Những trang bị nào tham gia cuộc tập trận Trung-Nga?

21/05/2014 08:08
Đông Bình
(GDVN) - Bài viết giới thiệu các loại vũ khí trang bị của Trung Quốc và Nga tham gia cuộc diễn tập quân sự liên hợp "Liên hợp trên biển-2014" ở biển Hoa Đông.
Tàu tuần dương tên lửa Varyag của Hạm đội Thái Bình Dương Nga
Tàu tuần dương tên lửa Varyag của Hạm đội Thái Bình Dương Nga

Cuộc diễn tập quân sự "Liên hợp trên biển - 2014" Trung-Nga được tổ chức ở vùng biển và vùng trời phía bắc biển Hoa Đông - phía đông cửa sông Trường Giang từ ngày 20 đến ngày 26 tháng 5.

Được biết, binh lực tham diễn hai bên tổng cộng có 14 tàu chiến mặt nước, 2 tàu ngầm, 9 máy bay cánh cố định, 6 máy bay trực thăng trang bị cho tàu chiến và 2 phân đội đặc nhiệm.

So với diễn tập liên hợp trên biển Trung-Nga trước đây, "Liên hợp trên biển-2014" không phải là cuộc tập trận có binh lực tham diễn nhiều nhất, nhưng hai bên nhất là phía Trung Quốc đã sử dụng rất nhiều vũ khí trang bị mới.

Theo giới thiệu của nhà nghiên cứu Trương Quân Xã, Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân Trung Quốc, những vũ khí trang bị mới của hải quân Trung Quốc như tàu Trịnh Châu, máy bay chiến đấu J-10 và máy bay chiến đấu Su-30 đều lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc diễn tập liên hợp Trung-Nga.

Trong cuộc diễn tập lần này, rất nhiều tàu chiến của hải quân Nga đều là những "gương mặt cũ" đã quen với người dân Trung Quốc. Những tàu chiến này đều đến từ Hạm đội Thái Bình Dương, gồm tàu tuần dương tên lửa Varyag, tàu săn ngầm cỡ lớn Admiral Panteleyev, tàu khu trục tên lửa Bystry, tàu đổ bộ cỡ lớn Admiral Nevelskoi, tàu tiếp tế (chở dầu) và tàu kéo.

Tàu săn ngầm cỡ lớn Admiral Panteleyev Hải quân Nga
Tàu săn ngầm cỡ lớn Admiral Panteleyev Hải quân Nga

Tàu chiến tham diễn của Trung Quốc gồm có tàu Cáp Nhĩ Tân mới xuất hiện ở vùng biển Hoàng Hải vào cuối tháng 4, tàu Trịnh Châu vừa biên chế và được gọi là Aegis Trung Hoa, cùng với tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài, Liễu Châu đã nhiều lần tham gia hộ tống, diễn tập liên hợp.

Nga:

Sát thủ tàu sân bay: tàu tuần dương tên lửa Varyag

Tàu Varyag là một "gương mặt cũ" đối với người Trung Quốc. Tháng 10 năm 1999, khi kỷ niệm tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung-Nga và tròn 50 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tàu Varyag và tàu khu trục tên lửa số hiệu 778 lớp Sovremenny Nga đã đến thăm Thượng Hải.

Tháng 4 năm 2009, tàu Varyag đã tham gia hoạt động duyệt binh đa quốc gia kỷ niệm tròn 60 năm thành lập Hải quân Trung Quốc. Năm 2012 và năm 2013, tàu Varyag lần lượt tham gia diễn tập liên hợp trên biển "Liên hợp trên biển - 2012" và "Liên hợp trên biển - 2013" giữa Trung-Nga.

Tàu tuần dương tên lửa Varyag của Hạm đội Thái Bình Dương Nga
Tàu tuần dương tên lửa Varyag của Hạm đội Thái Bình Dương Nga

Tàu Varyag là tàu số 3 của tàu tuần dương tên lửa lớp Slava, hạ thủy tháng 7 năm 1983, biên chế ngày 16 tháng 10 năm 1989, trang bị 16 quả tên lửa chống hạm tầm xa, đầu đạn có thể lắp đạn năng lượng cao 1 tấn hoặc đầu đạt hạt nhân nặng vài trăm kg, nên nó được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay".

