ngày 15/5, bà Thân Ngọc Hải Cát, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần C.A.T.I - đơn vị tổ chức cuộc thi dù bay quốc tế Đà Nẵng 2012 (DIPR 2012) cho hay, trong số 25 phi công Pháp, Ba Lan, Hoa Kỳ và Nhật Bản tham gia cuộc thi có khá nhiều gương mặt nổi tiếng trong làng dù bay thế giới. Trong 20 phi công Nhật Bản có mặt tại DIPR 2012, Ryoya Igarashi (sinh năm 1956) là một trong những gương mặt rất nổi bật. Ông bắt đầu chơi thể thao dù bay năm 1978 và đã vô địch quốc gia Nhật Bản các năm 2003, 2005 và 2009. Bên cạnh đó là thành tích xếp thứ 12 tại giải WAG năm 2009; thứ 15 tại giải vô địch dù bay quốc tế năm 2007 và thứ 13 giải vô địch dù bay quốc tế năm 2005. Ngoài việc vẫn tiếp tục có mặt tại các cuộc thi dù bay quốc tế, hiện Ryoya Igarashi còn là giảng viên và kinh doanh thiết bị dù bay.
Phi công Didier Eymin (Pháp), người sáng lập môn dù lượn phiêu lưu từ năm 1985... (Ảnh do Công ty C.A.T.I. cung cấp)
Phi công Didier Eymin (Pháp), người sáng lập môn dù lượn phiêu lưu từ năm 1985... (Ảnh do Công ty C.A.T.I. cung cấp)
Nổi bật không kém là phi công Tokihisa Kanedo từng lập kỷ lục bay đường dài tại Nhật Bản (150km), vô địch giải dù bay quốc tế tại Trung Quốc. Hiện ông là quan chức hàng không tại Nhật Bản. Phi công Nobuo Sekiguchi (sinh năm 1957), bắt đầu chơi môn thể thao dù bay năm 1984 và từng vô địch quốc gia Nhật Bản năm 2000 và năm 2004. Jun Asihmine (mang hai quốc tịch Nhật Bản và Philippines) từng vô địch giải dù bay quốc gia Nhật Bản khi mới 17 tuổi... Khán giả đến với DIPR 2012 sẽ có dịp chứng kiến những màn biểu diễn nhào lộn hết sức ngoạn mục của cặp đôi phi công Didier Eymin và Mathive của đội PAP (đội dù bay nổi tiếng của Pháp). Họ thường bay cặp với nhau, trong đó Eymin là người đầu tiên sáng lập môn dù lượn phiêu lưu bay từ năm 1985. Thành tích đầu tiên ông đạt được là vượt qua sa mạc Sahara bằng dù năm 1988. Ngày 3/5/1989, ông thực hiện chuyến bay đầu tiên trên thế giới vượt qua Địa Trung Hải, từ Nice đến Calvi, và tiếp nhận nhiên liệu trên không!
Và là người thực hiện chuyến dù bay đầu tiên trên thế giới qua Đại Trung Hải (Ảnh do Công ty C.A.T.I. cung cấp)
Và là người thực hiện chuyến dù bay đầu tiên trên thế giới qua Đại Trung Hải (Ảnh do Công ty C.A.T.I. cung cấp)
Trong khi đó, Emilia Plak, người Ba Lan, là một trong những phi công nữ đầu tiên tham gia thi đấu dù bay quốc tế và hiện là nữ phi công dù bay hàng đầu thế giới. Cô từng giành chiến thắng ở giải vô địch thế giới năm 2009 tại Cộng hòa Czech. Hiện Emilia phụ trách đội Paramania (đội phi công dù bay hàng đầu thế giới ở Ba Lan) và cũng là nữ phi công duy nhất tham gia DIPR 2012. Được biết, DIPR 2012 với chủ đề "Đà Nẵng tầm cao mới" sẽ diễn ra trên vùng trời bờ biển từ Công viên Biển Đông đến phía Nam chùa Linh Ứng Bãi Bụt (bán đảo Sơn Trà) từ ngày 23 - 27/5. Ở Việt Nam, môn thể thao dù bay ((Paramotor) từng được trình diễn trong đêm khai mạc SEA Games 2003 tại Hà Nội và Đại hội TDTT toàn quốc lần VI-2010 tại Đà Nẵng.
Nữ phi công Ba Lan Emilia Plak từng chiến thắng tại giải vô địch thế giới năm 2009 tại Cộng hòa Czech (Ảnh do Công ty C.A.T.I. cung cấp)
Nữ phi công Ba Lan Emilia Plak từng chiến thắng tại giải vô địch thế giới năm 2009 tại Cộng hòa Czech (Ảnh do Công ty C.A.T.I. cung cấp)
Tuy nhiên đây vẫn còn là một môn thể thao rất mới mẻ với khán giả Việt Nam. Hiện việc chơi dù bay ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do trang thiết bị tốn kém (khoảng 3.000 - 7.000 USD/bộ thiết bị cơ bản), số lượng người chơi ít, chưa có trường lớp đào tạo cơ bản... Việt Nam chưa có phi công có bằng lái dù bay do một Liên đoàn Thể thao hàng không của một quốc gia là thành viên của Liên đoàn Thể thao hàng không thể giới (FAI) cấp nên chưa có một đại diện nào đủ tiêu chuẩn tham dự DIPR 2012.
Theo Infonet