Tàu lớp này chủ yếu làm nhiệm vụ phòng không và săn ngầm của biên đội tàu chiến, vì vậy nhấn mạnh khả năng tác chiến tổng hợp độc lập, tên lửa, pháo và ngư lôi trên tàu đều đầy đủ, khả năng chống hạm, phòng không và săn ngầm đều có.

"Siêu tàu khu trục" - tàu săn ngầm cỡ lớn Admiral Panteleyev

"Không có hải quân mạnh thì không có nước Nga mạnh", đây là câu nói nổi tiếng của Peter the Great, được Nga và Liên Xô cũ kế thừa. Khi tàu Udaloy đầu tiên lớp Udaloy biên chế vào năm 1980, đã làm cho hải quân các nước phương Tây rất kinh ngạc, bởi vì tàu khu trục khi đó của những nước này hầu như chỉ bằng một nửa tàu Udaloy.

Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, tàu lớp Udaloy đứng đầu, được các nước phương Tây gọi là "siêu tàu khu trục". Sau khi tàu khu trục lớp Arleigh-Burke của hải quân Mỹ hạ thủy thì tàu lớp Udaloy mới có đối thủ.

Tàu khu trục tên lửa Bystry lớp Sovremeny Hải quân Nga
Tàu khu trục tên lửa Bystry lớp Sovremeny Hải quân Nga

Tàu săn ngầm này được đặt tên theo thượng tướng Panteleyev, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Liên Xô, chủ yếu làm nhiệm vụ tác chiến săn ngầm trong hạm đội biển xa với chủ lực là tàu sân bay hoặc tàu tuần dương tấn công.

Vũ khí săn ngầm của tàu này gồm có hỏa lực 3 tầng xa, trung và gần: tầng ngoài là 2 máy bay trực thăng săn ngầm Ka-27, tầng giữa là 2 tên lửa săn ngầm SS-N-14 với 4 nòng và 2 ống phóng ngư lôi 533 mm với 4 nòng, tầng trong là 2 thiết bị phóng tên lửa săn ngầm Type RBU6000, trong thời bình một chiếc tàu này có thể cơ bản hoàn thành nhiệm vụ tác chiến ở vùng biển có chu vi 120.000 km2.

Tàu khu trục tên lửa Bystry

Là một trong những tàu khu trục tên lửa lớp Sovremenny, tàu Bystry hải quân Nga được báo TQ tự nhận là "có thể gọi là "tàu chị em" với tàu Hàng Châu, tàu Phúc Châu, tàu Thái Châu, tàu Ninh Ba của hải quân Trung Quốc".

Tàu này lượng giãn nước là 8.480 tấn, tốc độ cao nhất 32 hải lý/giờ, đã trang bị 2 máy phóng tên lửa hành trình siêu âm Moskit 4 nòng, trang bị 8 máy phóng tên lửa săn ngầm SS-N-22, 2 hệ thống tên lửa phòng không SA-N-7, 2 pháo lưỡng dụng 130 mm 2 nòng, 1 máy bay trực thăng Ka-25, có tốc độ siêu âm toàn bộ hành trình và khả năng cơ động tốt, được gọi là "sát thủ tàu sân bay".

Tàu đổ bộ cỡ lớn lớp Ropucha Hải quân Nga
Tàu đổ bộ cỡ lớn lớp Ropucha Hải quân Nga

Tàu đổ bộ cỡ lớn Admiral Nevelskoi

Admiral Nevelskoi là tàu đổ bộ lớp Ropucha, tàu lớp này là tàu đổ bộ xe tăng được phát triển trên nền tảng lớp Tapir. Tàu này lượng giãn nước đầy là 4.080 tấn, dài 112,5 m, rộng 15 m, tốc độ tối đa 18 hải lý/giờ, khả năng chạy liên tục là 6.000 hải lý.

Tàu Admiral Nevelskoi trang bị tên lửa, pháo và thủy lôi. Hiện nay, tàu này có 2 phương thức vận chuyển (10 xe tăng chiến đấu và 190 binh sĩ đổ bộ hoặc 24 xe chiến đấu bọc thép và 170 binh sĩ), căn cứ vào nhiệm vụ để chọn phương thức vận chuyển, điều này tương đối linh hoạt, cơ động.

Trung Quốc:

Tàu khu trục tên lửa Trịnh Châu

Tàu Trịnh Châu là tàu khu trục tên lửa thế hệ mới do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo, biên chế ngày 26 tháng 12 năm 2013, số hiệu 151, dài tối đa 155 m, rộng 17 m, lượng giãn nước đầy hơn 6.000 tấn, đã trang bị nhiều vũ khí trang bị mới do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển, tính năng tiên tiến, hàm lượng công nghệ cao, có khả năng tác chiến phòng không khu vực và dò tìm cảnh giới tầm xa khá lớn, được gọi là Aegis Trung Hoa.

Tàu khu trục tên lửa Trịnh Châu, số hiệu 151 Type 052C của Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc, biên chế ngày 26 tháng 12 năm 2013
Tàu khu trục tên lửa Trịnh Châu, số hiệu 151 Type 052C của Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc, biên chế ngày 26 tháng 12 năm 2013

Là tàu chỉ huy tham gia diễn tập của Trung Quốc, tàu Trịnh Châu được cho là có màu xám bạc, thon dài và đầy đặn, tầng kiến trúc phía trên được thiết kế nhất thể, kết cấu gọn.

Tàu khu trục tên lửa Cáp Nhĩ Tân

Tàu Cáp Nhĩ Tân biên chế vào năm 1994, đã tham gia hơn 100 nhiệm vụ quan trọng, trong đó có diễn tập liên hợp Trung-Nga, diễn tập chống cướp biển liên hợp Trung-Mỹ, đã đến thăm 17 nước và 19 cảng, trong đó có Mỹ, Nga và Singapore, đã chạy an toàn hơn 300.000 hải lý, đã thực hiện những đột phá như lần đầu tiên chạy xuyên Thái Bình Dương, lần đầu tiên thăm đất liền Mỹ.

Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ hộ tống ở vịnh Aden, vùng biển Somalia, đã hộ tống cho 32 tốp với 93 chiếc tàu cả Trung Quốc và nước ngoài, là tàu thực hiện nhiệm vụ diễn tập liên hợp nhiều nhất, tàu chiến chủ lực làm nhiệm vụ hộ tống có thời gian nhiều nhất của Trung Quốc. Tháng 1 năm 2003, tàu này được Quân ủy Trung ương Trung Quốc đặt tên là “tàu tiên phong trên biển”.

Tàu khu trục tên lửa Cáp Nhĩ Tân
Tàu khu trục tên lửa Cáp Nhĩ Tân

Tàu khu trục tên lửa Ninh Ba

Tàu này trang bị các hệ thống vũ khí như tên lửa hạm đối không, tên lửa chống hạm, ngư lôi săn ngầm. Ngày 11 tháng 10 năm 2008, biên đội tàu chiến gồm tàu Ninh Ba và tàu Mã Yên Sơn đến thăm Vladivostok, Nga và đã tiến hành diễn tập quân sự liên hợp với Hải quân Nga trong đó có tìm kiếm cứu nạn liên hợp, tập luyện về thông tin.

Tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài

Tàu Yên Đài biên chế ngày 30 tháng 7 năm 2011, chủ yếu tiến hành săn ngầm cho biên đội, hiệp đồng phòng không biên đội, chi viện hỏa lực cho tác chiến đổ bộ, thực hiện các nhiệm vụ như tuần tra trên biển, cảnh giới.

Tàu Yên Đài là tàu hộ vệ tên lửa kiểu mới nhất của Trung Quốc, trang bị vũ khí tiên tiến và được thiết kế tối ưu hóa thân tàu, đã thực hiện chia sẻ nguồn thông tin và kiểm soát tổng hợp vũ khí, có chức năng tác chiến trên các phương diện như chi viện hỏa lực tấn công bờ biển, đối hải, đối không, săn ngầm. Từ khi biên chế đến nay, tàu này đã lần lượt tham gia các hoạt động như hộ tống ở vịnh Aden, diễn tập liên hợp Trung-Nga, huấn luyện biển xa.

Tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài Type 054A Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài Type 054A Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc

Tàu hộ vệ tên lửa Liễu Châu

Tàu này biên chế vào ngày 26 tháng 12 năm 2012, trang bị nhiều loại radar tiên tiến, hệ thống tên lửa, hệ thống pháo do Trung Quốc tự chế, trước sau đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ như thăm 3 nước Nam Mỹ, ngày hàng hải Trung Quốc.

Tàu Liễu Châu và tàu Yên Đài cùng thuộc tàu hộ vệ Type 054A, tàu này áp dụng thiết kế tối ưu hóa thân tàu và có vũ khí trang bị tiên tiến, đã thực hiện chia sẻ nguồn thông tin và kiểm soát tổng hợp vũ khí, có chức năng tác chiến trên nhiều phương diện như chi viện hỏa lực tấn công bờ biển, đối hải, đối không và săn ngầm.

Tàu tiếp tế tổng hợp Thiên Đảo Hồ

Tàu này là tàu tiếp tế tổng hợp biển xa thế hệ thứ hai do Trung Quốc thiết kế, chế tạo, có tốc độ cao, tính thích ứng mạnh, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ tiếp tế khi đi theo biên đội tàu khu trục, tàu hộ vệ.

Tàu tiếp tế Thiên Đảo Hồ số hiệu 886 Type 903, Hải quân Trung Quốc
Tàu tiếp tế Thiên Đảo Hồ số hiệu 886 Type 903, Hải quân Trung Quốc

Tàu Thiên Đảo Hồ là chiếc đầu tiên của tàu tiếp tế tổng hợp cỡ lớn thế hệ mới do Trung Quốc nghiên cứu phát triển, trong hơn 10 năm qua, tàu này đã có một hành trình đạt trên 200.000 hải lý, đã đến 10 quốc gia Á-Phi-Úc. Trong nhiệm vụ bảo đảm biển xa, tàu này vừa làm bảo đảm vừa tiến hành "chiến đấu", trở thành tàu "đa năng" trên biển.

Tàu Trịnh Châu, Su-30 và J-10 lần đầu tiên tham gia diễn tập

Rất nhiều vũ khí trang bị tiên tiến của Trung Quốc lần đầu tiên tham gia diễn tập liên hợp Trung-Nga, ngoài tàu khu trục tên lửa Ninh Ba và Trịnh Châu, còn có máy bay chiến đấu Su-30, J-10.

Ngoài ra, tham gia diễn tập liên hợp trên biển Trung-Nga lần này còn có máy bay chiến đấu JH-7, máy bay trực thăng săn ngầm Z-9.

Máy bay chiến đấu Su-30 là một loại máy bay chiến đấu hạng năng đa năng, có thể trang bị tên lửa không đối không và tên lửa chống hạm cự ly trung bình, chủ yếu làm nhiệm vụ kiểm soát trên không và tấn công mục tiêu mặt nước, có khả năng tấn công đối hải và phòng không khá mạnh.

Máy bay chiến đấu J-10 là máy bay chiến đấu thế hệ mới do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo, nó là loại máy bay cỡ trung bình, đa năng, tốc độ siêu âm, có ưu thế trên không trong mọi điều kiện thời tiết.

Tàu hộ vệ tên lửa Liễu Châu số hiệu 573 Type 054A, Hạm đội Nam Hải, biên chế ngày 26 tháng 12 năm 2012
Tàu hộ vệ tên lửa Liễu Châu số hiệu 573 Type 054A, Hạm đội Nam Hải, biên chế ngày 26 tháng 12 năm 2012
Máy bay chiến đấu J-10 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-10 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu Su-30MK2 Hải quân Trung Quốc
Máy bay chiến đấu Su-30MK2 Hải quân Trung Quốc
Đông Bình